Tất cả chuyên mục

Đầu năm nay Tỉnh uỷ mở cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí và tìm hiểu về quê hương Quảng Ninh” nhân kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh. Cuộc thi mở ra với ba mảng đề tài lớn, mảng thứ ba -Tìm hiểu Quảng Ninh do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì. Ở phần này, Ban tổ chức đã thiết kế 5 câu hỏi và những gợi ý trả lời, phiếu chấm điểm cho mỗi câu cùng hướng dẫn tỉ mỉ, thuận cho việc tuyển chọn ở các đảng bộ cơ sở, gợi hướng làm bài cho người thi.
Theo thống kê của Ban tổ chức, đã có 210.000 người làm bài dự thi, đủ mọi lứa tuổi, ngành, nghề, vùng miền. Sau khi đã chọn lọc trao giải ở cơ sở, các nơi đã gửi về Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ 1.000 bài dự thi. Mỗi bài như một cuốn sách, mỏng hơn 200 trang khổ A4, dày tới 600 trang. Nhóm tài năng Ban Thanh niên Học viện An ninh Nhân dân kết hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP trả lời 5 câu hỏi đã viết thành 7 cuốn sách hơn 1.500 trang. Nhiều cuốn sách dày bìa đỏ, đóng hộp, chữ viết tay đẹp như in, trình bày chặt chẽ, trang trọng. Cầm những cuốn sách như thế, Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo đều muốn được phép trao giải cho tất cả những người dự thi. Bởi sách không chỉ là sách nữa, sách nặng tình người, không đắm say, cháy lòng với Quảng Ninh thì sao làm nổi. Cuộc thi đã thổi bùng không khí tìm hiểu Quảng Ninh trong cả nước.
Đắm say với Quảng Ninh
Sách đẹp về hình thức, đẹp hơn là nội dung. Mỗi cuốn sách, mỗi câu trả lời đều rất rõ ý tưởng sống, trách nhiệm, tấm lòng của người viết đối với Đảng, Bác Hồ và cư dân trong tỉnh. Mỗi câu trả lời là một từ điển bách khoa về Quảng Ninh. Khái quát về đặc điểm tự nhiên, nhóm tài năng Học viện An ninh Nhân dân trả lời chi tiết: Có bao nhiêu lượng phù sa trong dòng chảy sông Cửa Lục? Lưu lượng nước mùa mưa, mùa khô của sông Chanh; độ mặn (trung bình) của nước biển Cô Tô; đặc tính, tập quán của cư dân các dân tộc huyện miền núi Ba Chẽ… Có thể những bảng, biểu thống kê này sẽ thay đổi theo thời gian, nhưng ai đã đọc đều thấy rất có ích.
![]() |
Một số tác phẩm và mô hình dự thi. Ảnh: VŨ ĐIỀU (CTV) |
Chị Nguyễn Ngọc Thu (SN 1957, làm việc tại Nhà sách Kim Khánh, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), viết thư gửi Ban tổ chức “Tôi không là người con Quảng Ninh nhưng yêu mến Quảng Ninh nên tôi làm bài dự thi...”. Bài thi của chị là 2 cuốn sách, cuốn 1 dày 304 trang, cuốn 2 dày 593 trang, viết bằng bút bi, 6 màu mực khác nhau. Chị Thu yêu Vịnh Hạ Long, yêu đảo Ti Tốp, hòn đảo Bác Hồ đặt tên khi Người đi cùng Anh hùng vũ trụ Ti Tốp ra đảo vào ngày 22-1-1962. Chị Thu viết: “Tôi thích nhất bây giờ địa phương đã trồng cọ trên đảo...”. Tình yêu ấy là tình yêu Đất nước.
Cao tuổi nhất là hai CCB đồng tác giả. Cụ ông Mai Xuân Hệ 88 tuổi, cụ bà Đàm Thị Năm 77 tuổi (số nhà 55, khu 1, phường Thanh Sơn), gửi 2 cuốn sách dự thi. Cuốn 1 bằng việc cắt, dán ảnh, các cụ minh hoạ điều kiện tự nhiên, xã hội bằng ảnh cảnh và người. Nghe nói cụ ông cắt, còn cụ bà dán. Cuốn 2 cụ ông viết tay trả lời đủ 5 câu hỏi, mực xanh, chữ to kềnh. Đọc bài thi của hai cụ, các giám khảo hình dung một cuộc tình rực lửa thời bom đạn, giờ là tình già đang sống một cuộc sống bình an. Tuổi già, sức yếu mà đêm, ngày hai cụ cắt, dán để làm bài dự thi. Quý hoá lắm.
Còn rất nhiều chuyện, nói không sao xiết, viết không sao đủ. Chỉ biết nếu không yêu vùng đất này, nếu tính toán so đo hơn thiệt thì không thể viết nổi vài ba trang giấy, nói chi đến hàng vạn, hàng chục vạn cuốn sách dự thi như thế.
Lắng nghe những ý tưởng
Câu hỏi số 5 “Đề xuất những ý tưởng giải pháp để phát huy tối đa những ý tưởng tiềm năng thế mạnh phục vụ cho sự phát triển kinh tế Quảng Ninh”. Các giải pháp được nêu ra rất nhiều, nhất là du lịch và bảo vệ môi trường. Giáo viên Trường THPT Minh Hà (TX Quảng Yên) đề xuất biến 7 xã đảo Hà Nam thành vùng du lịch sinh thái. CCB TP Hạ Long đề xuất các giải pháp để huyện Đông Triều thành cõi du lịch tâm linh. Giải pháp chung cho sự phát triển nhiều lắm, đọc kỹ và trân trọng, những người có trách nhiệm sẽ học được nhiều điều hay.
Giải pháp cụ thể cho từng ngành càng độc đáo hơn. Cô Dương Thị Bích Hường, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiên Lãng (Tiên Yên) nêu giải pháp để mỗi giáo viên phải trở thành thần tượng, để học sinh nhìn vào mà phấn đấu. Nếu tất cả các thầy, cô giáo làm được như vậy, thì con em của chúng ta không chỉ được rèn chữ mà còn được rèn người. Sẽ không còn chuyện học thêm, dạy thêm, bệnh thành tích trong nhà trường không còn chỗ đứng. Trong veo học đường, trong veo tâm hồn trẻ thơ.
Câu 5 còn có phần tự luận dành cho tuổi học trò. Em Nguyễn Thanh Thanh Hiền, học sinh lớp 7 Trường THCS Cô Tô, tự luận bằng cách viết thư cho bạn Na Na quen trên mạng, kể về điện lưới quốc gia tháng 10 này về đảo, đổi đời cho dân; về Cô Tô trong nắng sớm, hoàng hôn, trưa hè; Cô Tô rừng Trõi, đám cưới; Cô Tô đêm đông với ngàn, vạn ánh đèn lấp lánh như ngàn vạn ngôi sao. Cô Tô đẹp cả trong ngày dông bão. Cô Tô đã thành máu thịt của em, nên em yêu đến thế.
Đọc các bài tự luận, Hội đồng giám khảo hiểu thêm một điều: Cái mới của sự phát triển bao giờ cũng có sức hấp dẫn ghê gớm. Như bài của CCB Trương Hữu Nghĩa (Xí nghiệp Than Giáp Khẩu, Công ty Than Hòn Gai) nói đến phát triển du lịch, đã say sưa kể về một quần thể văn hoá Cột 3 (tạm định danh như thế) với Quảng trường Cột 3, nhà thư viện, nhà bảo tàng...; Công viên lán bè với cây xanh và con đường đẹp. Trăm nghe không bằng một thấy, mọi người dân nhìn vào những công trình mới, những việc làm cụ thể cải thiện và nâng dần mức sống của dân. Những công trình như thế là các công trình hợp lòng dân.
Cuộc thi đã khép lại, những tác phẩm được trao giải, những mô hình sẽ được trưng bày tại nhà bảo tàng mới tại Cột 3. Theo đánh giá của ông Vũ Ngọc Giao, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, cuộc thi thành công ở cả 3 phương diện: Số lượng, chất lượng các bài dự thi và đối tượng tham gia dự thi. Kết quả cuộc thi vượt ngoài mong đợi.
Vũ Điều (CTV)
Ý kiến ()