Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:48 (GMT +7)
Kết nối vệ tinh cho smartphone: Công nghệ ‘chọc trời’ hay chỉ là chiêu trò quảng cáo
Thứ 4, 14/09/2022 | 14:43:20 [GMT +7] A A
Tính năng đột phá kết nối vệ tính của iPhone 14 mới ra mắt liệu có phải chỉ là chiêu trò quảng cáo?
Apple vừa ra mắt iPhone 14, và một trong những tính năng công nghệ khác biệt và nổi bật được nhà sản xuất điện thoại Mỹ quảng bá đó chính là khả năng kết nối vệ tinh. Nó sẽ cho phép người dùng gửi tin nhắn khẩn cấp (SOS) ngay cả khi họ ở ngoài vùng phủ sóng mà không cần các thiết bị phụ trợ như ăng ten vệ tinh.
Mặc dù nó sẽ không cho phép truyền các dữ liệu thông thường, giọng nói hoặc văn bản, nhưng nó sẽ gửi cảnh báo tới các dịch vụ khẩn cấp cùng với hoàn cảnh và vị trí của bạn.
Nghe thật thú vị. Trong trường hợp đi du lịch ra nước ngoài hoặc tới các vùng hẻo lánh, rồi bất chợt bị thương hoặc lạc đường, người dùng có thể kích hoạt tính năng SOS khẩn cấp nếu họ có iPhone 14 hoặc 14 Pro, vì cả hai đều sở hữu chipset không dây được cập nhật tính năng mới này.
Nhưng iPhone 14 không phải là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới hỗ trợ công nghệ này. Vì nó đã bị một hãng công nghệ Trung Quốc hớt tay trên mất danh hiệu này. Vì hôm 6/9 vừa qua, Huawei đã ra mắt dòng điện thoại flagship Mate50 của mình, tích hợp công nghệ truyền dữ liệu vệ tinh qua hệ thống định vị Bắc Đẩu.
Tạm bỏ qua chuyện ai trước ai sau, thì liệu đây có phải là một tính năng công nghệ đột phá, “chọc trời” của hai hãng smartphone đình đám thế giới hay chỉ là chiêu trò quảng cáo để hấp dẫn truyền thông.
Đáng tiếc rằng dường như các các dấu hiệu đều cho thấy vế sau đúng hơn vế trước. Bởi đối với hầu hết người dùng, tính năng mới này là một cái “gân gà”, chỉ phù hợp với một số ít người trong trường hợp đặc biệt và thậm chí tần suất sử dụng cũng sẽ không quá cao.
Bởi về cơ bản, khái niệm kết nối vệ tinh này không phải loại công nghệ đang được các đơn vị như Starlink hay Lynk phát triển. Công nghệ mà họ sử dụng dựa trên các tháp phát sóng di động đang bay trên quỹ đạo thấp và chúng đủ mạnh để thu và nhận tín hiệu từ mặt đất. Trong khi đó, Apple được cho là hợp tác với Globalstar, một nhà điều hành kết nối vệ tinh truyền thống hoạt động bằng các băng tần và thường yêu cầu một ăng-ten đặc biệt.
Do đó, người dùng sẽ cần phải thực sự hướng điện thoại của họ vào vệ tinh để kết nối tín hiệu, một thứ rõ ràng là quá nhỏ để có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đó cũng là lý do Apple đã tạo ra một ứng dụng định hướng nho nhỏ, giúp người dùng hướng chính xác thiết bị của mình đúng hướng. Nhưng với băng thông cực kỳ hạn chế, vì vậy sau khi đã kết nối, người dùng sẽ chỉ có thể chọn một số thông báo cài đặt trước để thông báo trường hợp khẩn cấp là gì, có ai bị thương không… Các thông báo ngắn và mặc định này giảm thiểu các dữ liệu không liên quan, do đó sẽ mất ít thời gian hơn để gửi. Cùng với đó, vị trí và thông tin y tế của bạn cũng sẽ tự động được gửi.
Dự kiến quá trình này sẽ mất khoảng 15 giây, nhưng nếu có bất kỳ cây che phủ nào hoặc sự liên kết không tốt, việc kết nối có thể mất vài phút. Nghe tới đây, bạn đã biết mình phải trèo lên các vị trí thật cao nếu muốn sử dụng tính năng này, và hãy hi vọng mình không bị lạc trong rừng rậm.
Dịch vụ này sẽ được triển khai trước tại Mỹ và Canada, bắt đầu từ tháng 11, và sẽ miễn phí trong hai năm. Apple cũng cho biết họ chưa tính đến mức giá có thể có sau khoảng thời gian đó.
Và biết đâu, đến thời điểm đó, Lynk và Starlink có thể sẽ thiết lập và vận hành các dịch vụ viễn thông vệ tinh của riêng họ. Ít nhất cho tới lúc đó, Apple vẫn đưa ra một lựa chọn cung cấp khả năng gửi đi các văn bản khẩn cấp miễn phí trên toàn cầu.
Trong khi đó ở bên kia trái đất, Huawei cũng đang nhận vô số chỉ trích từ các chuyên gia trong ngành về tính năng “có cũng như không” này.
Huang Xu, giám đốc điều hành của một công ty trong ngành công nghiệp vệ tinh, chia sẻ: "Loại phương thức truyền tải thông tin bằng các tin nhắn ngắn đã có sẵn khi hệ thống Bắc Đẩu được xây dựng lần đầu tiên cách đây 20 năm. Huawei tung ra chức năng này như một mánh lới quảng cáo hơn là giá trị thực tế”.
Vị này cũng cho biết trên thực tế, truyền thông vệ tinh chủ yếu được chia thành truyền thông băng hẹp và truyền thông băng rộng. Trong đó, truyền thông băng hẹp chỉ thích hợp để truyền dữ liệu nhỏ như tin nhắn ngắn và không hỗ trợ các nội dung phổ biến như hình ảnh và video. Mặc dù truyền thông băng thông rộng có thể thực hiện việc truyền video, hình ảnh… nhưng nhược điểm là phải có ăng-ten truyền dẫn chuyên dụng để truyền dữ liệu và chúng tương đối lớn (như hệ thống của Starlink) nên nó không phù hợp với người tiêu dùng bình thường.
Nhưng cho dù công nghệ này nhằm mục đích tiếp thị quảng cáo, hay đơn giản chỉ là để đạt được khả năng liên lạc qua vệ tinh khi không có mạng di động thì đây vẫn là một dấu hiệu đáng mừng.
Bởi khả năng liên lạc vệ tinh trước đây chủ yếu phục vụ khách hàng chuyên biệt và hiếm khi phục vụ người tiêu dùng cuối, càng không liên quan gì đến điện thoại thông minh. Do đó, các sản phẩm mới như Huawei Mate50 và Apple iPhone 14 đã mang lại sự thay đổi rất lớn ở góc độ kinh doanh.
Trong những năm gần đây, xu hướng kết hợp điện thoại thông minh với liên lạc vệ tinh dường như đang trên đà phát triển mạnh.
Xingji Times, công ty con của nhà sản xuất ô tô Geely, sau khi mua lại cổ phần của hãng điện thoại Meizu, đã thông báo trên các kênh chính thức rằng họ sẽ kết hợp với mảng kinh doanh vệ tinh của mình để đưa ra thị trường thiết bị đầu cuối có thể kết nối đa kênh, cả 5G lẫn truyền thông vệ tinh quỹ đạo thấp và công nghệ truyền thông trường gần.
Và khi các nhà sản xuất điện thoại di động đã bắt đầu rục rịch nắm lấy truyền thông vệ tinh, điều này có nghĩa là một xu hướng mới nổi của "điện thoại thông minh kết hợp truyền thông vệ tinh" đang bắt đầu xuất hiện một cách lặng lẽ.
Theo genk.vn
Liên kết website
Ý kiến ()