Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:37 (GMT +7)
Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông: Cộng hưởng lợi ích cùng phát triển
Thứ 2, 18/12/2023 | 09:35:30 [GMT +7] A A
Với mục tiêu xây dựng mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo không gian phát triển mới, kiến tạo bền vững cho sự phát triển thịnh vượng…, sau gần 1 năm triển khai các thỏa thuận hợp tác, Hội đồng kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông (VEHEC) bước đầu đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong khu vực, trở thành hình mẫu liên kết, hợp tác năng động ở miền Bắc.
VEHEC được hình thành từ thỏa thuận giữa VCCI và 4 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên trên cơ sở các địa phương nằm trên trục cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Mục tiêu và tôn chỉ là kiến tạo một không gian và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế có quy mô lớn, từ đó tạo ra cực tăng trưởng trong vùng. Đây là sáng kiến trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, gắn với Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội Vùng đồng bằng sông Hồng.
Để hiện thực hóa các thỏa thuận, trên cơ sở phát huy vai trò của kết nối, tháng 2/2023 VEHEC thành lập Hội đồng kết nối tiểu vùng nhằm thực hiện chức năng lãnh đạo, chỉ đạo, điều phối, điều hành của kết nối. Đồng thời thống nhất thực hiện nhiều nội dung hợp tác, như: Xúc tiến thương mại đầu tư, giao thông và logistics, phát triển chuỗi cung ứng sản xuất, phát triển du lịch, dịch vụ, chuyển đổi số và kết nối số…; phối hợp triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá truyền thông, tập huấn cho các doanh nghiệp về chính sách và pháp luật nhằm tạo môi trường đầu tư xanh.
Đánh giá sau 1 năm thực hiện, đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh: Năm 2023 là năm khởi đầu thực hiện Thoả thuận kết nối VEHEC, chứng kiến sức mạnh và khả năng thích ứng phi thường của cả 4 địa phương trong kết nối. Cả 4 tỉnh, thành phố đều kết thúc năm 2023 với mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) rất ấn tượng, vượt trội so với kết quả trung bình của khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước. Nhiều nội dung hợp tác đã được triển khai và đạt kết quả tích cực. Điều này cho thấy tiềm năng và triển vọng của kết nối, đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững, có sức cạnh tranh cao của tiểu vùng và cả vùng.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh có năm thứ 9 liên tiếp tăng trưởng GRDP ở mức 2 con số. Sự phát triển vượt bậc về hạ tầng trong 5 năm qua cũng như việc duy trì hình ảnh một chính quyền năng động, hợp tác hiệu quả với khu vực kinh tế tư nhân đã giúp Quảng Ninh trở thành một điểm đến yêu thích của nhiều nhà đầu tư. Năm 2023 Quảng Ninh thu hút vốn FDI trên 3,13 tỷ USD, đưa Quảng Ninh sánh bước cùng Hải Phòng trở thành 2 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
TP Hải Phòng vẫn là điểm đến tin cậy của hàng loạt các dự án về công nghiệp chế biến, chế tạo và đang khẳng định vị thế chiến lược trong lĩnh vực logistics và kinh tế biển.
Tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên vẫn phát huy rất hiệu quả lợi thế của những địa phương lân cận Thủ đô Hà Nội để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, bên cạnh lợi thế về nguồn lao động dồi dào và có chất lượng cao.
Bên cạnh những hợp tác chung như hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, thu hút đầu tư FDI và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, VEHEC đã cùng phối hợp tổ chức thành công diễn đàn các KCN nhằm kết nối các nhà phát triển KCN, các nhà đầu tư và chính quyền theo định hướng xanh, bền vững trong tương lai; phối hợp chặt chẽ trong các chương trình tập huấn, nhất là tập huấn về các chính sách và pháp luật trong xuất nhập khẩu, kỹ năng vận động chính sách. Hoạt động này rất hiệu quả khi rất nhiều băn khoăn, câu hỏi của doanh nghiệp trong vùng được giải đáp trực tiếp, rất nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trong tiểu vùng đã được lãnh đạo cơ quan chức năng tiếp thu, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
VEHEC còn có các hoạt động truyền thông chung và nhiều hoạt động hợp tác phát triển khác, điển hình như các kết nối về hạ tầng giao thông giữa các địa phương tiếp tục được đẩy mạnh. Theo kế hoạch, năm 2024 tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng sẽ có thêm 2 công trình kết nối mới được đưa vào khai thác, là cầu Bến Rừng và cầu Lại Xuân. Cùng với đó, giao lưu kinh tế, giao lưu nhân dân được tăng cường, đã cho thấy tiềm năng và triển vọng mở rộng kết nối, hợp tác, cùng nhau xây dựng từng địa phương và cả tiểu vùng phát triển bền vững, có sức cạnh tranh cao, có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp năng động, phát triển.
VEHEC dù thời gian hình thành chưa dài, nhưng với vị trí chiến lược, hạ tầng cơ sở đồng bộ, tốc độ phát triển kinh tế đồng đều, những kết quả bước đầu đã hiện hữu, đang mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, doanh nghiệp. Từ đó phá đi rào cản còn thiếu của mỗi địa phương bằng sự bù đắp từ các địa phương khác trong kết nối; tạo sự phân bố đồng đều từ những lợi thế riêng có, như du lịch và cửa khẩu của Quảng Ninh, cảng biển của Hải Phòng, nguồn nhân lực từ Hải Dương và Hưng Yên cho mục đích sử dụng chung, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, để các lợi thế cộng hưởng thành lợi ích của cả vùng.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()