Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:27 (GMT +7)
Kết nối các di sản văn hóa để phát triển du lịch
Chủ nhật, 17/07/2022 | 08:43:47 [GMT +7] A A
Kết nối không gian di sản để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng sẽ làm phong phú thêm các sản phẩm hiện có, gia tăng giá trị trải nghiệm cho khách du lịch vừa bảo tồn giá trị di sản và phát triển du lịch bền vững.
Những năm qua, các di sản vật thể trên địa bàn tỉnh đã bước đầu được kết nối nhằm phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng. Di sản văn hóa không chỉ là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai mà còn cần kết nối với nhau để biến di sản thành tài sản, biến tài nguyên thành tài chính, biến văn hóa thành hàng hóa, biến môi trường thành thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cách tốt nhất để “buộc” các di tích lại với nhau là xây dựng được những câu chuyện liên kết. Những câu chuyện phía sau mỗi di tích, di sản sẽ làm cho du khách cảm thấy mình đang tham dự vào sinh hoạt cộng đồng. Trong phát triển du lịch nếu gắn kết với các di tích lịch sử thực sự hiệu quả thì không những sẽ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan, mà còn góp phần vào quá trình lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử hào hùng của vùng đất Quảng Ninh.
Riêng về du lịch biển đảo, ngành du lịch đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô được phê duyệt tại Quyết định số 4686/QĐ-UBND ngày 21/12/2020 của UBND tỉnh.
Trong thời gian tới, để phát huy tối đa những lợi thế trong kết nối không gian di sản để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng, tỉnh sẽ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng tại Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) nhằm kết nối không gian du lịch di sản, trong đó, Vịnh Hạ Long là trung tâm.
Không chỉ kết nối các di sản trong tỉnh mà còn phải kết nối với các di sản khác ngoài tỉnh, kết nối các di sản thế giới. Kết nối Vịnh Hạ Long với các di sản thế giới của Việt Nam thông qua “Con đường di sản thế giới" của Việt Nam: Vịnh Hạ Long - Hoàng thành Thăng Long - Tràng An - Thành nhà Hồ - Phong Nha Kẻ Bàng - Cố đô Huế - Phố cổ Hội An - Thánh địa Mỹ Sơn” tạo thành một tuyến du lịch đặc sắc. Kết nối liên không gian trong quần thể di tích danh thắng Yên Tử với Hải Dương và Bắc Giang; kết nối trong quần thể chiến thắng Bạch Đằng với Hải Phòng và Hải Dương.
Quảng Ninh cùng với Hải Dương và Bắc Giang đang xây dựng Hồ sơ quần thể di tích, danh thắng Yên Tử trình UNESCO công nhận Di sản văn hoá thế giới. Dự kiến, các chuyên gia sẽ lựa chọn 18 điểm di tích với khoảng hơn 30 di tích cụ thể để xây dựng câu chuyện kết nối trong bộ hồ sơ này.
Tương tự như Yên Tử, di tích lưu niệm Chiến thắng Bạch Đằng cũng cần được kết nối liên vùng. Tại Hội thảo về di tích Thiên Long Uyển tổ chức tháng 11/2021 tại Uông Bí, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng: Nếu như chúng ta quan niệm trận Bạch Đằng chỉ diễn ra ở khu vực hạ lưu sông Bạch Đằng thì không hiểu được đầy đủ, bởi đây là cả một chiến dịch được bố trí một cách linh hoạt, thông minh; là sự chỉ huy hết sức tài giỏi của hai vua Trần và Trần Hưng Đạo. Vì thế, chúng ta phải nhìn nó trong một không gian tổng thể chứ không phải nhìn chỉ ở một điểm này, điểm nọ. Tôi rất hoan nghênh việc cả Quảng Ninh, Hải Phòng và Hải Dương phối hợp với nhau để thực hiện bộ hồ sơ trình UNESCO công nhận khu di tích lưu niệm Chiến thắng Bạch Đằng là di sản văn hoá thế giới. Khi đó, chúng ta sẽ có được một cái nhìn tổng thể và đúng nhất về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Tuy nhiên, trên thực tế các di sản văn hóa vẫn chưa được đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt, việc kết nối không gian du lịch di sản để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng còn triển khai chậm, chưa cụ thể hóa nên việc khai thác còn thiếu tầm nhìn tổng thể; khai thác sản phẩm du lịch còn riêng lẻ, đặc biệt giữa Hạ Long và Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô còn thiếu liên kết chặt chẽ trong phát triển sản phẩm.
Các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp, kém hấp dẫn, sức cạnh tranh chưa cao, chưa phát triển rõ nét các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương. Mặt khác, công tác xây dựng sản phẩm du lịch chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức, các sản phẩm du lịch chưa dựa trên nhu cầu và kỳ vọng của khách du lịch nên chưa thực sự hấp dẫn. Sự liên kết khai thác tài nguyên phát triển sản phẩm du lịch ở các địa bàn này còn bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất.
Huỳnh Đăng
- Ca Huế hướng tới di sản văn hóa của nhân loại
- Hát trống quân sẽ là di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp
- Di sản nhà Trần đón đà mở cửa du lịch
- Độc đáo 14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam
- Bộ VHTTDL công bố Danh mục 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch
Liên kết website
Ý kiến ()