Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:45 (GMT +7)
Kết hợp y học hiện đại và truyền thống trong điều trị COVID-19: Kinh nghiệm từ Bắc Giang
Thứ 6, 16/07/2021 | 21:58:03 [GMT +7] A A
Trong đợt dịch vừa qua, Bệnh viện đa khoa Bắc Giang đã điều trị khỏi cho hàng nghìn bệnh nhân COVID-19. Đây là một điểm sáng trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bắc Giang và trên cả nước. Để làm được điều này, Bệnh viện đa khoa Bắc Giang đã kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa y học hiện đại và y học cổ truyền, sử dụng các phương pháp truyền thống để hỗ trợ điều trị và giúp góp phần hạn chế lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, khu cách ly. Phương pháp này đã được chứng minh hiệu quả trên thực tế và các địa phương, đơn vị có thể tham khảo, áp dụng trong điều trị, phòng chống dịch.
Bệnh viện đa khoa Bắc Giang kết hợp nhuần nhuyễn y học hiện đại và y học truyền thống trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: VGP/Thiện Tâm |
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 12/7/2021 toàn tỉnh Bắc Giang đã có 5.127 bệnh nhân COVID-19 được ra viện. Hiện tiếp tục có 67 bệnh nhân đã âm tính lần 1 và 8 bệnh nhân âm tính lần 2.
Ông Thân Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Bắc Giang cho biết, BVĐK Bắc Giang và các cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 đã thực hiện rất nhiều phương pháp để tăng hiệu quả phòng chống dịch. Trong đó đã áp dụng các phương pháp của y học hiện đại và một số biện pháp của y học truyền thống.
Từ năm 2020, Bệnh viện đã nghiên cứu và chọn lọc các kinh nghiệm “tự vệ” khi có dịch và kết hợp với các yếu tố hóa học trong y học hiện đại.
Cụ thể, với môi trường: Dùng vôi bột để rắc ở đường đi, dùng phèn chua pha với chanh để phun rửa ở cửa ngõ, lối đi, sàn nhà hoặc ở những vị trí tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, mặt bàn… Đối với con người, dùng nước muối nhạt để xúc miệng (ngày 7 lần, mỗi lần 7 ngụm). Hoặc có thể dùng nước đỗ đen theo công thức: 3 kg đỗ đen trộn đều với 1 lạng muối tinh, để ủ 24 giờ. Sau đó mỗi ngày lấy một lạng ninh cùng 6 bát nước, đến khi còn khoảng 2 bát nước, chia ra uống vào 8h sáng và 8h tối để có hiệu quả tốt hơn.
Theo bác sĩ Hưng, vôi bột có tác dụng sát khuẩn, phèn chua không độc và có tác dụng giải độc, sát trùng. Khi phèn chua kết hợp với chanh sẽ tạo thành hợp chất muối sunfat kép của kali và nhôm có tác dụng sát trùng. Việc sử dụng vôi bột hay phèn chua pha với chanh, theo y học truyền thống, các chất này sẽ tạo ra một trường khí, có tác dụng đẩy các hạt virus đang lơ lửng trong không khí rơi xuống nhanh dưới mặt đất. “Bình thường chúng ta mắc bệnh là do hít phải virus bay lơ lửng trong không khí. Khi virus bị đẩy xuống đất, sẽ giảm nguy cơ bị lây nhiễm”, bác sĩ Hưng cho biết thêm.
Xúc miệng nước muối có tác dụng sát khuẩn, đồng thời tạo trường khí tốt cho phổi, góp phần tăng sức đề kháng và giúp hỗ trợ ngăn chặn lây nhiễm chéo.
Ông Thân Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bắc Giang - Ảnh: VGP/Thiện Tâm |
BVĐK Bắc Giang đã áp dụng cả y học hiện đại và y học truyền thống để thực hiện công tác phòng, chống dịch từ năm 2020. Nhưng thời gian đó không có ca bệnh vào viện, sang năm 2021 dịch bùng phát ở Bắc Giang và Bệnh viện đã tiếp tục áp dụng, tăng cường biện pháp kết hợp này. Kết quả cho thấy, đã hơn 2 tháng qua BVĐK Bắc Giang và các cơ sở y tế tiếp nhận điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh không có lây nhiễm chéo đối với cán bộ, nhân viên y tế và người dân đến khám, chữa bệnh.
“Mặc dù cũng có những trường hợp người dân đến khám sàng lọc nhưng quên không khai báo dịch tễ đã từng tiếp xúc với ca bệnh, sau một thời gian đã phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2, nhưng sau đó cũng không có lây nhiễm trong Bệnh viện. Đây là một điều rất đáng mừng”, bác sĩ Hưng cho biết.
Theo bác sĩ Hưng, mô hình kết hợp cả y học hiện đại và y học cổ truyền của BVĐK Bắc Giang có thể áp dụng với các địa phương khác trong công tác phòng, chống dịch, nhất là với số lượng người mắc COVID-19 đang gia tăng như hiện nay.
“Nếu chúng ta áp dụng nhiều biện pháp sẽ giúp giữ gìn sức khỏe cho người dân và góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh”, bác sĩ Hưng nhấn mạnh.
Theo Chinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()