Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:48 (GMT +7)
Móng Cái: Kéo điện tới "mắt thần"
Thứ 3, 24/10/2023 | 10:31:02 [GMT +7] A A
Tháng 10 này, Quảng Ninh khánh thành rất nhiều công trình ý nghĩa kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh. Trong số đó, công trình Đường điện và trạm biến áp ra ngọn Hải đăng Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái, mang niềm vui lớn, đầy xúc động cho nhân dân vùng hải đảo nói chung và những người lính Trạm hải đăng nói riêng khi dòng điện chính thức được kéo tới “mắt thần”. Trong hành trình đến với hải đăng Vĩnh Thực, nơi địa đầu biên cương, sự kiện này càng giúp ta cảm nhận chân thật nhất dáng hình thân thương của đất nước, thêm tự hào và quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và thêm trân quý biết bao sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Móng Cái đối với vùng biển đảo.
“Cần mẫn những người gác đèn”
Hải đăng Vĩnh Thực là ngọn đèn biển ở vị trí đầu tiên trong số hơn 90 ngọn hải đăng trải dài theo dải đất hình chữ S, được ví như "mắt biển" vùng Đông Bắc.
Nằm ở phía Bắc xã đảo Vĩnh Thực (TP. Móng Cái, Quảng Ninh), trên đỉnh núi Đầu Tán, hải đăng Vĩnh Thực (xây dựng năm 1962) đứng sừng sững với phong cách kiến trúc Pháp cổ, tháp đèn hình trụ. Chiều cao toàn bộ của hải đăng là 86 m (tính đến mực nước số "0" hải đồ), chiều cao công trình là 18 m (tính đến nền móng công trình), tầm hiệu lực ánh sáng 20,7 hải lý.
Từ trung tâm đảo, con đường dẫn lên hải đăng dài hơn 6km, băng qua nhiều địa hình. Hải đăng Vĩnh Thực đặt ở vị trí đầu tiên trên đường biên giới biển của Tổ quốc, làm nhiệm vụ "soi đường, định vị" cho tàu thuyền và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển.
Đi hết khu dân cư, khung cảnh nơi cuối con dốc mở ra bát ngát một bên là vực biển, một bên là vách núi cheo leo. Xa xa trên đỉnh núi Đầu Tán là "mắt biển - hải đăng Vĩnh Thực".
Trước kia, để thắp sáng hải đăng Vĩnh Thực phải đốt bằng đèn măng sông, nhiên liệu là loại dầu hỏa đặc biệt. Trước khi đốt đèn phải bơm tay cho dầu thành các giọt sương phun vào các sợi vải lưới hóa học rồi cháy ở đó và phải nhiều lần dùng tay bơm dầu lên.
Ngày ấy, những người "gác đèn" phải dùng 2 chiếc đèn luân phiên thắp sáng hằng đêm. Sau này, có máy phát điện nhỏ để thắp sáng ngọn đèn. Từ ngày trên đảo được cấp điện lưới, Hải đăng Vĩnh Thực đã sử dụng điện lưới quốc gia thắp sáng.
Ở đây, "đặc sản" là nắng và gió. Mùa hè thì nắng cháy da, mùa đông, gió lạnh thổi thấu xương. Các thiết bị điện thông dụng như: ti vi, tủ lạnh, điều hòa vốn là thứ “xa xỉ” với anh em trạm đèn.
Kéo điện tới “mắt thần”
Nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật cung cấp điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và Trạm Hải đăng Vĩnh Thực, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn hàng hải, năm 2022, UBND thành phố Móng Cái đã quyết định đầu tư Đường điện và trạm biến áp ra ngọn Hải Đăng Vĩnh Thực với quy mô đầu tư xây dựng mới tuyến đường dây trung thế 22kV cấp điện cho trạm biến áp của dự án. Đoạn tuyến đường dây trên không với tổng chiều dài 4.401m, xây dựng mới 1 Trạm biến áp 100kVA, xây dựng mới tuyến cáp ngầm hạ thế 0,4kV cấp nguồn cho ngọn Hải đăng từ tủ hạ thế của trạm biến áp. Tổng mức đầu tư dự án là 9,3 tỷ đồng.
Dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần kết nối đồng bộ hạ tầng về điện – đường tại tuyến đường liên thôn từ ngã ba UBND xã Vĩnh Thực đã được đầu tư cứng hóa với chiều dài khoảng 7,0 km; đồng bộ tuyến điện trung thế và hạ thế đưa lưới điện đến ngọn Hải Đăng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đơn vị công tác vùng hải đảo.
Quá trình thi công cũng gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, địa hình và đặc thù địa bàn hải đảo. Song với sự nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn của đơn vị tổ chức thi công, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, cấp ủy, chính quyền cơ sở, sự đồng thuận và tạo mọi điều kiện tốt nhất của nhân dân, dự án đã đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng.
Phát biểu tại Lễ khánh thành công trình, ông Đồng Văn Cường, Trạm trưởng trạm hải đăng xúc động bày tỏ: Trải qua hơn 60 năm, Hải đăng Vĩnh Thực luôn được các thế hệ công nhân hải đăng mẫn cán vận hành, đảm bảo hoạt động tốt bằng nguồn điện từ máy phát điện, pin năng lượng mặt trời. Thực tiễn, trong sinh hoạt và làm việc trên Hải đăng cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi luôn tự ý thức được nhiệm vụ của mình, cùng nhau khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác vận hành hoạt động hải đăng.
Ông Cường nhấn mạnh: "Chúng tôi rất vui mừng, xúc động và bày tỏ cảm ơn đến lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành và các cấp Chính quyền, các nhà thầu đã tạo mọi điều kiện để điện lưới về đến Hải đăng Vĩnh Thực. Từ đây, công nhân viên Hải đăng sẽ có được các điều kiện sinh hoạt tốt hơn, và chúng tôi hứa sẽ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ vận hành hoạt động của Hải đăng Vĩnh Thực để góp phần nâng cao hoạt động an toàn, an ninh hàng hải, phát triển kinh tế của địa phương”.
Được chứng kiến những ánh mắt tràn ngập niềm vui khi trụ sở làm việc của cán bộ, nhân viên Trạm đèn đã vận hành được đầy đủ các trang thiết bị như: ti vi, tủ lạnh, quạt, bếp từ, điều hòa..., thấy xúc động biết bao và càng trân quý những con người thầm lặng nơi "mắt thần'’ làm nhiệm vụ "soi đường, định vị” cho ngư dân ta yên tâm bám biển, giữ vững chủ quyền quốc gia. Với người dân biển đảo Đông Bắc, Hải đăng Vĩnh Thực không chỉ là điểm mốc cho tàu thuyền qua lại trong đêm tối giữa biển khơi bao la, mà còn khẳng định đó là quê nhà, là Tổ quốc. Để dù mưa bão, sóng cả, khi nhìn về ngọn hải đăng, tay lái như được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh, bình an vào bờ.
Lên thăm Trạm hải đăng trong ngày đặc biệt khánh thành công trình, cảm nhận được niềm vui, những cái siết tay thật chặt giữa những công nhân Trạm đèn với lãnh đạo thành phố Móng Cái và đứng giữa nơi khoáng đạt, giữa âm vang giai điệu Tổ Quốc nhìn từ biển, chúng tôi thêm tự hào vì có các anh - những “ngọn hải đăng” đang thầm lặng canh trời, giữ đảo ở nơi đầu sóng và tự hào hơn khi “mắt thần hải đảo” được thắp sáng vững bền từ sợi dây kết nối bền chặt giữa ý Đảng - lòng dân.
Thu Hằng (Trung tâm TTVH Móng Cái)
Liên kết website
Ý kiến ()