Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:53 (GMT +7)
Kênh phân phối Việt “tiếp sức” cho nông sản Việt
Thứ 6, 24/05/2024 | 07:48:59 [GMT +7] A A
Từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm là thời điểm các loại nông sản, trái cây của các địa phương chín rộ. Nhiều kênh phân phối, đặc biệt là kênh phân phối Việt đã vào cuộc để tiêu thụ nông sản, tránh tình trạng “được mùa mất giá” ngay từ đầu mùa.
Kênh phân phối Việt ưu tiên nông sản Việt
Ngày 19/5, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ khởi hành đưa quả mận hậu Sơn La vào hệ thống phân phối của Sài Gòn Co.op. Ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op dự kiến tiêu thụ 100 tấn mận hậu Sơn La của huyện Mộc Châu, Yên Châu tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife… mùa vụ 2024. Sản phẩm sẽ có giá ưu đãi tốt nhất trên thị trường kết hợp với các hoạt động dùng thử và trưng bày sản phẩm tại 130 siêu thị Co.opmart và Co.opXtra.
“Với phương châm "Siêu thị Việt, do người Việt xây dựng, vì người Việt phục vụ", tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối của Saigon Co.op luôn đạt hơn 90%. Chúng tôi luôn ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với các cơ sở sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo cơ hội quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh”, ông Võ Trần Ngọc nói.
Không chỉ với trái mận hậu, hệ thống phân phối của Saigon Co.op đã vào cuộc tích cực tiêu thụ nông sản Việt. Với hệ thống phân phối rộng khắp, trong nhiều năm qua, Sài Gòn Co.op luôn ủng hộ và sẵn sàng giao lưu, hợp tác với các đơn vị sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các hợp tác xã, các đơn vị sản xuất nông nghiệp nhằm hỗ trợ, giúp cho các đơn vị này quảng bá được hình ảnh, thương hiệu để góp phần mở rộng thị trường. Sản phẩm nông sản Việt luôn được ưu tiên bày bán ở vị trí đẹp, đặc biệt là thời điểm thu hoạch rộ.
Saigon Co.op cũng ký kết hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để có được những sản phẩm tốt để đưa ra thị trường phục vụ cho khách hàng. Đối với những nhà sản xuất, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, Saigon Co.op hỗ trợ bằng nhiều biện pháp, thí dụ như hỗ trợ, hướng dẫn họ hoàn thiện được những hồ sơ, thủ tục, để họ đảm bảo được hồ sơ đưa vào hệ thống. Đồng thời, hỗ trợ có những vị trí trưng bày đẹp tốt nhất.
Cùng với Saigon Co.op, hệ thống thực phẩm sạch BigGreen cũng là một kênh phân phối thuần Việt tích cực tiêu thụ hàng Việt. Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam chia sẻ, hiện BigGreen đã mở 2 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tỷ lệ hiện tổng sản phẩm OCOP bán trong hệ thống BigGreen đang chiếm khoảng 60-65% với các sản phẩm OCOP được kết nối, quảng bá tiêu thụ là những nông sản thực phẩm, đặc sản vùng miền như ổi lê Di Trạch (Hoài Đức), Dưa lưới Huỳnh Long (Vũng Tàu)… Còn tỷ lệ hàng Việt tại BigGreen lên đến xấp xỉ 100%.
Mới đây, tại hội nghị kết nối tiêu thụ vải lai chín sớm năm 2024 do UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức, BigGreen đã ký kết với các hợp tác xã số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
“Với ưu thế chín sớm, chất lượng ngọt thanh nên quả vải lai của huyện Phù Cừ có giá trị cao, được nhiều người tiêu dùng tìm mua. Niên vụ năm 2023, công ty đã ký được đơn hàng khá lớn để tiêu thụ vải lai chín sớm Phù Cừ và vải trứng Hưng Yên, được đông đảo khách hàng tin tưởng, lựa chọn”, ông Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ.
Theo Bộ Công thương, triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, những năm vừa qua, các kênh phân phối đã vào cuộc tiêu thụ hàng Việt, đặc biệt là nông sản Việt khi đến vụ thu hoạch. Nhờ đó, nhiều năm trở lại đây, tình trạng “được mùa mất giá” đối với nông sản khi vào chính vụ đã giảm hẳn. Hiện tỷ lệ nông sản Việt tại các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khoảng trên 80%. Đối với các kênh phân phối thuần Việt như Saigon Co.op, siêu thị Tứ Sơn, Hapro, Winmart… tỷ lệ hàng Việt là trên 90%, đặc biệt là nông sản Việt còn chiếm tỷ lệ lên đến trên 95%.
Thời gian vừa qua, Bộ Công thương đã đẩy mạnh kết nối cung cầu các sản phẩm hàng Việt, trong đó có nông sản Việt vào hệ thống phân phối. Đơn cử, năm 2023, Bộ Công thương đã liên tục kết nối các sản phẩm OCOP đặc trưng của Lạng Sơn, Thái Bình vào hệ thống siêu thị Tứ Sơn – An Giang; kết nối sản phẩm nông sản Bắc Kạn vào chuỗi siêu thị Saigon Co.op, BRG… Sau chuỗi kết nối đó,các sản phẩm như Hoa hồi khô, Bánh Khẩu Sli Quế, hoa hồi, nhang, trà, bún gấc, thạch đen, miến dong… đã được ký kết phân phối vào các kênh phân phối.
Gỡ nút thắt của nông sản Việt
Dù đã có nhiều nỗ lực kết nối hàng hóa Việt vào kênh phân phối, nhưng theo các chuyên gia, các sản phẩm nông sản Việt vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Trần Hoàng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Victoria Hà Nội chia sẻ, hạn chế thứ nhất là vấn đề nguồn hàng và sản lượng. Nhu cầu của thị trường hiện nay đối với các sản phẩm đặc sản và các nông sản an toàn rất cao. Tuy nhiên mỗi khi có nhu cầu tăng thêm thì những nhà sản xuất này hàng hóa cơ bản là nhà sản xuất nhỏ lẻ, vì vậy đôi khi lượng hàng cung ứng thường bị đứt gãy hoặc gián đoạn.
Thứ hai là vấn đề vận chuyển. Đối với những hợp tác xã hoặc các nhà sản xuất vùng nông thôn, miền núi thì quá trình vận chuyển hàng hóa về những điểm giao hàng, những trung tâm, về những điểm bán hàng của hệ thống phân phối đang còn khá nhiều khó khăn khi cung đường vận chuyển rất dài. Các sản phẩm nông nghiệp thì cần điều kiện bảo quản tốt.
“Thí dụ, đối với những sản phẩm có thời gian bảo quản lâu thì có thể ổn. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm như rau lá hay trái cây thì thường chín rất nhanh, khi vận chuyển đến điểm bán thì có nhiều sản phẩm đã bị hỏng hoặc là chất lượng đã không còn tươi ngon như lúc đầu”, ông Lê Hoàng chia sẻ.
Do đó, ông Lê Hoàng cho rằng, Nhà nước cần phải có một quy hoạch tổng thể, ví dụ như vùng này sản xuất cái gì, trồng cây gì, diện tích và sản lượng bao nhiêu để tránh việc xảy ra những cuộc khủng hoảng thừa, phải đi giải cứu.
Thứ hai, kênh phân phối mong muốn Nhà nước hỗ trợ công tác logistics, kho bãi, kho lạnh vì những sản phẩm nông sản cần điều kiện bảo quản khá cao, mà sản phẩm chủ yếu của các hợp tác xã có quy mô nhỏ, chưa thể nào đầu tư được cả xe lạnh rồi kho lạnh rồi hệ thống vận chuyển. Từ đó để đưa hàng về siêu thị đảm bảo chất lượng hơn.
Đồng ý kiến, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, hiện nay, công nghệ bảo quản và kho lạnh thiếu, chợ đầu mối thiếu, trong khi đó, phải có công nghệ thì rau quả mới bảo đảm chất lượng.
“Đã gọi là lương thực thực phẩm thì ai cũng muốn tươi, ngon, sạch, chất lượng từ khi hái đến khi đến bàn ăn là không chênh lệch. Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ các hợp tác xã, các địa phương đầu tư kho lạnh để giữ chất lượng sản phẩm khi đưa vào siêu thị. Làm được điều này, không chỉ nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm mà còn nâng cao sức cạnh tranh cho các kênh phân phối Việt với các kênh phân phối nước ngoài”, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()