Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:04 (GMT +7)
Kế hoạch hóa gia đình là nền tảng hạnh phúc
Thứ 6, 12/04/2024 | 07:33:55 [GMT +7] A A
Với nhiều chính sách hiệu quả và sự triển khai tích cực, sáng tạo của các ngành chức năng, chương trình KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, chất lượng dịch vụ KHHGĐ ngày càng được nâng cao, giúp cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ nhanh chóng, thuận lợi.
KHHGĐ là phương pháp kiểm soát sinh con theo dự tính, điều chỉnh khoảng cách sinh con và số con trong gia đình. Thực hiện tốt KHHGĐ sẽ đảm bảo chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần phát triển xã hội bền vững. Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) "Về công tác dân số trong tình hình mới" định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Theo các chuyên gia, đây là việc chuyển trọng tâm chính sách dân số, chứ không phải bỏ qua KHHGĐ, nên công tác này vẫn luôn phải được duy trì.
Nhằm quản lý các phương tiện tránh thai một cách hiệu quả, Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế) duy trì hoạt động hệ thống thông tin quản lý hậu cần các phương tiện tránh thai tuyến tỉnh và thực hiện bảo quản vận chuyển phương tiện tránh thai đảm bảo chính xác, kịp thời. Chi cục cung cấp, nâng cao kiến thức, kỹ năng về SKSS, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chỉ đạo phòng dân số các huyện, thị xã, thành phố tổ chức truyền thông tại địa phương, chú trọng địa bàn có nhiều cặp vợ chồng trẻ, sinh con một bề, vùng có mức sinh cao, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, chưa áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, nhóm tuổi vị thành niên, thanh niên... Năm 2023 có 111.688 người áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đạt, vượt so với chỉ tiêu đề ra (96.110 người).
Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với các nội dung, hình thức phong phú: Nói chuyện chuyên đề; truyền thông nhóm nhỏ; cấp phát tờ rơi, tranh ảnh; các chiến dịch truyền thông có quy mô lớn về chăm sóc SKSS-KHHGĐ.
Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ được củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở, từng bước thực hiện nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người sử dụng dịch vụ. Từ đó cung cấp các loại phương tiện tránh thai miễn phí cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời triển khai xã hội hóa các phương tiện tránh thai để người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, các mô hình, CLB dân số được thành lập, duy trì và ngày càng mở rộng, như: CLB tiền hôn nhân, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh... Các cuộc thi, hội thi giao lưu tìm hiểu về dân số diễn ra sôi nổi từ tỉnh, huyện đến cơ sở; các nội dung về dân số được đưa vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, hương ước, quy ước của thôn, bản... tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền về dân số. Hoạt động truyền thông vận động, tư vấn, nói chuyện chuyên đề về công tác dân số, SKSS cho cộng đồng, các cặp vợ, chồng trong độ tuổi sinh đẻ được tổ chức có hiệu quả tại cấp huyện, xã.
Chị Nguyễn Thị Tình, cán bộ dân số phường Cẩm Thủy (TP Cẩm Phả), cho biết: “Việc phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình. Vì thế để chị em chủ động trong thực hiện KHHGĐ, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động, nhất là những hộ gia đình có nguy cơ cao sinh con thứ 3. Nhờ đó mà chị em nắm bắt được các biện pháp KHHGĐ, tìm cho mình những biện pháp phù hợp với bản thân”.
Thực hiện KHHGĐ sẽ tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, phòng tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, giúp mỗi gia đình có thực hiện mô hình ít con. Từ đó có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao được đời sống, kinh tế gia đình, phụ nữ được đảm bảo sức khỏe và chủ động cuộc sống của mình hơn. Tránh thai là quyền lợi và trách nhiệm của cả vợ và chồng, do đó nam giới cần chia sẻ với vợ trong việc sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn để giảm áp lực cho vợ và giữ gìn hạnh phúc gia đình
Vân Anh
- Truyền thông dân số cho lứa tuổi thanh, thiếu niên
- Điều tra dân số và nhà ở từ ngày 1/4
- Chuẩn bị điều tra dân số, nhà ở giữa kỳ năm 2024 trên địa bàn tỉnh
- Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác dân số
- 49,3% - là tỷ lệ nữ giới trong tổng dân số tỉnh Quảng Ninh.
- Bình đẳng giới nâng cao chất lượng dân số
- Để phụ nữ vùng cao tiếp cận các chính sách dân số
Liên kết website
Ý kiến ()