Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 22:20 (GMT +7)
Kazakhstan sau "cơn bão" bạo loạn
Chủ nhật, 16/01/2022 | 17:12:02 [GMT +7] A A
Đất nước Trung Á Kazakhstan đã chiếm sóng dòng thời sự thế giới hơn một tuần qua với hình ảnh về các cuộc biểu tình bạo loạn.
Các binh sĩ gìn giữ hòa bình thuộc lực lượng CSTO đã bắt đầu rút quân khỏi Kazakhstan sau khi dập tắt được cuộc bạo loạn. Phản ứng quyết đoán, nhanh chóng của lãnh đạo Kazakhstan với sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc Tổ chức hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) đã giúp ổn định tình hình đất nước. Bạo loạn đã được dẹp yên sau hơn 1 tuần. Nhưng sau cơn bão bạo loạn đó còn nhiều vấn đề có thể rút ra từ cuộc khủng hoảng này.
Kazakhstan ổn định tình hình sau bạo loạn
Không khí yên bình đã tạm quay trở lại với Almaty - thành phố lớn nhất tại Kazakhstan. Không còn cảnh bạo loạn, cướp bóc. Tuy nhiên, những tàn tích thì vẫn còn đó. Người dân Kazakhstan bắt đầu dọn dẹp hậu quả để quay trở lại cuộc sống bình thường.
Một tuần sau bạo loạn, Kazakhstan thông báo dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại 3 khu vực của nước này là vùng Tây Kazakhstan, vùng Pavlodar và Bắc Kazakhstan.
Ngày 13/1, những binh sĩ thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) bắt đầu chuẩn bị rời Kazakhstan. Một dấu hiệu cho thấy tình hình đã được kiểm soát.
"Chiến dịch gìn giữ hòa bình để hỗ trợ cho đất nước Kazakhstan anh em đã thành công tốt đẹp. Những người lính đã đứng trong một đội hình chung kề vai sát cánh bảo vệ nhân dân Kazakhstan, không cho các nhóm tội phạm và khủng bố xâm phạm trật tự hiến pháp và sự toàn vẹn của Kazakhstan" - ông Anatoly Serdyukov, Chỉ huy sứ mệnh của CSTO, khẳng định.
Sau bạo loạn, Kazakhstan đã có sự thay đổi trong bộ máy điều hành. Thủ tướng mới Alikhan Smailov cùng nội các đã tuyên thệ nhậm chức. Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã bổ nhiệm một số Bộ trưởng chủ chốt trong chính phủ mới, trong đó có Bộ trưởng Năng lượng.
Bùng phát làn sóng biểu tình vốn bắt nguồn từ những phản đối giá nhiên liệu tăng tại quốc gia Trung Á này. Tổng thống Kazakhstan cũng đang thúc đẩy kế hoạch cải cách chính trị quốc gia.
"Cơ sở cho gói cải cách này là một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa người dân và các chuyên gia. Cơ chế này đã tồn tại ở Kazakhstan. Hai năm trước, theo sáng kiến của Tổng thống, chúng tôi đã thành lập Hội đồng Quốc gia về Niềm tin Công chúng (NCPT). Chính trong khuôn khổ này, bốn gói cải cách chính trị đã được đề xuất và hiện thực hóa" - ông Erlan Karin, Trợ lý Tổng thống Kazakhstan, cho biết.
Làn sóng bạo loạn bùng phát vào những ngày đầu năm 2022, bắt nguồn từ việc tăng giá khí đốt bất ngờ tăng từ 0,14 lên 0,28 USD/lít. Văn phòng Tổng thống Kazakhstan cho biết, cuộc biểu tình ban đầu diễn ra ôn hòa cho đến khi những tên cướp và khủng bố trà trộn và kích động.
Khoảng 9.000 đối tượng tham gia bạo loạn đã bị bắt giữ, trong đó có cả người nước ngoài. Chính quyền Kazakhstan cáo buộc đứng sau cuộc nổi dậy là lực lượng vũ trang được đào tạo chuyên nghiệp ở nước ngoài đến từ Trung Á, Afghanistan và Trung Đông. Ngoài ra, Karim Massimov - Chủ tịch Ủy ban an ninh quốc gia của Kazakhstan - đã bị bắt giữ vì nghi ngờ phạm tội phản quốc sau các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tại Kazakhstan
Trong những phản ứng của chính quyền Kazakhstan đối với cuộc bạo loạn, thế giới chú ý đến việc Tổng thống nước này cáo buộc có sự can thiệp của lực lượng bên ngoài vào tình hình đất nước.
Còn lên tiếng về cuộc bạo loạn ở Kazakhstan, Tổng thống Nga Putin cho rằng, đây không phải là âm mưu đầu tiên hay cuối cùng của các lực lượng bên ngoài muốn can thiệp vào tình hình nội bộ của một quốc gia.
"Nga và lực lượng CSTO sẽ không cho phép tình trạng này lan rộng và những cái gọi là cách mạng sắc màu có cơ hội xảy ra" - Tổng thống Putin khẳng định.
Nga và các nước trong không gian hậu Xô Viết cũng như Trung Quốc - quốc gia có đường biên giới dài với Kazakhstan, đã bật báo động đỏ về nguy cơ của cái gọi là cách mạng màu lan rộng sau vụ bạo loạn ở đất nước Trung Á này.
Kazakhstan đã phát triển ổn định trong suốt 3 thập kỷ qua, là một trong những quốc gia Liên Xô cũ phát triển nhất với GDP bình quân đầu người hơn 9.000 USD (năm 2020). Kazakhstan có nền nông nghiệp trù phú, giàu dầu khí và đóng vai trò là tuyến đường trung chuyển nhiên liệu quan trọng, có vai trò quan trọng đối với khu vực Trung Á. Kazakhstan là nước xuất khẩu Urani lớn nhất thế giới và nằm trong số những nước sản xuất dầu, than đá hàng đầu.
Kazakhstan là láng giềng của cả Nga và Trung Quốc nhưng vị thế địa - chính trị đã khiến nước này không đơn thuần chỉ là một láng giềng thông thường.
Đối với Nga, Kazakhstan không chỉ là đồng minh thân cận trong khối các nước Liên Xô cũ mà còn có vị trí then chốt đối với quân sự và khoa học của Nga. Các căn cứ quân sự của Nga vẫn đóng tại Kazakhstan để bảo đảm an ninh phía sườn Trung Á cho Nga. Sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan là nơi Nga sử dụng cho các hoạt động nghiên cứu và thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ.
Đối với Trung Quốc, Kazakhstan không chỉ là nơi có nhiều dự án đầu tư và là tuyến huyết mạch trong sáng kiến "Vành đai và con đường". Với đường biên giới dài hơn 1.700 km bao gồm vùng Tân Cương, Trung Quốc có nhiều lý do để lo ngại nguy cơ bất ổn sẽ lan sang khu vực này, nhất là nguy cơ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.
Nỗ lực đa phương của Kazakhstan khiến quốc gia này nâng tầm quan trọng đối với quốc tế. Trong gần 30 năm dưới sự lãnh đạo của cựu Tổng thống Nazarbayev, Kazakhstan đã thành công khi vừa là đồng minh thân cận của Nga, vừa là đối tác kinh tế chiến lược của Trung Quốc trong khi vẫn có quan hệ tương đối hữu hảo với Mỹ và Liên minh châu Âu bất chấp những khác biệt về pháp quyền và dân chủ.
Phản ứng nhanh chóng, quyết đoán từ CSTO
Nhìn vào diễn biến tình hình Kazakhstan, có thể nhận thấy vai trò quyết định của lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể CSTO do Nga đứng đầu. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập gần 30 năm trước, lực lượng CSTO triển khai một sứ mệnh như ở Kazakhstan. Phản ứng nhanh chóng, quyết đoàn của CSTO đã ngăn chặn nguy cơ bùng phát bạo loạn trên diện rộng, nguy cơ xâm phạm an ninh của cả khu vực.
Tổ chức hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) là một liên minh quân sự hiện có 6 thành viên đều là những nước từng thuộc Liên Xô cũ gồm: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Được thành lập vào ngày 15/5/1992 tại Uzbekistan.
Một trong các điều khoản đáng chú ý của tổ chức này là Điều 4 nêu rõ: "Nếu một trong các Quốc gia thành viên bị bất kỳ quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào gây hấn thì hành động này sẽ được coi là hành vi gây hấn đối với tất cả các Quốc gia thành viên của Hiệp ước này". Hiến chương của CSTO tạo cơ sở pháp lý cho phép các nước thành viên triển khai lực lượng quân sự tới lãnh thổ của nhau, mua vũ khí theo tỷ giá nội địa của Nga và thiết lập hệ thống phòng không chung.
"Cơ sở để phái cử lực lượng gìn giữ hòa bình là quyết định của Hội đồng An ninh tập thể CSTO, được thông qua vào ngày 6/1 sau khi có yêu cầu của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan. Từ quan điểm pháp lý, nền tảng của Hiệp cụ thể là Điều 2 và Điều lệ của Hội đồng An ninh tập thể" - ông Vladimir Zainetdinov, Thư ký báo chí của Tổ chức CSTO, cho biết.
Ngày 5/1, CSTO đồng ý điều lực lượng gìn giữ hòa bình tới hỗ trợ Kazakhstan theo đề nghị của Tổng thống Tokaiev khi có dấu hiệu bùng phát thành bạo loạn. Khoảng 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình thuộc CSTO, chủ yếu là binh sĩ Nga, 150 binh sĩ Kyrgyzstan và nhiều trang thiết bị hiện đại đã đến Kazakhstan.
Sự xuất hiện của lực lượng gìn giữ hòa bình đã khiến khủng hoảng tại quốc gia Trung Á lập tức được hạ nhiệt. Lực lượng an ninh Kazakhstan đã xoay chuyển tình thế, mở các chiến dịch truy quét trên cả nước, tiêu diệt hàng chục phần tử vũ trang và nhanh chóng lập lại trật tự.
Sau 14 ngày, lực lượng gìn giữ hoà bình tuyên bố kết thúc sứ mệnh tại Kazakhstan.
"Sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình giúp chúng tôi tập trung kiểm soát tình hình. Tôi muốn nhấn mạnh lần nữa, lực lượng gìn giữ hòa bình không trực tiếp tham gia chống lại bọn khủng bố mà đến đây để bảo vệ các cơ sở chiến lược của chúng tôi" - ông Erlan Karin, Ngoại trưởng Kazakhstan, khẳng định.
Giới chuyên gia cho rằng, quyết định nhanh chóng lần này của CSTO đã ngăn chặn được cuộc biểu tình quy mô lớn tại Kazakhstan có nguy cơ gây tác động lớn hơn đến toàn khu vực, đặc biệt ngăn chặn cái gọi là "truyền cảm hứng" hay "ủng hộ" từ nước ngoài.
Nga gia tăng ảnh hưởng tại Kazakhstan và trong khu vực
Các nhà phân tích cho rằng, với hành động nhanh chóng và quyết đoán của lực lượng CSTO, Tổng thống Nga Putin đã đi nước cờ cao vào thời điểm Nga và phương Tây tiến hành một loạt các cuộc đối thoại đầu năm mới. Các cuộc đối thoại này giữa Nga và phương Tây được lên kế hoạch từ trước và không biết vô tình hay hữu ý mà khủng hoảng ở Kazakhstan xảy ra ngay trước thềm các cuộc đối thoại này. Và cách mà Nga xử trí vấn đề ở Kazaskhan, hay trong không gian ảnh hưởng của mình như tại Ukraine, Grudia đã gửi đi nhiều thông điệp tới các nước phương Tây.
Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nga - NATO kể từ năm 2019 kết thúc sau 4 giờ đàm phán căng thẳng tại Brussels mà không đạt được bất cứ tiến triển nào.
"Chúng tôi đã có nhưng trao đổi rất nghiêm túc và thẳng thắn về tình hình xung quanh Ukraine cũng như các hệ lụy với an ninh châu Âu. Khác biệt giữa các đồng minh NATO với Nga trong các chủ đề này là rất lớn và không dễ xóa bỏ" - ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO, tuyên bố.
Các yêu cầu trong cuộc họp với Mỹ trước đó được phía Nga nhắc lại như yêu cầu NATO chấm dứt việc mở rộng về phía Đông, trong tương lai không kết nạp các nước như Ukraine, Gruzia làm thành viên NATO, đồng thời rút quân khỏi các nước gia nhập NATO sau năm 1997. Nga không muốn có NATO hiện diện ở sát sườn mình. Nhưng cũng giống như Mỹ, các quan chức NATO đều đánh giá yêu cầu của Nga là "không thể chấp nhận được".
"Chính sách chủ đạo và hành động mở rộng quân sự của NATO là nhằm kiềm chế Nga. Những nguồn lực khổng lồ đang được phân bố cho mục đích này. Họ không che giấu rằng đó là mục đích chính của NATO. Thực tế này đang phá hoại nỗ lực xây dựng nền an ninh chung của châu Âu" - ông Alexander Grushko, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, khẳng định.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây gần đây leo thang sau khi Mỹ, NATO cáo buộc Nga điều khoảng 70.000 - 100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực. Đàm phán bế tắc khiến kéo theo những lo ngại trên thực địa. Ngay lúc đang đàm phán tại Brussels, Nga diễn tập bắn đạn thật với sự hiện diện của xe tại vùng Rostov gần biên giới Ukraine.
"Có vẻ như nguy cơ chiến tranh trong khu vực OSCE đang lớn hơn bao giờ hết trong 30 năm qua. Trong vài tuần qua, chúng ta đối mặt với viễn cảnh cuộc leo thang quân sự lớn ở Đông Âu" - ông Zbigniew Rau, Chủ tịch OSCE, Ngoại trưởng Ba Lan, cho biết.
Trong lúc này, những sự ganh đua vẫn đang diễn ra. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cáo buộc Nga cố tình cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu giữa lúc căng thẳng chính trị leo thang. Người đứng đầu IEA cho rằng Nga đang cố tình giữ lại ít nhất 1/3 lượng khí đốt mà họ có thể gửi đến châu Âu. Con số đó chiếm khoảng 10% mức tiêu thụ hàng ngày của châu Âu.
Phía Mỹ cho biết họ đang chuẩn bị cho kịch bản đối phó trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Ukraine, hay các xâm nhập quy mô nhỏ, hoặc đòn tấn công mạng làm tê liệt quốc gia này. Trong dự thảo mà các nghị sĩ Mỹ đưa ra gồm 500 triệu USD viện trợ an ninh cho Kiev và nhắm cả tới Nga thông qua lệnh trừng phạt đối với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cùng nhiều quan chức trong chính phủ nước này. Dù vậy, việc phương Tây sẽ đi xa đến đâu để bảo vệ Ukraine vẫn là một câu hỏi lớn.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()