Việc Israel quyết tiến hành cuộc chiến ở Gaza và gây nhiều thương vong cho dân thường bất chấp sức ép từ dư luận quốc tế đang khiến Tel Aviv ngày càng bị cô lập.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 29/5 bày tỏ nỗi bất bình với Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden từ chối ủng hộ lệnh trừng phạt nhắm vào Tòa Hình sự Quốc tế (ICC). Trước đó, ông Netanyahu tin rằng Mỹ sẽ thúc đẩy biện pháp trừng phạt để trả đũa việc công tố viên trưởng ICC Karim Khanxin lệnh bắtông cùng Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc liên quan chiến sự Gaza.
Đây là sự thay đổi thái độ đáng kể của Mỹ, quốc gia đã kiên trì ủng hộ Israel kể từ khi nước này mở chiến dịch tấn công Dải Gaza hồi tháng 10/2023. Bất chấp sức ép lớn từ cộng đồng quốc tế, chính quyền Biden vẫn cho rằng Israel có quyền tự vệ và tiếp tục viện trợ bom, tên lửa, đạn pháo cho nước này.
Nhưng việc Mỹ từ chối ủng hộ lệnh trừng phạt ICC như mong muốn của Israel đã khiến ông Netanyahu "ngỡ ngàng và thất vọng", đồng thời cho thấy tình cảnh ngày càng bị cô lập của Israel trên trường quốc tế, khi chiến sự Gaza sắp bước sang tháng thứ 8, theo giới phân tích.
Sức ép quốc tế đặc biệt gia tăng sau cuộc không kích của Israel khiến ít nhất 45 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương tại trại tị nạn ở thành phố Rafah, nơi có khoảng hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn ở miền nam Gaza. Quân đội Israel giải thích rằng họ tiến hành đợt không kích để hạ hai thành viên cấp cao của Hamas mà họ cho là đang ẩn náu ở trại tị nạn này.
Cách giải thích đó càng làm tăng sự phẫn nộ trong dư luận thế giới. Nỗi bất bình lớn đến mức Thủ tướng Netanyahu ngày 27/5 phải thừa nhận cuộc không kích vào nơi dành cho người sơ tán là "sai lầm bi thảm" và công tố viên quân sự Israel đã ra lệnh điều tra vụ tấn công, nói rằng nước này lấy làm tiếc về "bất kỳ thiệt hại nào đối với dân thường vô tội".
Vụ không kích trại tị nạn diễn ra chỉ hai ngày sau khi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) yêu cầu Israel ngừng tấn công Rafah, càng khiến làn sóng chỉ trích Tel Aviv bùng lên mạnh mẽ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông cảm thấy "phẫn nộ" với vụ không kích của Israel, khẳng định những hoạt động quân sự này phải dừng lại. "Không có nơi an toàn cho người Palestine ở Rafah. Tôi kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế và ngừng bắn ngay lập tức", ông viết trên mạng xã hội X.
Một phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết "những hình ảnh tàn khốc" sau cuộc không kích ở Rafah là "đau lòng". Mỹ cho rằng Israel có quyền "truy lùng Hamas" song phải thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa có thể để bảo vệ dân thường.
"Không còn nơi an toàn ởGaza. Nỗi kinh hoàng này phải dừng lại", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đăng trên mạng xã hội. Ai Cập cũng cáo buộc Israel "vi phạm trắng trợn" luật nhân đạo quốc tế, trong khi Qatar cảnh báo hành động của Israel có thể đang cản trở những nỗ lực làm trung gian đàm phán về lệnh ngừng bắn và giải thoát con tin Israel trong tay Hamas.
Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha hôm 28/5 tuyên bố công nhận nhà nước Palestine, động thái được xem là đòn giáng mang tính biểu tượng chống lại Thủ tướng Netanyahu, người vốn phản đối bất kỳ cuộc thảo luận nào về giải pháp hai nhà nước.
"Đây sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh, là khoảnh khắc để những người Israel ôn hòa nhận ra rằng bất kể toàn thế giới đồng cảm với họ thế nào về cuộc tấn công khủng khiếp ngày 7/10 năm ngoái của Hamas, hành động của chính phủ cực hữu nước này đang đẩy Israel vào cảnh bị cô lập hơn",Financial Timesđăngbài bình luận.
Các đối tác quốc tế ngày càng thất vọng trước việc Thủ tướng Netanyahu kiên quyết chống lại nỗ lực cung cấp viện trợ vào Dải Gaza, cũng như quyết tâm tiến hành chiến dịch tấn công Rafah, nơi mà Tel Aviv xem là thành trì cuối của Hamas.
Họ cũng tức giận khi lãnh đạo Israel từ chối vạch ra kế hoạch hậu xung đột khả thi cho khu vực, không thể kiềm chế hành động bạo lực chống lại người Palestine của người định cư Israel ở Bờ Tây, cũng như bác bỏ kế hoạch hòa bình hướng tới giải pháp hai nhà nước của chính quyền Tổng thống Biden.
Việc hai tòa án quốc tế, gồm ICI và ICJ, đều có những động thái phản đối chiến dịch của Israel đã làm tăng đáng kể áp lực với Tel Aviv, khi những lập luận của họ về tính hợp pháp của cuộc chiến đang bị các thẩm phán bác bỏ.
Về mặt quân sự, chiến dịch Gaza dường như đang bị sa lầy, khi quân đội Israel chưa đạt được bất cứ mục tiêu quan trọng nào trong cuộc chiến, bất chấp lời hứa hẹn của ông Netanyahu về "chiến thắng" hoàn toàn trước Hamas, theo giới quan sát.
Zhang Zhouxiang, nhà bình luận củaChina Daily, cho rằng Tel Aviv đang ở vị thế "cực kỳ cô lập".
"Điều đó nhắc nhở công chúng về những lời của đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Gabriela Shalev năm 2010 rằng đất nước của bà là 'quốc gia cô đơn, cô đơn nhất trên thế giới'", Zhouxiang viết. "Song những diễn biến mới nhất cho thấy đó là hệ quả từ chính những hành động của họ".
Xung đột ở Gaza bùng phát từ tháng 10/2023, sau khiIsraelphát động chiến dịch đáp trả Hamas và giải cứu con tin bị bắt trong cuộc tấn công của Hamas trước đó. Theo cơ quan y tế địa phương, các cuộc giao tranh đã khiến hơn 36.000 người thiệt mạng ở Gaza, chủ yếu là dân thường.
Philippe Lazzarini, người đứng đầu Cơ quan Liên Hợp Quốc về Hỗ trợ và Việc làm cho Người tị nạn Palestine (UNRWA), viết trên X rằng mỗi ngày trôi qua, việc cung cấp hỗ trợ và bảo vệ cho người dân trong khu vực trở nên "gần như không thể". "Trong khi đó, thành phố Rafah ở miền nam Gaza đã biến thành địa ngục trần gian" vì các hoạt động quân sự của Israel, Lazzarini mô tả.
Ý kiến ()