Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:05 (GMT +7)
Israel mở cuộc tấn công Bờ Tây lớn nhất nhiều thập kỷ
Thứ 5, 29/08/2024 | 15:58:16 [GMT +7] A A
Quân đội Israel mở chiến dịch quân sự lớn nhất trong nhiều thập kỷ vào Bờ Tây, giữa lúc phe cực hữu ở nước này gia tăng sức ép sáp nhập vùng đất trên.
Theo Đài Al Jazeera, rạng sáng 28-8 (giờ địa phương), quân đội Israel bất ngờ mở cuộc tấn công lớn vào các khu tị nạn Jenin, Tulkarem và Far'a tại Bờ Tây, nhằm tiêu diệt "khủng bố vũ trang đang đe dọa các lực lượng an ninh".
Lửa xung đột lan sang Bờ Tây
Đến ngày 29-8, các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn. Con số thương vong tại Bờ Tây đã lên đến 12 người Palestine chết và 22 người bị thương. Quy mô cuộc tấn công và thiệt hại về người biến đây thành hoạt động quân sự lớn bậc nhất của Tel Aviv vào Bờ Tây trong hai thập kỷ qua.
Cuộc tấn công được tiến hành trong bối cảnh Israel vẫn theo đuổi các hoạt động quân sự chống lại phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza. Trong khi đó tại Bờ Tây, ngày càng nhiều phong trào của người Palestine được thành lập và đã có một số bên chạm trán với lực lượng Israel.
Một bộ phận giới phân tích cho rằng các cuộc tấn công ở Bờ Tây được đứng sau bởi nhóm chính trị gia cánh hữu trong Chính phủ Israel, vốn đang nắm quyền lực ngày một nhiều ở Israel.
Nhóm này được dẫn đầu bởi Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich.
Cả hai đều nắm giữ vai trò quan trọng trong chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, và ông Netanyahu chắc chắn không muốn làm phật lòng hai đồng minh lớn này.
Trong nhiều tháng qua, nhóm cực hữu đã liên tục thúc giục Israel mở rộng vùng kiểm soát tại Bờ Tây đến nỗi một số nhà phân tích cho rằng Tel Aviv đang muốn sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ nước mình. Điều này trực tiếp dẫn đến số vụ chạm trán giữa người Israel và người Palestine ở Bờ Tây tăng đáng kể trong thời gian qua.
Đứng trước những sức ép chính trị trong nước lên vị thế của mình, ông Netanyahu dần nhượng bộ các yêu sách của phía cực hữu và cho phép các cuộc tấn công diễn ra tại Gaza và Bờ Tây, trong đó có chiến dịch ngày 28-8.
Nhiều phản đối kịch liệt
Phản hồi những quyết định trên, chính quyền Palestine (PA) lên tiếng chỉ trích kịch liệt và cảnh báo nó có thể dẫn đến các quyết định "nguy hiểm". Lãnh đạo PA Mahmoud Abbas cũng đã phải cắt ngắn chuyến công tác đến Saudi Arabia để quay lại Bờ Tây.
Ngày 29-8, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ra thông báo kêu gọi Israel chấm dứt lập tức hoạt động quân sự tại Bờ Tây, chỉ trích việc gây thương vong cho dân thường, trong đó có trẻ em và yêu cầu Tel Aviv đảm bảo an toàn cho người dân ở đây.
Ông Guterres khẳng định: "Tất cả những người bị thương cần được tiếp cận chăm sóc y tế. Các nhân viên hỗ trợ nhân đạo phải được tạo điều kiện đến với những người cần giúp đỡ. Những diễn biến nguy hiểm này đang thổi bùng tình hình vốn đã rất nóng ở Bờ Tây và làm suy giảm chính quyền Palestine".
Ngoài ra, ông Guterres cũng bày tỏ quan ngại trước "những hành động, tuyên bố nguy hiểm và khiêu khích" của ông Ben-Gvir.
Ngày 29-8 (giờ Việt Nam), chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố áp lệnh trừng phạt lên tổ chức Hashomer Yosh và ba thành viên tổ chức này.
Đây là tổ chức được tài trợ một phần bởi Chính phủ Israel và có liên quan đến ông Ben-Gvir và ông Smotrich. Tổ chức này cung cấp dịch vụ bảo vệ cho những người di cư của Israel tại Bờ Tây và được cho là đã tham gia một số cuộc chạm trán với người Palestine.
Washington cũng nêu lo ngại rằng tình hình hiện tại cùng những hành vi bạo lực của người di cư Israel tại Bờ Tây đối với người Palestine đang ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và an ninh khu vực.
Phản hồi với quyết định trên của Washington, Văn phòng Thủ tướng Israel ra thông báo rằng Tel Aviv xem "việc áp lệnh trừng phạt lên công dân Israel rất nghiêm trọng và sẽ là vấn đề cần thảo luận" với Mỹ.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()