Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tối 4/8 triệu tập các lãnh đạo an ninh dự cuộc họp khẩn, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi, giám đốc Viện Tình báo và Chiến dịch Đặc biệt Israel (Mossad) David Barnea cùng giám đốc Cơ quan An ninh Israel (Shin Bet) Ronen Bar.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh có lo ngại rằng Iran có thể tấn công Israel trong thời gian tới, sau vụ chỉ huy cấp cao Hezbollah Fuad Shuk và thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát. Iran cáo buộc Israel đứng sau các vụ ám sát này và tuyên bố sẽ trả thù. Tel Aviv đến nay mới nhận trách nhiệm tiến hành vụ tập kích hạ sát ông Shuk.
Truyền thông Israel cho biết trong cuộc họp, các quan chức an ninh nước này đều chưa chắc chắn về phản ứng từ Iran và đang thảo luận nhiều phương án để tìm cách đối phó tốt nhất hoặc ngăn chặn cuộc tấn công có thể xảy ra.
Phương án tấn công phủ đầu Iran để răn đe cũng đã được cân nhắc, dù các quan chức nhấn mạnh chỉ hành động như vậy nếu họ nhận được thông tin chính xác rằng chắc chắn Iran sẽ tấn công Israel, theo Ynet, tờ báo hàng đầu Israel.
Israel từng nhiều lần công khai tuyên bố sẽ tung đòn đánh phủ đầu các mục tiêu quan trọng ở Iran nếu phát hiện nước này đe dọa tới lợi ích và an ninh của họ. Tuy nhiên, Tel Aviv luôn nhấn mạnh đây là "kế sách cuối cùng" trong căng thẳng với Tehran.
Tel Aviv khẳng định họ cũng cần có nguồn tin tình báo của riêng mình về vấn đề này, để đánh giá liệu có khớp với thông tin tình báo của Mỹ hay không. Ngay cả trong trường hợp hai nguồn tin tình báo đều chắc chắn Iran sẽ tấn công, phía Israel vẫn có thể tìm cách tránh dùng tới biện pháp đánh phủ đầu.
Giống Israel, Mỹ cũng được cho là chưa chắc chắn về khả năng Iran sẽ tấn công, vì họ tin rằng Tehran chưa có quyết định cuối cùng và cũng chưa hoàn tất kế hoạch phối hợp hành động với các lực lượng dân quân được Tehran hậu thuẫn hở Trung Đông.
Trang Axios của Mỹ dẫn ba nguồn thạo tin cho biết Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngày 4/8 điện đàm với những người đồng cấp trong nhóm G7, nhằm cố gắng tạo áp lực ngoại giao vào phút chót để Iran, Hezbollah giảm thiểu hành động trả đũa Israel sau vụ thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại Tehran. Nhóm G7 gồm Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản và Italy.
Trong cuộc gọi, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh hạn chế tác động từ đòn đáp trả là cơ hội tốt nhất để ngăn bùng phát chiến tranh toàn diện trong khu vực. Ông cho biết Mỹ tin cả Iran và Hezbollah đều sẽ tung đòn trả đũa Israel, song chưa rõ bằng hình thức nào, theo các nguồn tin.
Ngoại trưởng Blinken thừa nhận Mỹ không biết chính xác khi nào Iran và lực lượng Hezbollah ở Lebanon sẽ tung đòn tập kích đáp trả Israel, nhưng nhấn mạnh các cuộc tấn công có thể bắt đầu sớm nhất là trong 24-48 giờ tới, các nguồn tin của Axios cho hay.
Trước nguy cơ hứng chịu cuộc tấn công từ Iran, Israel được đánh giá còn có một lợi thế là có thể dự liệu mức độ tấn công. Iran hôm 13/4 từng phóng hơn 300 tên lửa, UAV vào lãnh thổ Israel để trả đũa vụ tập kích tòa lãnh sự ở Damascus, Syria, nhưng đa số đều bị Israel cùng các đồng minh đánh chặn.
Kinh nghiệm từ cuộc tập kích đó có thể giúp Israel ước tính quy mô tấn công từ Iran nếu nước này tiếp tục hành động. Ngay cả khi Iran tấn công quy mô lớn hơn, Israel nhận định là vẫn có thể đánh chặn một lần nữa, với sự giúp đỡ từ các đồng minh, theo Ynet.
Bên cạnh việc chuẩn bị ứng phó trước trường hợp Iran tấn công Israel, Mỹ cùng các đồng minh vẫn tiếp tục thúc đẩy Tel Aviv lẫn Tehran hạ nhiệt tình hình và tránh gây ra cuộc xung đột toàn diện trong khu vực.
Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi hôm 4/8 tới Iran, kêu gọi khu vực này có thể sống trong "hòa bình, an ninh và ổn định" mà không xảy ra thêm bất cứ sự leo thang căng thẳng nào nữa.
Sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas hôm 31/7, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố họ có "nghĩa vụ" báo thù vì sự việc xảy ra ngay tại thủ đô Tehran của nước này. Bất chấp cáo buộc từ Hamas và nhiều bên, Israel tới nay không bác bỏ cũng không thừa nhận đứng sau vụ ám sát ông Haniyeh.
Ý kiến ()