SpaceX, công ty hàng không vũ trụ do Musk điều hành, đã phát triển một mạng Internet vệ tinh tốc độ cao, mở rộng trong không gian được gọi là Starlink. Các vệ tinh Starlink đầu tiên được phóng trên tên lửa Falcon 9 của SpaceX vào tháng 5/2019. Starlink đi vào vận hành từ tháng 10/2020.
Dịch vụ hiện có hơn 400.000 người dùng trên toàn cầu. Đang có khoảng 3.000 vệ tinh Starlink bao quanh Trái đất, cung cấp kết nối băng thông rộng cho người dùng, đặc biệt là ở vùng nông thôn và địa hình hiểm trở.
Mục tiêu của Musk đến năm 2027 là sẽ có 42.000 vệ tinh tham gia vào mạng lưới Internet không gian. Đến nay, SpaceX đã sản xuất hơn một triệu thiết bị đầu cuối dành cho người dùng Starlink. Trong email gửi đến khách hàng, SpaceX cho biết mạng Internet vệ tinh có thể đạt tốc độ 50-150 Mb/giây. Ở một số nơi, Starlink thậm chí đã đạt 175 Mb/giây.
Người dân Ukrainie, Iran dùng Starlink miễn phí
Công ty của Musk đã chuyển 15.000 bộ thu Internet vệ tinh cho Ukraine. Một số thiết bị cũng được gửi đến Iran theo dạng viện trợ.
"Starlink vẫn thua lỗ!", Elon Musk viết trên Twitter vào cuối tuần trước. Trong nội dung SpaceX gửi Lầu Năm Góc do CNN tiếp cận được, công ty của Musk cho biết họ không còn đủ khả năng chi trả để duy trì hoạt động của Starlink ở Ukraine. Từ nay đến hết 2022, việc duy trì sẽ tiêu tốn hơn 120 triệu USD và cần thêm 400 triệu USD trong năm tới. Musk nói SpaceX đang đốt khoảng 20 triệu USD mỗi tháng để vận hành Internet vệ tinh cho nước này.
Trước đó, vào tháng 9/2021, Gwynne Shotwell, Chủ tịch của SpaceX, nói công ty đã tìm cách giảm một nửa chi phí thiết bị đầu cuối từ 3.000 USD xuống còn 1.500 USD. Trong khi đó, người dùng bình thường sẽ trả 600 USD tiền mua thiết bị, đầu thu và 110 USD mỗi tháng để đóng phí dịch vụ. Hồi tháng 2/2021, Musk từng thẳng thắn nhìn nhận: "SpaceX cần vượt qua thách thức của dòng tiền âm trong năm tới hoặc lâu hơn để dự án không bị phá sản".
Hàng không và du lịch thích Internet vệ tinh của Musk
Để tìm kiếm thêm nguồn thu, tháng 2/2021, SpaceX yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cấp phép hoạt động trong ngành công nghiệp ôtô. Ba tháng sau, FCC đã duyệt cho SpaceX cung cấp Internet vệ tinh cho các phương tiện đang chuyển động.
Rất nhanh sau đó, Starlink đã ký được hợp đồng với các hãng hàng không lớn như Royal Caribbean, Hawaiian Airlines và dịch vụ máy bay phản lực khu vực bán tư nhân JSX để triển khai Wi-Fi cho hành khách. Công ty cho biết đang trong quá trình đàm phán với Delta và Frontier Airlines.
Starlink sử dụng ăng-ten với thiết bị đầu cuối có thể được gắn trên xe, tàu và máy bay. Musk cho biết thiết bị chưa thể kết nối với xe điện Tesla do bộ thu quá lớn. "Nó thích hợp hơn cho máy bay, tàu thủy, xe tải lớn", Musk nói. Tỷ phú cũng tiết lộ ông đang thử nghiệm Starlink trên máy bay riêng của mình.
Sự hiện diện ở Đông Nam Á
Cuối tháng 5, Musk đăng tweet thông báo cơ quan quản lý viễn thông của Philippines phê duyệt dịch vụ Internet vệ tinh của ông. Việc Starlink xuất hiện ở Đông Nam Á sẽ giúp người dùng trải nghiệm mạng nhanh hơn hiện tại. Chẳng hạn, theo Speedtest, tốc độ tải xuống với mạng di động tại Indonesia là 17,96 Mb/giây (đứng thứ 100) và Philippines với 19,45 Mb/giây (đứng thứ 95 thế giới).
Phía công ty của Musk cũng không giấu tham vọng triển khai dịch vụ tại đây, trước mắt là Philippines năm nay, sau đó đến Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Myanmar vào năm 2023. Tại Việt Nam, năm ngoái website SpaceX thông báo mục tiêu phủ sóng tại một số khu vực vào năm sau. Đồng thời, Starlink cũng cho phép người dùng đặt cọc 99 USD (2,3 triệu đồng) để giữ chỗ sử dụng dịch vụ và có thể nhận lại nếu đổi ý. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng không dễ để doanh nghiệp của Musk phủ sóng tại Việt Nam. Việc cung cấp dịch vụ Internet qua vệ tinh của Starlink hay bất kỳ doanh nghiệp nước ngoài nào khác sẽ chịu điều chỉnh bởi Luật Viễn thông và các cam kết quốc tế (WTO, CPTPP ...) và cần được cấp phép.
Ý kiến ()