Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:10 (GMT +7)
IEA: Tiêu thụ than trên thế giới vượt 8 tỷ tấn, đạt kỷ lục mới
Thứ 2, 19/12/2022 | 07:28:26 [GMT +7] A A
IEA cho biết chưa bao giờ nhân loại đốt cháy nhiều than đá như vậy trong một năm, mặc dù đây là loại năng lượng gây ô nhiễm nhất và là nguồn phát thải khí nhà kính hàng đầu.
Nhật báo Les Echos dẫn thông báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết năm 2022, ước tính mức tiêu thụ than trên toàn thế giới tăng 1,2% so với năm 2021, vượt 8 tỷ tấn.
Một kỷ lục không đáng để tự hào. Chưa bao giờ nhân loại đốt cháy nhiều than đá như vậy trong một năm, mặc dù đây là loại năng lượng gây ô nhiễm nhất và là nguồn phát thải khí nhà kính hàng đầu.
Cơn sốt than này có thể được giải thích trên hết bởi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, giá khí đốt tăng cao và do đó việc sử dụng than đá để sản xuất điện ngày càng tăng. Bất chấp sự bùng nổ về giá lên tới hơn 400 euro/tấn, than vẫn rẻ hơn khí đốt.
Chỉ riêng ở châu Âu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng năng lượng hơn các khu vực khác, mức tiêu thụ đã tăng 9%, lên 377 triệu tấn.
Do chiến tranh ở Ukraine, sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga và giá năng lượng tăng cao, các nước trong Liên minh châu Âu đã khởi động lại hoạt động, hoặc trì hoãn việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than, trong đó có sử dụng cả than non, một loại than kém chất lượng còn gây ô nhiễm nặng hơn.
IEA cảnh báo nhu cầu toàn cầu sẽ duy trì ở mức này cho đến năm 2025, nếu như "không có những nỗ lực bổ sung để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng."
Chỉ từ năm 2024, thị trường này mới có các tín hiệu cải thiện khi các nhà máy điện chạy bằng khí đốt được đưa vào vận hành với giá thành rẻ hơn so với các nhà máy chạy bằng than.
Cơ quan này cho biết thêm, ngay cả khi mức tiêu thụ giảm ở các nước phát triển, các nước châu Á sẽ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào than đá để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện của họ.
Ông Kei-suke Sadamori, Giám đốc Thị trường Năng lượng và An ninh tại IEA, lưu ý rằng: “Thế giới đang tiến gần đến đỉnh điểm về tiêu thụ năng lượng hóa thạch, lẽ ra than phải là thứ giảm đầu tiên, nhưng chúng ta chưa làm được điều đó." Nếu việc giảm tiêu thụ loại năng lượng gây ô nhiễm này bắt đầu vào năm 2024 ở châu Âu, thì xu hướng giảm toàn cầu lại phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc.
Theo IEA, than là "xương sống của nền kinh tế Trung Quốc." Đất nước này tiêu thụ 53% lượng than trên thế giới và nhiên liệu này cung cấp cho nó 60% năng lượng sơ cấp. Với hạn hán làm giảm công suất sản xuất thủy điện và đợt nắng nóng vào mùa Hè này đã thúc đẩy nhu cầu điện, nhu cầu than tăng vọt vào năm 2022./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()