Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:29 (GMT +7)
ICAN: Mỹ bí mật triển khai 150 vũ khí hạt nhân tại 5 nước châu Âu
Thứ 3, 13/06/2023 | 14:43:44 [GMT +7] A A
Theo trang serbia.postsen.com, bà Sanders-Zackre cho biết kho vũ khí hạt nhân này được đặt ở Đức, Bỉ, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy.
Đài RT dẫn lời bà Sanders-Zakre tại một cuộc họp báo: “Theo các chuyên gia độc lập, khoảng 150 đầu đạn được triển khai tại các căn cứ không quân của Mỹ ở các quốc gia này”.
Bà nhấn mạnh rằng ICAN vô cùng lo ngại về việc triển khai loại vũ khí này ở các nước châu Âu và nhắc lại cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Bà nói: “Những hành động như vậy là tác nhân tiềm tàng làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân”.
Theo bà Sanders-Zakre, điều rất quan trọng là phải xem xét tất cả các công cụ để cải thiện tính minh bạch này và đặt câu hỏi: những quả bom này là gì và chúng ở đâu?
ICAN là một tổ chức quốc tế được thành lập vào năm 2007, có mục đích thúc đẩy thông qua và thực hiện Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Năm 2017, tổ chức này đã nhận được giải Nobel Hòa bình.
Vào tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga và Belarus đã đồng ý triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Như Tổng thống Putin đã tuyên bố, lý do của bước đi như vậy là do tuyên bố của Anh về việc cung cấp đạn urani nghèo cho Ukraine.
Trong khi đó, số vũ khí hạt nhân tăng nhẹ trong năm 2022 trong bối cảnh các nước thực hiện kế hoạch hiện đại hóa và mở rộng lực lượng dài hạn. Viện nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) đưa ra đánh giá trên trong báo cáo công bố ngày 12/6, đồng thời cảnh báo thế giới đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm.
Theo SIPRI, số đầu đạn trong các kho vũ khí vẫn duy trì xu hướng tăng trong vài năm qua, theo đó, tăng thêm 86 lên 9.576. SIPRI nhấn mạnh 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình và một số nước triển khai các hệ thống vũ khí hạt nhân mới hoặc vũ khí hạt nhân có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong năm 2022.
Nga và Mỹ cùng sở hữu gần 90% số vũ khí hạt nhân, tuy nhiên quy mô kho vũ khí hạt nhân của 2 nước này vẫn tương đối ổn định trong năm 2022. Trong khi đó, số đầu đạn hạt nhân trên thế giới tiếp tục giảm, chủ yếu do Mỹ và Nga dỡ bỏ các đầu đạn đã hết hạn sử dụng.
Giám đốc SIPRI, ông Dan Smith cảnh báo: "Chúng ta đang bước vào một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại". Do đó, điều cấp thiết hiện nay là các chính phủ cần tìm cách hợp tác để làm dịu căng thẳng địa chính trị, hạ nhiệt các cuộc chạy đua vũ trang và giải quyết các hậu quả đang ngày càng tồi tệ do tàn phá môi trường, cũng như thiếu lương thực gia tăng.
Cũng trong báo cáo ngày 12/6, SIPRI cho biết Trung Quốc đã bổ sung 60 đầu đạn vào kho vũ khí hạt nhân nước này, lên thành 410 đầu đạn trong 12 tháng, tính đến tháng 1/2023. Theo đó, đây là mức tăng lớn nhất trong số 9 nước có vũ khí hạt nhân khác.
Báo cáo cho biết kho vũ khí của Trung Quốc dự kiến tiếp tục phát triển, đồng thời nhận định Bắc Kinh ít nhất có khả năng sở hữu số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tương đương với Mỹ hoặc Nga vào đầu thập niên này.
Ngoài ra, báo cáo cho biết kho vũ khí của Triều Tiên ước tính đã tăng từ 25 lên thành 30 đầu đạn, đồng thời cho biết thêm rằng nước này có thể có đủ nguyên liệu phân hạch để sản xuất từ 50-70 đầu đạn.
Theo báo cáo, hoạt động ngoại giao hạt nhân và kiểm soát vũ khí đã phải chịu thất bại lớn kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine từ tháng 2/2022.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()