Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:55 (GMT +7)
IAEA lý giải vì sao Nhật Bản được phép xả thải nước phóng xạ ra biển
Thứ 5, 06/07/2023 | 14:14:34 [GMT +7] A A
Xả thải nước phóng xạ là công đoạn cần thiết để tiến tới ngừng hoạt động nhà máy hạt nhân Fukushima. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn đón nhận những ý kiến trái chiều.
Mới đây theo Reuters, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã chấp thuận kế hoạch của Nhật Bản trong việc xả thải nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima ra biển, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ Bắc Kinh và một số nước trong khu vực.
Cụ thể, cơ quan này cho biết các kế hoạch của Nhật Bản phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu và có "tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường".
Trước đó, chính phủ Nhật Bản cũng từng nhiều lần khẳng định rằng quá trình xử lý nước phóng xạ là tuyệt đối an toàn. Tính đến nay, họ đã xử lý lượng nước thải đủ để lấp đầy 500 bể bơi đạt tiêu chuẩn Olympic, và khó có thể lưu trữ nhiều hơn.
Tuy nhiên, kế hoạch vẫn vấp phải sự phản đối kịch liệt của một số nước láng giềng và các tổ chức quốc tế. Tổ chức Hòa bình Xanh lo ngại chất phóng xạ được giải phóng có thể làm thay đổi ADN của con người.
Các nước bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc từng nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan ngại, trong khi các quốc đảo ở Thái Bình Dương lo ngại việc này có thể khiến nước biển có nguy cơ ô nhiễm phóng xạ hơn nữa.
Nước thải có chứa chất gì, được xử lý thế nào?
Theo Science.org, nước thải được xử lý tại nhà máy hạt nhân Fukushima từng được sử dụng để làm mát các thanh nhiên liệu sau khi nó bị hư hại nghiêm trọng do thảm họa kép động đất, sóng thần vào năm 2011.
Nhật Bản cho biết nước đã được lọc bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ nguy hiểm, ngoại trừ tritium, một đồng vị của hydro rất khó tách khỏi nước.
Trên thực tế, tritium vốn là đồng vị phóng xạ của hydro, xuất hiện trong tự nhiên và có thể được tìm thấy trong nước mưa, nước biển. Tất nhiên, do hàm lượng này rất thấp nên hầu như không gây hại cho con người.
Mặc dù vậy, Nigel Marks, Phó Giáo sư vật lý và thiên văn tại Đại học Curtin, Australia cho biết cần 60-100 năm để chuyển hóa hoàn toàn lượng tritium này thành helium vô hại.
Trong khi đó, Luk Bing-lam, chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân Hong Kong cũng cảnh báo rằng có thể nhiều chất phóng xạ khác vẫn tồn tại trong nước thải tại nhà máy Fukushima, như caesium-137 và strontium-90.
Một tổ chức khác là Greenpeace thì tiết lộ 1,25 triệu tấn nước lưu trữ ở nhà máy vẫn có chứa đồng vị phóng xạ carbon-14 với khối lượng khoảng 63,6GBq (gigabecquerels).
Họ cho rằng các đồng vị phóng xạ chứa trong nước "sẽ gây ra tổn hại về di truyền kéo dài đến nghìn năm sau". Đồng vị carbon-14 cũng là hợp chất phóng xạ có khả năng làm hủy hoại ADN của con người nếu tiếp xúc trong điều kiện nhất định.
Dẫu vậy, theo người phát ngôn Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), nguồn nước thải đã được xử lý dựa trên một quy trình phức tạp, khiến cho nồng độ các đồng vị phóng xạ có trong nước dao động ở mức an toàn.
Cụ thể là đối với các hạt đồng vị phóng xạ nguy hại như carbon-14, nồng độ chỉ còn 2 - 220 becquerels/lít, thấp hơn nhiều so với mức quy định được thải ra môi trường. Tuy nhiên, con số này vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi tại nhiều quốc gia trong khu vực.
Trước khi được thải ra biển Thái Bình Dương, nước phóng xạ đã qua xử lý cũng sẽ được pha loãng xuống dưới mức tritium theo tiêu chuẩn của quốc tế.
Tại sao Nhật phải xả thải nước chứa phóng xạ?
Theo Reuters, thảm họa kép động đất và sóng thần diễn ra vào năm 2011 đã làm hỏng hệ thống cung cấp điện và làm mát của nhà máy hạt nhân Fukushima, khiến lõi lò phản ứng quá nóng và làm ô nhiễm nước trong nhà máy bằng chất phóng xạ cao.
Để khắc phục tình trạng này, chính phủ Nhật Bản đã cho bơm nước mới vào để làm mát các thanh nhiên liệu trong các lò phản ứng. Cùng với đó, nước ngầm và nước mưa rò rỉ vào bên trong đã kết hợp, và tạo thành một khối lượng nước thải phóng xạ lớn cần được lưu trữ và xử lý.
Đến nay, công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã xây dựng hơn 1.000 bể chứa khổng lồ để chứa tổng số 1,32 triệu tấn nước thải. Tuy nhiên, công ty này cho biết việc xây dựng thêm các bể chứa không phải là một lựa chọn khả thi và họ cần sớm giải phóng không gian để tiến tới ngừng hoạt động nhà máy một cách an toàn.
Đây là một quy trình phức tạp, bao gồm các cơ sở khử nhiễm, tháo dỡ cấu trúc và đóng cửa hoàn toàn mọi thứ.
Nếu được thực hiện thành công, nó sẽ là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực chấm dứt một trong những thảm họa hạt nhân lớn nhất trong lịch sử.
Cho đến nay, ước tính đã có 42.565 người bao gồm 35.725 người từ Fukushima đã phải di dời trên khắp vùng đông bắc Nhật Bản do ảnh hưởng từ nguồn nước bị nhiễm phóng xạ.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()