Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:26 (GMT +7)
Hiệu quả từ công tác luân chuyển cán bộ ở Đầm Hà
Thứ 3, 16/08/2022 | 13:56:21 [GMT +7] A A
Huyện Đầm Hà có 9 đơn vị hành chính, gồm 8 xã và 1 thị trấn. Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ phát huy năng lực sở trường, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các thôn, xã, những năm qua, Huyện ủy Đầm Hà đã quan tâm triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ, nhất là tại 2 xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Lâm và Quảng An.
Tháng 8/2018, khi đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã Tân Bình, xã miền núi, ven biển nằm trong số những xã phát triển nhất của huyện Đầm Hà, ông Hoàng Văn Bổng được điều động, luân chuyển lên xã Quảng Lâm, xã đặc biệt khó khăn, thuộc diện đầu tư theo Đề án 196 giai đoạn 2017-2020 của Quảng Ninh.
Quảng Lâm là xã miền núi có diện tích đất tự nhiên lớn nhất huyện, khoảng 9.000ha. Xã có 6 bản, gần 735 hộ dân, với 9 dân tộc khác nhau, trong đó người Dao, Sán Dìu chiếm tới 98%. Do dân số ít, cộng với tư tưởng, tập quán canh tác còn lạc hậu, đến cuối năm 2018 xã Quảng Lâm vẫn còn 29,7% hộ dân nằm trong diện nghèo.
Là người Kinh đầu tiên nắm giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã theo mô hình nhất thể hóa các chức danh của Tỉnh ủy, ông Hoàng Văn Bổng cũng có nhiều băn khoăn, trăn trở, nhưng tự tin sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cấp trên đã tin tưởng phân công. Từ suy nghĩ ấy, ông Bổng bắt tay ngay vào thực hiện những ý tưởng của mình để đưa xã Quảng Lâm ngày một phát triển, đồng thời nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Ông Bổng đã dành nhiều thời gian để đi kiểm tra địa giới hành chính xã, tìm hiểu các tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế của Quảng Lâm, cũng như phong tục, tập quán, tâm tư, nguyện vọng của bà con; đồng thời rà soát lại năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo của xã, thôn.
Bằng trách nhiệm và khả năng của mình, từ cuối năm 2018 đến nay, ông Bổng đã cùng Ban Chấp hành Đảng bộ xã Quảng Lâm ban hành 6 nghị quyết để lãnh đạo toàn diện các mặt về KT-XH, QP-AN và xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Những nghị quyết này đã đi vào cuộc sống và mang lại sự đổi thay rõ nét trên vùng đất khó.
Dẫn phóng viên thăm mô hình trồng cây ăn quả trên vùng đồi núi thấp của gia đình ông Síu Phổ Sáng (bản Thanh Lâm, xã Quảng Lâm), ông Bổng cho biết, hơn 3 năm trước, toàn bộ vùng đất đồi rộng hơn 3ha này được gia đình ông Sáng trồng keo, nhưng sau khi trừ chi phí, tính bình quân, mỗi năm chỉ thu nhập gần chục triệu đồng. Được sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền địa phương, ông Sáng đã chuyển đổi toàn bộ vùng đất sang trồng gần 1.000 cây ăn quả, gồm cam Vinh và ổi Đài Loan. Thổ nhưỡng và khí hậu ở đây rất phù hợp với trồng cây ăn quả, nên cây phát triển tốt, chất lượng quả ngon, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Mặc dù mới trồng thử nghiệm, nhưng mô hình trồng cây ăn quả trên vùng đồi núi thấp của gia đình ông Síu Phổ Sáng hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao, gấp 3-4 lần so với trồng keo trước kia. Quan trọng hơn, từ mô hình này đã thúc đẩy người dân Quảng Lâm thay đổi về cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Từ một xã đặc biệt khó khăn, kinh tế kém phát triển, thu nhập của người dân chỉ dựa vào cây lâm nghiệp như keo, quế, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, đứng đầu là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Bổng, đến nay xã Quảng Lâm đã quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây trồng, như vùng sản xuất quế theo hướng hữu cơ với diện tích 3.000ha; vùng trồng cây ăn quả 100ha; khu chăn nuôi tập trung công nghệ cao 150ha... Ngoài ra, trên địa bàn xã còn phát triển được 40 gia trại, trang trại có quy mô vừa và nhỏ, với thu nhập bình quân từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã.
Tính đến hết tháng 6/2022, thu nhập bình quân trên địa bàn xã Quảng Lâm đã đạt mức 58 triệu đồng/người/năm, tăng 30 triệu đồng so với cuối năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo nhờ đó cũng được giảm sâu qua từng năm. Hết năm 2021, toàn xã không còn hộ nghèo. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo của xã Quảng Lâm hiện ở mức 3,34%.
Với nhiều giải pháp quyết liệt như giới thiệu lao động đi làm việc tại các KCN và ngành than, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để người dân phát triển kinh tế, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo... xã Quảng Lâm quyết tâm phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ không còn hộ nghèo, từ đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Ông Vũ Quốc Hưng, Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Đầm Hà, cho biết: Xác định cán bộ là cái gốc của mọi công việc, Huyện ủy Đầm Hà luôn chú trọng thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, gắn với quy hoạch và luân chuyển cán bộ. Để công tác điều động, luân chuyển cán bộ thực sự có hiệu quả, Ban Thường vụ Huyện ủy Đầm Hà đã tiến hành từng bước, thận trọng. Căn cứ vào tình hình thực tế, hằng năm Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng phương án cụ thể, lựa chọn đối tượng, chức danh, đơn vị, để bố trí một cách phù hợp nhất. Trên cơ sở đó tiến hành điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện về xã, thị trấn, điều động luân chuyển cán bộ chủ chốt, một số chức danh công chức giữa các xã, thị trấn.
5 năm trở lại đây, Huyện ủy Đầm Hà đã điều động, luân chuyển gần 60 lượt cán bộ ở cấp huyện và cấp xã. Trong đó, ưu tiên những cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, có năng lực, trình độ, có tinh thần trách nhiệm đang công tác tại các phòng, ban của huyện về công tác tại các xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số như Quảng Lâm, Quảng An.
“Đến thời điểm này có thể đánh giá cán bộ được luân chuyển đã đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ, cùng với tập thể cán bộ, công chức, nhân dân, đảng viên trên địa bàn triển khai tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo vững chắc QP-AN, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các thôn, xã trên địa bàn huyện” - Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Đầm Hà khẳng định.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()