Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:31 (GMT +7)
Góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Huy động trí tuệ toàn dân
Thứ 4, 01/03/2023 | 10:12:09 [GMT +7] A A
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Việc lấy ý kiến vào dự thảo luật quan trọng này được các địa phương, sở, ngành chức năng triển khai nghiêm túc đảm bảo chất lượng, khoa học, đồng bộ, khả thi; phản ánh ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Để đảm bảo thực hiện đúng mục đích, yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tỉnh Quảng Ninh đã triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật để đạt kết quả cao nhất. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND (ngày 10/2/2023) tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hình thức lấy ý kiến đa dạng, bằng cách góp ý trực tiếp thông qua website: luatdatdai.monre.gov.vn; góp ý trực tiếp bằng bản giấy, thư điện tử gửi về Sở TN&MT (trụ sở tầng 7, Liên cơ quan số 2, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) hoặc hộp thư điện tử: [email protected]; qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Để việc lấy ý kiến đóng góp được thuận lợi, các cơ quan chức năng, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã đăng tải toàn văn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên các hạ tầng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp cận, nghiên cứu và đóng góp ý kiến qua các hình thức.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, việc quản lý đất đai và chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung lấy ý kiến với 9 nội dung trọng tâm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất.
Theo ông Đàm Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở TN&MT, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là bộ khung điều chỉnh với đối tượng rộng, đến mọi tầng lớp của xã hội. Dự thảo luật được dư luận, nhất là các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm. Do vậy, cần thiết phải lấy ý kiến của tất cả các nhóm đối tượng bị tác động bởi Luật Đất đai, trong đó chú trọng đến các tầng lớp nhân dân và cần tiến hành dân chủ, công khai, khoa học, tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác các ý kiến để tham mưu cho cấp có thẩm quyền hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trên cơ sở báo cáo của các sở, ngành, địa phương, Sở TN&MT sẽ tổng hợp đầy đủ, chính xác toàn bộ ý kiến từ các cơ quan, đơn vị được giao đầu mối thực hiện để xây dựng dự thảo báo cáo tổng hợp kết quả đóng góp ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sớm báo cáo UBND tỉnh gửi về Bộ TN&MT đảm bảo thời gian, chất lượng.
Qua việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm nhiều nhất những nội dung tác động trực tiếp, như: Các trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng; trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS...
Ông Nguyễn Văn Hùng (khu 1B, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) đề xuất: Tôi thấy Luật Đất đai mới cần phải có tiêu chí khoa học khi xây dựng bảng giá đất để đền bù cho dân có đất bị thu hồi. Theo đó, giá đền bù phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân, tránh tình trạng đền bù không thỏa đáng dẫn đến khiếu kiện. Đơn cử, khi giá đất có biến động 20% trở lên thì cần tính toán nhằm tạo sự công bằng cho người dân. Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp thời gian công bố thu hồi đến lúc thu hồi đất để triển khai dự án quá lâu. Nhưng giá đền bù lại chỉ áp ở mức cách đây nhiều năm trước thời điểm thông báo thu hồi, chứ không áp dụng bảng giá đất tại thời điểm thu hồi. Trong khi đó, giá đất thị trường đã tăng gấp nhiều lần...
Luật Đất đai là một dự án luật quan trọng, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai; có tác động đến hầu hết các lĩnh vực KT-XH, đến toàn bộ người dân. Theo kế hoạch, thời gian lấy ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ kết thúc ngày 15/3/2023. Do vậy, tham gia góp ý cho dự thảo luật thời gian này cần được tập trung cao độ, từ việc tổ chức các hình thức góp ý, chất lượng ý kiến hay việc lắng nghe, tiếp thu, tất cả đều yêu cầu phải được thực hiện một cách nghiêm túc và thực chất.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()