Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 09:29 (GMT +7)
Huy động tối đa lực lượng để giảm thiểu thiệt hại do áp thấp nhiệt đới, mưa lũ
Thứ 4, 07/07/2021 | 21:35:05 [GMT +7] A A
Chiều 7/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lớn.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Chúng ta đã sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới, kể cả tình huống mạnh lên thành bão - Ảnh VGP/Đức Tuân |
Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm chỉ đạo ứng phó có hiệu quả với các loại hình thiên tai có thể xảy ra.
Khó có khả năng mạnh lên thành bão
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) được đánh giá rủi ro thiên tai cấp độ 3. Rạng sáng mai, ATNĐ sẽ đổ bộ vào bờ, từ Ninh Bình-Thái Bình. Dự báo từ chiều 7/7 đến ngày mai 8/7, lượng mưa rất lớn, từ 100-250 mm, có nơi 300 mm. Hiện tại toàn bộ tàu cá ở khu vực nguy hiểm (54.386 tàu với 250.000 người) đã được thông báo về ATNĐ. Ba đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đã đến các địa phương để kiểm tra công tác phòng chống thiên tai. Hiện nay, các hồ chứa chủ yếu đang ở mức thấp. Bắc Bộ có 2.543 hồ thủy lợi mới đạt 65% dung tích thiết kế.
Ông Trần Quang Hoài đề nghị, ngay trong tối nay phải sơ tán dân trên các lồng bè thủy hải sản đến nơi trú tránh an toàn. Bày tỏ khu vực miền núi cần quan tâm đặc biệt vì có mưa lớn, ông Trần Quang Hoài cho rằng, các lực lượng xung kích cơ sở phải đến tất cả thôn bản, các khu vực có nguy cơ để hướng dẫn nhân dân phòng chống.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, chiều nay, ATNĐ đi vào vịnh Bắc Bộ với sức gió cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao từ 2,5-3,5 m. Khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp là Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Từ chiều nay đến hết ngày 8/7, ở Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt.
Theo dự báo của các cơ quan, trung tâm quốc tế thì ATNĐ ít khả năng mạnh lên thành bão.
ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến việc cất hạ cánh ở các sân bay Vân Đồn, Kiến An, Nội Bài, Vinh và mưa lớn ảnh hưởng tới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Tại Hà Nội, từ chiều nay đã bắt đầu có mưa lớn, đề phòng mưa to gây ngập úng, gió giật mạnh làm đổ cây xanh. Cần lưu ý mưa lớn dẫn tới nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất cao ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, ông Mai Văn Khiêm cho biết.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nghe lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia báo cáo diễn biến ATNĐ - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo, các tỉnh Thái Bình, Nam Định cấm biển từ 12h ngày 7/7; các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa cấm biển từ 13h ngày 7/7; TP. Hải Phòng cấm biển từ 15h ngày 07/7; tỉnh Ninh Bình dự kiến cấm biển từ 18h ngày 7/7; 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đang theo dõi để xem xét việc cấm biển.
Bộ Quốc phòng đã có công điện chỉ đạo và duy trì 264.272 chiến sĩ, 1.979 phương tiện ứng trực sẵn sàng công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đã sẵn sàng ứng phó
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh yêu cầu phải huy động tối đa các lực lượng để chủ động phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do ATNĐ, mưa lũ gây ra.
Mùa mưa bão năm nay được dự báo sẽ diễn biến rất phức tạp, khó lường, do đó cuộc họp này như một cuộc “tổng duyệt lại, kiểm tra xem các lực lượng đã chuẩn bị đến đâu”.
Từ các dự báo về diễn biến, báo cáo về công tác chuẩn bị ứng phó của các lực lượng trên biển, trên đất liền và ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó cho đợt ATNĐ này là khá bài bản, chủ động. “Có thể khẳng định, chúng ta đã sẵn sàng ứng phó với ATNĐ, kể cả tình huống mạnh lên thành bão”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.
Nhấn mạnh tinh thần “phòng là chủ yếu”, Phó Thủ tướng lưu ý, cần đặc biệt quan tâm, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai. Dự báo không chính xác thì gây tai họa lớn. Phải ưu tiên đầu tư trang thiết bị cho công tác dự báo và cả cứu hộ, cứu nạn; tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế trong công tác này. Phải bảo đảm trang thiết bị để các đoàn đi cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm an toàn.
Trên cơ sở dự báo, cụ thể hóa thành các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo, các địa phương... tùy cấp độ chủ động ban hành hoặc tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, bảo đảm kịp thời, chính xác để các bộ, ngành, địa phương thuận tiện trong triển khai nhiệm vụ. Công tác chỉ đạo ứng phó thiên tai phải thật sớm, thật nhanh, nếu chậm một nhịp, thì các địa phương, cơ sở sẽ không vào cuộc kịp thời.
Đại diện Bộ đội Biên phòng báo cáo, 264.272 chiến sĩ, 1.979 phương tiện ứng trực sẵn sàng công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai - Ảnh VGP/Đức Tuân |
Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở cần tăng cường công tác kiểm tra thực tế trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra để có giải pháp sát hợp tình hình, không bị động bất ngờ, đặc biệt tại các địa bàn, khu vực trọng điểm, xung yếu, chịu tác động trực tiếp của thiên tai.
Đánh giá cao các lực lượng các vào cuộc, đi kiểm tra công tác chuẩn bị, Phó Thủ tướng lưu ý, tập trung thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần) của địa phương. Trong đó, cần kiểm tra một cách cụ thể, kỹ lưỡng, bảo đảm sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Các bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai cần chủ động căn cứ tình hình để chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch tổng thể và cụ thể theo từng loại hình diễn biến thời tiết để ứng phó, trong đó lưu ý chuẩn bị vật tư, điều tiết hồ chứa, bảo vệ các cơ sở sản xuất, bảo đảm cung ứng lương thực thực phẩm… Đặc biệt trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, công tác phòng chống thiên tai càng thêm vất vả, Phó Thủ tướng chia sẻ và lưu ý việc đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông trong ứng phó với thiên tai. Trong đó, tiếp tục đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong truyền tin, cảnh báo đến người dân, đặc biệt là người dân trên các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, tại các khu vực chịu tác động trực tiếp của thiên tai. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng chủ động phòng chống thiên tai cho nhân dân.
Sau khi thiên tai kết thúc, cần có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ, khắc phục thiệt hại, sớm ổn định tình hình.
Theo Chinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()