Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:25 (GMT +7)
Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy (4/10) Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân
Thứ 3, 04/10/2022 | 08:08:22 [GMT +7] A A
Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Pháp lệnh quy định quản lý nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định lấy ngày 4/10 hằng năm làm Ngày toàn dân PCCC, để nhắc nhở cho toàn dân biết được trách nhiệm to lớn của mình đối với công tác PCCC.
Trong những năm qua, công tác PCCC&CNCH trên địa bàn Quảng Ninh đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hết sức quan tâm, chỉ đạo sát sao; đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể cùng phối hợp với lực lượng công an để làm tốt công tác PCCC&CNCH.
Tình hình cháy nổ được kiềm chế
Với tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 60% (đứng thứ 3 toàn quốc), Quảng Ninh thu hút nhiều dự án FDI và đang hình thành nhiều khu đô thị mới, công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng; nhiều ngành, lĩnh vực trọng điểm có yêu cầu cao về PCCC như cảng hàng không quốc tế, cảng tàu khách quốc tế, kho - cảng xăng dầu, hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, khai thác than hầm lò, tàu vận chuyển khách du lịch tham quan, lưu trú ngủ đêm trên biển, cơ sở sản xuất trong KCN ngày càng có quy mô lớn. Do đó, Quảng Ninh là một trong những tỉnh trọng điểm về công tác PCCC&CNCH trên cả nước.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), toàn tỉnh hiện có 16.353 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC (tăng 7.160 cơ sở so với năm 2021) với 1.299 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ. Trong đó, có 3.489 cơ sở do cơ quan công quản lý; 12.864 cơ sở do UBND cấp xã quản lý. Điều này cho thấy, nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn, nếu không có các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu đảm bảo an toàn.
Tính từ ngày 1/9/2021 đến 31/8/2022, toàn tỉnh xảy ra 41 vụ cháy (thuộc diện phải thống kê). Trong số đó có 2 vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 13 tỷ đồng (bằng 64,4% so với thiệt hại của tất cả các vụ cháy). Ngoài ra, trên địa bàn còn xảy ra 1 vụ nổ, gây thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng, nguyên nhân do rò rỉ khí gas.
Tuy nhiên, so với tốc độ phát triển của tỉnh và so với nhiều địa phương khác trong cả nước, nhiều năm nay, Quảng Ninh được đánh giá là địa bàn an toàn, ổn định, khi số vụ cháy được kiềm chế, đặc biệt, không xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Hơn nữa, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức và kỹ năng của người dân về công tác PCCC và thoát nạn, thoát hiểm cũng được đánh giá khá tốt.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Công an và thực tế đặc điểm tình hình địa phương, UBND tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết; đồng thời ban hành 22 văn bản về công tác PCCC&CNCH. Cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố ban hành 330 văn bản; cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn ban hành 554 văn bản chỉ đạo về công tác PCCC&CNCH. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND ngày 18/2/2022 quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Quảng Ninh.
Để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, công tác tuyên truyền PCCC&CNCH được thực hiện có hiệu quả. 100% hộ gia đình và các phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh đã được phát tờ rơi tuyên truyền về PCCC. Từ ngày 1/9/2021 đến 31/8/2022, gần 100.000 lượt người đã được tham gia hơn 1.000 buổi tuyên truyền, huấn luyện, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC&CNCH do lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tổ chức.
Ông La Văn Cao, Tổ trưởng tổ 16, khu 2, phường Hồng Gai, TP Hạ Long, cho biết: Chúng tôi được huấn luyện thường xuyên, đặc biệt, có cơ hội được tham gia thực tập phương án chữa cháy và CNCH tại toà khách sạn The Sapphire Hạ Long hồi tháng 7/2022, đây là phương án lớn cấp tỉnh, huy động nhiều lực lượng, với nhiều tình huống phức tạp. Vì thế đã tích luỹ cho mình được những kiến thức, kinh nghiệm để đảm bảo an toàn PCCC trong gia đình, có kỹ năng thoát nạn, đồng thời có thể giúp đỡ người khác thoát hiểm khi họ gặp nạn.
Ngoài ra, thông qua mạng xã hội như fanpage "DDCI PCCC Quảng Ninh" trên facebook và các nhóm zalo, ứng dụng "Báo cháy 114", những kiến thức pháp luật về PCCC&CNCH do lực lượng cảnh sát PCCC đã tuyên truyền, phổ biến đã tiếp cận được nhiều hơn đến người dân, đặc biệt là những người trẻ, theo phương thức hoàn toàn mới. Tính đến hết tháng 8/2022, toàn tỉnh đã có 20.223 thuê bao di động cài đặt ứng dụng “Báo cháy 114” trên điện thoại thông minh.
Việc xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC được hết sức chú trọng và đạt được hiệu quả tích cực. Công an tỉnh đã hướng dẫn các cơ sở thành lập lực lượng chữa cháy tại cơ sở nhằm phát huy hiệu quả "4 tại chỗ" trong PCCC. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.452 đội dân phòng với 14.932 đội viên, bảo đảm 100% thôn, bản, khu phố có lực lượng dân phòng; có 64 đội PCCC chuyên ngành với 1.313 đội viên; 10.098 đội PCCC cơ sở với 40.526 đội viên. Đến nay, 100% đội viên các đội đã được huấn luyện nghiệp vụ PCCC.
Bên cạnh đó, các mô hình tự quản, mô hình liên gia, liên cơ quan, liên khu vực trong phong trào Toàn dân tham gia PCCC được xây dựng, triển khai và nhân rộng. Toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 38 mô hình như thế trên tất cả các lĩnh vực, từ cộng đồng dân cư, đến trường học, chợ, KCN, tàu du lịch...
"Từ khi các mô hình này ra đời, người đứng đầu các cơ sở, Chủ tịch UBND cấp xã đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm hơn trong công tác PCCC; từng cá nhân sinh sống trong khu dân cư, người lao động ở các cơ sở, học sinh, sinh viên trong các trường học đã có thêm những hiểu biết, kỹ năng cơ bản về PCCC&CNCH, chủ động và có thể xử lý được các đám cháy nhỏ ngay từ khi mới phát sinh. Công tác PCCC tại các cơ sở và địa bàn dân cư qua đó từng bước được nâng cao" - Trung tá Ngô Hải Nam, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) khẳng định.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()