Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:41 (GMT +7)
Huy động nguồn vốn cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Thứ 2, 15/07/2024 | 18:20:00 [GMT +7] A A
Những năm qua, nhận thức của các cấp chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội đã có sự chuyển biến. Qua đó, xác định rõ hơn việc ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là sự sống còn của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng có sự gắn kết với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, có sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã trở thành một nội dung của quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, địa phương, đơn vị. Hoạt động khoa học và công nghệ được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với thực tiễn hơn. Chính vì thế, việc huy động nguồn lực cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được tỉnh quan tâm với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.
Trong chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh năm 2023, Quảng Ninh đã bố trí chi sự nghiệp khoa học công nghệ là 284,289/7.791,733 tỷ đồng, đạt 3,6% tổng chỉ thường xuyên ngân sách tỉnh. Con số này đã đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ theo đúng Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 28/02/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến năm 2024, chi đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là 126,754 /7.089,644 tỷ đồng, bằng 1,78% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh.
Ở cấp huyện, một số địa phương đã chủ động bố trí kinh phí cho hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như: Cô Tô, Cẩm Phả, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long với tổng kinh phí gần 11,057 tỷ đồng. Tuy nhiên, 3/13 huyện, thị xã, thành phố còn lại chưa chủ động trong việc bố trí kinh phí theo sự chỉ đạo của tỉnh.
Bên cạnh đó, từ 2023 đến nay, Quảng Ninh cũng huy động nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 5,3 tỷ đồng để tiếp tục triển khai 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, 5 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài nguồn vốn chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh, Quảng Ninh cũng huy động các nguồn lực khác đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điển hình là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) xây dựng Đề án chuyển đổi số của TKV giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí thực hiện là 1.206,08 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ là 544,08 tỷ đồng, các công ty con là 662 tỷ đồng. Trong 2023, các KCN, KKT của tỉnh đã thu hút được 13.417 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,7 tỷ USD) vốn đầu tư ngoài ngân sách vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (trong đó nguồn vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.100,3 triệu USD), gấp 2,26 lần mục tiêu thu hút đầu tư của toàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Trong quý I năm 2024, các KCN, KKT của tỉnh đã thu hút được 9 dự án đầu tư mới (100% là dự án vốn đầu tư nước ngoài) và phê duyệt điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 2 lượt dự án (100% là dự án vốn đầu tư nước ngoài) thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trường Đại học Hạ Long đã chủ động đầu tư 1,739 tỷ đồng cho hoạt động khoa học và công nghệ từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.
Cùng với đó, các doanh nghiệp viễn thông đang đầu tư phát triển hạ tầng băng thông rộng, chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh; rà soát, cải tạo, nâng cấp và phát triển hạ tầng băng thông rộng hiện đại thay thế dần các trạm 2G, 3G đảm bảo an toàn, tốc độ cao, dung lượng lớn; triển khai xây dựng trạm BTS đối với các vị trí trạm đã được Sở Thông tin và Truyền thông phê duyệt nhằm phát triển hạ tầng viễn thông băng thông rộng, nâng cao diện tích phủ sóng di động, cáp quang trên địa bàn tỉnh bảo đảm hạ tầng.
Ngoài ra, nguồn vốn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh năm 2023 là 45,887 tỷ đồng nhưng không có hồ sơ dự án trình Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh xem xét nguồn vốn hỗ trợ hoặc vay vốn. Một số doanh nghiệp tiếp tục trích lợi nhuận sau thuế để thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của đơn vị với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng, trong đó riêng TKV là trên 900 tỷ đồng (chiếm trên 90%) cho hoạt động nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại các đơn vị.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được khẳng định là một nội dung đột phá chiến lược để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số đã trở thành một trong những xu hướng phát triển chủ yếu của thế giới. Đối với các doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ là chìa khóa giúp phục hồi sản xuất bền vững, tăng sức cạnh tranh. Do đó, Quảng Ninh sẽ tiếp tục huy động các nguồn vốn hợp pháp để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là vận động các doanh nghiệp tăng cường đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KH&CN.
Hà Chi
Liên kết website
Ý kiến ()