Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 22/01/2025 08:48 (GMT +7)
Thúc đẩy hoạt động KHCN trên mọi lĩnh vực
Thứ 4, 22/01/2025 | 08:40:08 [GMT +7] A A
Những năm qua Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh huy động các nguồn lực, tập trung cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao KHCN, tạo đà thúc đẩy các hoạt động KHCN trên mọi lĩnh vực.
Cùng với nhiều quyết sách đúng đắn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 13-NQ/TU (ngày 28/4/2023) về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; trong đó chú trọng đến việc huy động nguồn lực, tập trung cho ứng dụng, chuyển giao KHCN với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.
Theo đó, tỉnh đã huy động 5,3 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho việc triển khai 1 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, 5 nhiệm vụ KHCN thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng DTTS (theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ). Đối với ngân sách tỉnh, tổng chi thường xuyên năm 2023 và 2024 cho hoạt động KHCN là trên 411 tỷ đồng, bảo đảm tỷ lệ chi NSNN cho hoạt động KHCN. Ngoài ra, một số địa phương đã chủ động bố trí kinh phí cho hoạt động ứng dụng KHCN như Cẩm Phả, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng.
Ngoài những nguồn vốn này, việc huy động tốt nguồn lực, các đề án, chương trình ứng dụng KHCN trên địa bàn được tỉnh triển khai hiệu quả. Đơn cử như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã xây dựng Đề án chuyển đổi số giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tổng kinh phí thực hiện đề án trên 1.206 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ chi 544,08 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều đơn vị đã trích lợi nhuận sau thuế để thành lập Quỹ phát triển KHCN gần 1.000 tỷ đồng.
Ông Phan Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: TKV đã hoàn thành quy hoạch hạ tầng công nghệ thông tin toàn Tập đoàn; kết nối hệ thống mạng diện rộng của cơ quan Tập đoàn với các mạng diện rộng của các đơn vị thành viên. Toàn bộ các đơn vị trong TKV trang bị hạ tầng mạng, máy chủ phù hợp với ứng dụng trong điều hành sản xuất. Một số đơn vị xây dựng phòng máy với quy mô gần sát với trung tâm dữ liệu và có tổ chức dữ liệu khác nhằm dự phòng thảm họa. Công tác truyền dẫn, các tín hiệu cần chất lượng cao đa số đã được quang hóa phục vụ kết nối trên 1Gbps thậm chí 10 Gbps, còn lại kết nối đạt tối thiểu 100Mbps... Đặc biệt, TKV đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, người máy, thu thập phân tích dữ liệu lớn (big data) để nâng cao năng suất, hỗ trợ ra quyết định và trải nghiệm khách hàng.
Theo Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Mạnh Cường, Quảng Ninh đã tăng cường hoạt động quản lý, khai thác, phát triển 71 nhãn hiệu sản phẩm gắn địa danh của tỉnh và đã được bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN). Tỉnh cũng đề xuất bảo hộ tại châu Âu theo Hiệp định EVFTA cho 4 chỉ dẫn địa lý (mai vàng Yên Tử, ngán Quảng Ninh, chả mực Hạ Long, sá sùng Vân Đồn); hỗ trợ đăng ký bảo hộ quốc tế cho 2 sản phẩm: Bột mì Cái Lân và Gốm, gạch ngói Đất Việt.
Ngoài ra, tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ khai thác, phát triển 10 sáng chế, 9 giải pháp hữu ích; đôn đốc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho nhiều sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu sản phẩm gắn với địa danh của Quảng Ninh; triển khai hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp theo Nghị quyết số 313/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh.
Tiếp tục thúc đẩy hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh, đồng thời triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trên cơ sở xác định lĩnh vực then chốt, nội dung trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()