Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:41 (GMT +7)
Huy động nguồn lực phát triển dịch vụ
Thứ 3, 13/07/2021 | 08:04:26 [GMT +7] A A
Những năm qua, Quảng Ninh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực phát triển dịch vụ trên địa bàn. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, các ngành, địa phương trong tỉnh đã cụ thể hóa, triển khai nhiều giải pháp, trong đó có huy động nguồn lực để phát triển dịch vụ.
Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ để khuyến khích, động viên, nâng cao chất lượng dịch vụ ở tất cả các ngành, qua đó phát huy, nâng cao chất lượng cung ứng nhiều loại dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Riêng nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh giai đoạn 2016-2020 lên tới 46.888 triệu đồng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông, hạ tầng thương mại, cảng biển. Các dịch vụ phục vụ giáo dục, nông nghiệp, đào tạo nghề, khoa học công nghệ tiếp tục được đầu tư. Từ năm 2016 đến nay, Quảng Ninh đưa mạng lưới điện ra tất cả các xã đảo, trở thành tỉnh đi đầu cả nước về đưa điện lưới quốc gia đến tất cả các thôn, khu, khe, bản (quy mô dưới 20 hộ trên đất liền), các huyện đảo, xã đảo.
Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại và cảng biển. Bên cạnh vốn ngân sách, tỉnh huy động các phương thức đầu tư công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Tổng số vốn đầu tư cho các công trình giao thông trọng điểm giai đoạn 2016-2020 lên đến 58.000 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa là 36.000 tỷ đồng.
Qua đó, tỉnh đã nâng cấp, cải tạo, làm mới nhiều tuyến đường trọng yếu trên địa bàn; đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn, miền núi; điển hình là cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng và nút giao thông cuối tuyến, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, phát triển Cảng Hòn Gai thành cảng khách quốc tế... Điều này góp phần liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thúc đẩy tăng cường kết nối giao thương với ASEAN và quốc tế.
Quảng Ninh cũng huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng kho, bãi, dịch vụ hầu cần cảng phục vụ trực tiếp hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại khu vực Cảng Cái Lân (TP Hạ Long), khu vực Cảng cạn ICD Thành Đạt (TP Móng Cái), Trung tâm Logistics thuộc Khu Kinh tế Cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn (huyện Bình Liêu). Hệ thống kho bãi, bến bốc xếp hàng hóa phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất, thực phẩm đông lạnh trên địa bàn chủ yếu do doanh nghiệp đầu tư. Các địa phương cũng dành quỹ đất để đầu tư dự án kho, bãi lớn gắn với cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, trọng điểm về xuất nhập khẩu, qua đó góp phần khai thác lợi thế biên mậu, đẩy mạnh hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ...
Tỉnh thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, như Công viên Đại Dương - Hạ Long; Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh (TP Cẩm Phả); Khu khách sạn nghỉ dưỡng biển cao cấp 5 sao tại đảo Rều (TP Hạ Long); Khu quần thể nghỉ dưỡng, sân gofl FLC Hạ Long; Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử (TP Uông Bí), một số trung tâm thương mại, siêu thị... Điều này đã góp phần thay đổi diện mạo, văn minh đô thị và văn hóa tiêu dùng của người dân. Tỉnh đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu di tích đặc biệt quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.
Trong tổng số 48 dự án trọng điểm về dịch vụ đầu tư giai đoạn 2016-2020 theo kế hoạch của UBND tỉnh năm 2016, đến nay có 23 dự án hoàn thành, 10 dự án đang triển khai với tổng số vốn hơn 239 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn thu hút 63 dự án đầu tư ngoài ngân sách vào lĩnh vực dịch vụ, tổng mức đầu tư 25.830 tỷ đồng.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()