Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:39 (GMT +7)
Huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển
Thứ 5, 09/03/2023 | 10:22:21 [GMT +7] A A
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ…, được Quảng Ninh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhiệm kỳ 2020-2025 và lâu dài. Tiếp nối những thành công về phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, tỉnh tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác cho phát triển hạ tầng.
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã triển khai 46 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng số vốn 58.800 tỷ đồng; trong đó vốn nhà nước chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Theo tính toán, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Nhờ đó trong hơn 10 năm qua tỉnh đã kiến tạo được hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ, tương đối đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể.
Nổi bật là hoàn thành, đưa vào khai thác đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Tình Yêu; đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; hệ thống các công trình đường giao thông kết nối 104 thôn, bản thuộc huyện Bình Liêu; cụm công trình Trung tâm hành chính tỉnh, Trường Đại học Hạ Long giai đoạn I, Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng, Trường THPT Hòn Gai… Quảng Ninh hiện là địa phương có số km đường cao tốc nhiều nhất nước (176/1.046km), tạo bước đột phá mới về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế. Qua đó đã mở ra cơ hội và không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực rất to lớn gắn định hình rõ nét các hành lang kinh tế và hành lang đô thị trọng điểm của tỉnh phát triển theo mô hình “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”…
Để có được kết quả này, từ năm 2013, trong khi khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) chưa đầy đủ và đồng bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã mạnh dạn nghiên cứu, ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, chỉ đạo các cấp ủy lãnh đạo thí điểm áp dụng hình thức đầu tư PPP với các mô hình “đầu tư công - quản lý tư”, “đầu tư tư - sử dụng công”. Từ đầu năm 2014, trong quá trình thu hút đầu tư xây dựng cơ sở, hạ tầng phục vụ phát triển, tỉnh đã chủ trương thí điểm ở một số dự án. Ngay từ những công trình ban đầu, hình thức đầu tư này đã cho thấy những tác động tích cực trong việc nâng cao năng lực quản lý, tăng nguồn thu và giảm thiểu rất nhiều chi phí từ ngân sách…
Tiếp nối những thành quả đạt được, giai đoạn 2021-2025 Quảng Ninh xác định tiếp tục kiên định mục tiêu “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” với nguồn vốn ngân sách tỉnh dự kiến trên 21.600 tỷ đồng (Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 18/6/2021 của HĐND tỉnh khóa XIV). Nguồn vốn này sẽ được phân bổ đầu tư cho những dự án động lực, trọng điểm có tính chất kích thích, khơi thông nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. Tỉnh đang tiếp tục bố trí sử dụng vốn ngân sách nhà nước để kích thích, khơi thông, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác tập trung đầu tư cải thiện hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Bên cạnh các công trình Đại hội Đảng bộ tỉnh quyết nghị, Quảng Ninh ưu tiên nguồn lực thực hiện các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, chế biến chế tạo, kinh tế số, xã hội số và chính quyền số và môi trường. Đặc biệt 3 năm gần đây, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn là điểm thu hút đầu tư của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước nhờ thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp về thủ tục cấp phép đầu tư, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với sự tích cực vào cuộc, trong 3 năm qua, thu hút vốn ngoài ngân sách của tỉnh đạt 475.275 tỷ đồng (thu hút FDI 2,15 tỷ USD), tăng bình quân 54%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 266.938 tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm… Năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ 3/10 địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất nước; các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 20 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 2,186 tỷ USD (tương đương trên 51.777 tỷ VND). Đặc biệt, việc khởi công, khởi động nhiều dự án mới, nổi bật là 4 dự án (tổng vốn đầu tư 280.000 tỷ đồng): Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại TX Quảng Yên và TP Hạ Long; Sân golf 27 lỗ tại TX Đông Triều; Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh tại TP Cẩm Phả; Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh tại TP Móng Cái trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã tiếp tục minh chứng cho hướng đi đúng đắn của Quảng Ninh trong thực hiện xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực ngoài ngân sách để hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Quảng Ninh thu hút được nguồn lực lớn đầu tư cùng lúc trong giai đoạn này khẳng định niềm tin, sự kỳ vọng của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Ninh, là động lực quan trọng sự phát triển của tỉnh giai đoạn tới.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()