Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:26 (GMT +7)
Hữu cơ hóa nền nông nghiệp để định vị thương hiệu nông sản Việt
Thứ 3, 07/06/2022 | 22:57:28 [GMT +7] A A
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần tăng cường hợp tác công tư trong sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hướng đến nền nông nghiệp xanh và nâng cao giá trị nông sản.
Chiều 7/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhiều đại biểu quan tâm tới vấn đề giá và chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã trả lời, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Chất vấn trưởng ngành nông nghiệp, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đặt câu hỏi: "Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các loại vật tư nông nghiệp đầu vào vẫn tiếp tục tăng trong những năm qua, làm cho người nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lấy công làm lãi, thậm chí là thua lỗ. Đặc biệt, từ khi dịch COVID-19 đến nay, giá cả các loại hàng hóa càng tăng phi mã. Ngoài các giải pháp về kiểm soát giá mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra, Bộ trưởng có giải pháp như thế nào trong thời gian tới để hỗ trợ, giúp người nông dân thích ứng và ứng phó với tình hình này, để người nông dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế?"
Cùng mối quan tâm, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan về tình trạng giá phân bón cao, nông sản lại không tiêu thụ được.
Đại biểu nêu ví dụ thanh long có thời điểm xuống rất thấp, không tiêu thụ được, nông dân sản xuất không có lãi, phải phá bỏ thanh long chuyển sang cây trồng khác, đồng thời đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp cho vấn đề này.
Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cũng đặt câu hỏi: "Thời gian qua người nông dân phải khổ sở gánh chịu nạn phân bón giả, kém chất lượng, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Nông dân đã nghèo lại đeo cái khổ. Bộ trưởng có biết thực trạng này không? Giải pháp nào để ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, tràn lan trên thị trường hiện nay?"
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để giải quyết vấn đề về giá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã có rất nhiều phiên họp với các hiệp hội ngành hàng như phân bón, thuốc và hóa chất bảo vệ thực vật... và các doanh nghiệp liên quan về việc hỗ trợ người nông dân, từ đó đã có sự can thiệp nhất định.
Đối với những phản ánh về tình trạng dìm giá hoặc tích trữ, hàng gian, hàng giả, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo ngành quản lý thị trường xử lý, phối hợp cơ quan liên quan điều tra, khởi tố.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng giải pháp căn cơ cho vấn đề này cần được giải quyết từ việc người nông dân phần nào tự chủ, tuần hoàn được các chế phẩm nông nghiệp để thay thế một phần thức ăn, cũng như chế phẩm sinh học như phân bón, thuốc, thức ăn.
"Tôi nghĩ đây là một chỉ dấu, không chỉ là cách để đối phó trong một tình huống mà về lâu dài nó cũng là một giải pháp để hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp của chúng ta, trong lĩnh vực trồng trọt cũng như chăn nuôi, để tạo ra được thương hiệu nông sản Việt Nam," Bộ trưởng nói.
Một giải pháp khác được Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập là việc tham gia vào kinh tế tập thể, trở thành thành viên hợp tác xã của các hộ nông dân để có giá chiết khấu khi mua vật tư đầu vào với khối lượng, số lượng lớn, từ đó góp phần hạn chế rủi ro khi đối mặt với "bão" giá từ thị trường.
Về vấn đề sử dụng phân bón tiết kiệm và hiệu quả, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, Bộ trưởng cho biết vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ nguyên tắc "bốn đúng," gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang cao.
Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng nêu rõ trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.
Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường hợp tác công tư trong sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm; đẩy mạnh tổ chức lại các ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp.
Trả lời đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) về vấn đề định vị thương hiệu nông sản Việt Nam, điểm nhấn khác biệt giữa nông sản Việt Nam và nông sản của các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu nông sản khác, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Chúng ta cần phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu. Nhãn hiệu có thể xây dựng 1-2 năm, đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ là có được một nhãn hiệu. Nhưng thương hiệu bao gồm nhãn hiệu và niềm tin của người tiêu dùng. Niềm tin đó mới là cái khó. Muốn xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ hệ sinh thái của cả một ngành hàng, từ thương hiệu của doanh nghiệp, của hợp tác xã, người nông dân. Nhiều khi mất 5-10 năm mới hình thành, tạo dựng được cảm xúc của người tiêu dùng, ấn tượng của người tiêu dùng đối với một loại nông sản nào đó."
Theo Bộ trưởng, giải pháp cho vấn đề này là thay đổi tư duy áp đặt trong việc xây dựng thương hiệu cho từng loại nông sản, bắt đầu từ hệ sinh thái ngành hàng./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()