Tất cả chuyên mục

Những ngày này, ở khắp các địa phương trong tỉnh đâu đâu cũng dấy lên không khí thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Có mặt ở một số bản vùng sâu, vùng cao, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cảm nhận được sự cố gắng, nỗ lực của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân nhằm đạt những kết quả cao nhất chào mừng ngày trọng đại của tỉnh, của đất nước.
Nỗ lực ở một thôn vùng cao
Tháng 8, trên những cánh đồng ở thôn Đồng Thắng (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu), bà con đang vào vụ cấy. Những thửa ruộng phủ một màu xanh non của mạ mới. Chỉ cánh đồng lúa trước mặt, ông Vi Văn An, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Thắng, cho biết: “Vụ chiêm vừa qua, năng suất lúa của thôn đạt 42,1 tạ/ha, đạt kế hoạch đề ra. Giữa tháng 8, thôn hoàn thành gieo cấy vụ mùa. Cấy xong, bà con tập trung vào chăn nuôi, chăm sóc rừng, thu hoạch hồi. Mùa nào việc ấy, việc nọ cứ nối tiếp việc kia, không khí thi đua lao động, sản xuất luôn có ở từng hộ, từng người trong thôn”.
![]() |
Biểu diễn văn nghệ chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ huyện Cô Tô lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: Thu Hằng (Đài Cô Tô) |
Thôn Đồng Thắng có 104 hộ, đa phần là người Tày, người Dao. Chi bộ thôn có 21 đảng viên, nhiều hơn so với các chi bộ khác trong xã. Đây cũng là điều kiện tốt để việc triển khai thực hiện các nghị quyết được nhanh chóng, thuận lợi hơn. Ông Vi Văn An cho biết thêm: Ngay sau khi Đảng bộ huyện tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng uỷ xã đã chỉ đạo các chi bộ thực hiện tuyên truyền nghị quyết lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi bộ. Cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thôn đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống ngay từ những ngày đầu tiên. Các đảng viên trong thôn tích cực vận động, hướng dẫn người dân cụ thể hoá các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây, con có năng suất cao vào sản xuất, chăn nuôi.
Không rực rỡ cờ hoa, thi đua hướng về Đại hội Đảng các cấp đối với người dân ở thôn vùng cao chỉ đơn giản là chủ động hơn, hăng hái hơn trong trồng trọt, chăn nuôi. Ở thôn Đồng Thắng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn tham gia các dự án trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ chủ động vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, các hộ còn tích cực tham gia các hoạt động văn hoá xã hội, làm đường, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. Thói quen ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước nay không còn tồn tại, thay vào đó là sự chủ động nỗ lực, tích cực sản xuất, chăn nuôi, vươn lên xoá nghèo bền vững từ đồng đất quê hương.
Rộn ràng huyện đảo
Có mặt ở huyện đảo Cô Tô trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận rất rõ không khí rộn ràng hơn, nhộn nhịp hơn... Cờ hoa rực rỡ, băng-rôn, khẩu hiệu, pa-nô treo dọc các tuyến phố.
Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Bá Nam cho biết: Để góp phần vào thành công của Đại hội Đảng các cấp, huyện đã phát động phong trào thi đua; cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc trên huyện đảo những ngày qua đang sôi nổi hưởng ứng bằng nhiều việc làm thiết thực. Đó là tập trung hoàn thành các tiêu chí còn lại để huyện đề nghị cấp trên công nhận Cô Tô hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Huyện đã tổ chức gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp cho công trình trụ sở liên cơ quan của huyện (tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng) và công trình trường học trên đảo Trần (13 tỷ đồng). Bên cạnh các hoạt động bề nổi của Đoàn Thanh niên như liên hoan các ca khúc cách mạng, chương trình ca múa chào mừng Đại hội..., các đoàn thể cũng đẩy mạnh các hoạt động thi đua. MTTQ tập trung vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, Hội Nông dân là phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Phụ nữ là phong trào “5 không, 3 sạch”...
Người dân Cô Tô hưởng ứng phong trào thi đua bằng những hành động ý nghĩa, thiết thực. Chào mừng sự kiện trọng đại của huyện, tỉnh và đất nước, các hộ gia đình đều treo cờ Tổ quốc. Trần Thị Thu Hằng (khu 1, thị trấn Cô Tô) là sinh viên năm thứ 3, những ngày nghỉ hè về quê tham gia làm hướng dẫn viên du lịch. Theo Hằng thì thi đua thiết thực nhất chính là nâng cao chất lượng các dịch vụ, thân thiện, nhiệt tình, làm hài lòng du khách. Thêm vào đó, mỗi người dân đều đóng góp xây dựng huyện đảo từ những việc làm, hành động nhỏ nhất để tạo ấn tượng đẹp về huyện đảo tiền tiêu.
Suy nghĩ của Thu Hằng có lẽ cũng là quan điểm chung của nhiều người dân huyện đảo. Chẳng thế mà trong đợt mưa lớn cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, trên 3.000 du khách mắc kẹt tại Cô Tô đã được người dân huyện đảo quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ như người nhà. Họ được giảm giá phòng nghỉ, được mời cơm miễn phí, được người dân san sẻ từ chai nước, chiếc áo mưa. Những hành động chan chứa tình người ấy của người dân Cô Tô đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách, được họ mang theo và lan truyền rộng theo kiểu “tiếng lành đồn xa”.
![]() |
Đường nội bản nối thôn Đồng Thắng đến thôn Sông Moóc A (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) đang hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. |
Bản Sen vượt khó
27 hộ dân thôn Bản Sen (xã Bản Sen, huyện Vân Đồn) bị nhấn chìm trong mưa lụt lịch sử tại Quảng Ninh là tâm điểm chú ý của người dân cả nước suốt những ngày qua. Có mặt ở Bản Sen những ngày sau mưa lụt lịch sử, nhiều người rớt nước mắt trước cảnh nhà cửa xiêu vẹo, đồ đạc chôn vùi trong bùn đất, ruộng vườn ngập tràn sỏi đá.
Ông Phạm Văn Thành, Trưởng thôn Bản Sen, cho biết: “Chỉ cách đây hơn 1 tháng, Bản Sen yên bình với những vườn cam xanh mướt... Vậy mà chỉ sau một cơn mưa dữ, chúng tôi mất hết nhà cửa, tài sản, hoa màu. Ngay sau khi nước rút, chúng tôi đã trở về dọn dẹp nhà cửa, thu xếp đồ đạc, nhanh chóng ổn định cuộc sống”. Đứng trước ngôi nhà bị mưa lụt tàn phá, chị Hoàng Thị Mến, thôn Bản Sen chia sẻ: “Sau cơn mưa lũ vừa qua, các hộ dân trong thôn bị thiệt hại nặng nề. Nước lũ nhấn chìm mọi công sức, cố gắng của chúng tôi trong suốt hàng chục năm qua. Tuy vậy, trong cơn khốn khó, chúng tôi nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, các nhà hảo tâm. Nhờ đó, chúng tôi có thêm động lực, nguồn lực để làm lại từ đầu...”.
Không chỉ Bản Sen, nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lụt lịch sử đã bắt tay ngay vào tái thiết sản xuất, ổn định cuộc sống. Những tập thể, cá nhân không bị ảnh hưởng thì tập trung hỗ trợ bằng tinh thần, vật chất, ngày công với tinh thần sẻ chia “tương thân, tương ái”. Trong khó khăn chung, mỗi người dân, mỗi khu phố, tổ dân đã nỗ lực vươn lên bằng nghị lực, nội lực. Cũng trong khó khăn, ở nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện những tấm gương thi đua vượt khó, giúp người. Những việc làm giản dị nhưng thiết thực, mang lại hiệu quả cao đã góp phần tạo không khí thi đua, lập thành tích hướng tới ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước.
Hoàng Quý
Ý kiến ()