Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:39 (GMT +7)
Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng quốc gia
Thứ 5, 31/03/2022 | 08:24:45 [GMT +7] A A
Với ý chí, khát vọng đổi mới, vươn lên, đóng góp cho hưng thịnh quốc gia, phấn đấu mục tiêu “xây dựng Quảng Ninh là cực tăng trưởng, là cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế, là nguồn cung cấp nguyên liệu và năng lượng của quốc gia", Quảng Ninh đã mạnh dạn đề xuất và huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Từ đó, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Khẳng định tiềm năng, lợi thế cạnh tranh về phát triển điện lực quốc gia
Ngày 24/10/2021, Quảng Ninh tổ chức lễ công bố quyết định chấp thuận nhà đầu tư và thực hiện khởi động dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh với kinh phí đầu tư hơn 47.400 tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD). Trước đó, tỉnh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh công suất 1.500MW (giai đoạn 1) tại phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh tại Văn bản số 1409/TTg-CN ngày 17/10/2020. Đây là nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc có công suất dự kiến 1.500MW. Dự kiến khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh điện/năm và đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm.
Ngay sau khi khởi động dự án, chính quyền tỉnh Quảng Ninh và TP Cẩm Phả đã phối hợp chặt chẽ với liên danh nhà đầu tư là Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty CP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam cùng hai nhà đầu tư Nhật Bản là Tokyo Gas và Marubeni triển khai thực hiện các bước theo kế hoạch. Theo đó, dự kiến công tác chuẩn bị đầu tư dự án hoàn thành trong quý I/2022, thời gian đầu tư Dự án từ quý II/2022 đến quý II/2027 để hoàn thành, đưa vào khai thác trong quý III/2027.
Ngày 11/2/2022, tại cuộc họp đánh giá tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhấn mạnh, Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh là dự án có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nguồn điện bổ sung cho nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng tăng của tỉnh Quảng Ninh và cho khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Với mục tiêu triển khai dự án nhanh nhất, đúng nhất, hiệu quả nhất, đồng chí cũng yêu cầu các sở, ngành và TP Cẩm Phả gấp rút hoàn thiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư; yêu cầu TP Cẩm Phả thực hiện đúng cam kết đến tháng 6/2022 hoàn thành giải phóng và bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.
Với việc đầu tư xây dựng Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, tỉnh đã khẳng định lợi thế cạnh tranh về phát triển điện lực quốc gia về điện khí LNG. Thực tế cho thấy, Quảng Ninh là đầu mối kết nối giao thông đường bộ, đường hàng không và đường thủy với hệ thống hạ tầng cảng biển nước sâu; đường ống dẫn khí, hệ thống kho khí được bao quanh bởi các dãy núi, không chịu ảnh hưởng của mưa bão, làm giảm suất đầu tư. Cùng với đó, nhờ hệ thống dãy núi tự nhiên của vịnh Bái Tử Long đã tạo thành những đê chắn sóng bảo vệ vững chắc các kho khí, tiết kiệm nhiều nghìn tỷ đồng cho mỗi dự án điện khí. Đây là điều kiện thuận lợi, khách quan để đầu tư, hình thành các trung tâm điện khí, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả đầu tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, tháng 3/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có văn bản báo cáo, đề xuất Bộ Công Thương bổ sung Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh (giai đoạn 2) vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự án có quy mô công suất 1.500MW được đầu tư xây dựng nằm cạnh vị trí Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh 1.500MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; dự án gồm 2 tổ máy công suất 750MW/tổ và có hạ tầng dùng chung với Dự án nhà máy được duyệt (Tuyến đường dây đấu nối từ trạm 500KV Quảng Ninh về nhà máy; hệ thống kho cảng; sân phân phối điện; hệ thống tái hóa khí và đề xuất đưa vào vận hành giai đoạn 2026-2027). Việc phát triển đồng bộ 2 nhà máy sẽ giảm đáng kể chi phí, thời gian đầu tư, phát huy hiệu quả dự án, đặc biệt đáp ứng nhanh một phần nhu cầu sử dụng điện của khu vực miền Bắc, nơi được dự báo có nhu cầu sử dụng điện lớn trong thời gian tới.
Được biết, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh (giai đoạn 2) công suất 1.500MW được đề xuất đưa vào vận hành giai đoạn 2031-2035.
Thực hiện mục tiêu “tăng trưởng xanh”
Thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành Trung ương có liên quan, tại Quy hoạch điện VII, Quảng Ninh được quy hoạch phát triển 11 nhà máy điện/tổng công suất là 10.880MW, trong đó có 9.380MW điện than và 1.500MW điện khí.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 nhà máy điện than đang vận hành với tổng công suất 5.640MW. Hằng năm, các nhà máy này đã phát lên hệ thống lưới điện quốc gia đạt từ 35,0--38,0 tỷ KWh điện, đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển đất nước. Cùng với đó, theo điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016, tại Quảng Ninh còn 3 nhà máy chưa đầu tư xây dựng, gồm: Nhiệt điện Đồng phát Hải Hà 2.100MW quy hoạch đưa vào vận hành các năm 2019, 2022, 2025 và 2028; Nhiệt điện Quảng Ninh III 1.200MW đưa vào vận hành giai đoạn 2029, 2030; Nhiệt điện Cẩm Phả III 440MW vận hành giai đoạn 2020.
Để thực hiện Quyết định 2068/QĐ-TTg về chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh: Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch, Quảng Ninh đã mạnh dạn huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Từ đó, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trên cơ sở công suất của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh III 1.200MW và Nhiệt điện Cẩm Phả III 400MW trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa đầu tư xây dựng, Quảng Ninh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép chuyển sang điện khí, định hướng quy hoạch tại KCN cảng biển Hải Hà; đồng thời đề nghị bổ sung quy hoạch các dự án điện khí tại khu vực có tiềm năng tại huyện Hải Hà và TX Quảng Yên trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Cùng với đó, tỉnh cũng đề nghị bổ sung quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn 2021-2040 tại địa phương là 5.000MW (gió ngoài khơi là 3.000MW, gió trên bờ 2.000MW), trong đó giai đoạn 2021-2030 là 2.500MW (gió ngoài khơi là 500MW, gió trên bờ 2.000MW).
Đề xuất này được tỉnh đưa ra nhằm khai thác những lợi thế nổi trội về nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn, nhất là về điện gió. Quảng Ninh được Viện Năng lượng khảo sát, đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển điện gió rất to lớn trên đất liền và ngoài khơi, với tổng công suất khoảng 15.397MW. Trong đó: Điện gió ngoài khơi khoảng 13.000MW dọc theo đường bờ biển. Theo đánh giá, Quảng Ninh cùng với Ninh Thuận, Bình Thuận đang là những địa phương đứng đầu cả nước về tiềm năng sản xuất điện gió ngoài khơi. Điện gió trên bờ khoảng 2.397MW, tập trung nhiều nhất tại đảo Cô Tô, vùng núi cao của TP Hạ Long, huyện Bình Liêu với khả năng lắp đặt tuabin gió công suất lớn từ 1,5-2MW tại những vị trí rất thuận lợi tiếp cận hệ thống truyền tải điện. Nếu được khai thác không chỉ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, mà còn tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.
Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư đã đến Quảng Ninh khảo sát, đề nghị được nghiên cứu đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi cũng như trên bờ. Cụ thể ngày 22/11/2021, Liên danh Tập đoàn Cường Thịnh Thi và Tập đoàn Xuân Thiện có văn bản đề xuất được khảo sát, nghiên cứu lập dự án nhà máy điện gió ngoài khơi của tỉnh Quảng Ninh với công suất 3.000MW (giai đoạn 1: 500MW đưa vào vận hành năm 2030, giai đoạn 2: 1.000MW đưa vào vận hành năm 2031-2035, giai đoạn 3: 1.500MW vận hành giai đoạn 2036-2040) và 2.000MW điện gió trên bờ (giai đoạn 1: 1.000MW đưa vào vận hành năm 2021-2025, giai đoạn 2: 1.000MW đưa vào vận hành năm 2026-2030) và Công ty CP Năng lượng Sóc Trăng đề xuất thực hiện Quy hoạch điện gió ngoài khơi tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã quan tâm, đề xuất nghiên cứu phát triển nguồn điện gió trên địa bàn tỉnh như Liên danh nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành và Công ty CP Tư vấn xây lắp đầu tư An Phú Quảng Ninh, Công ty CP Năng lượng An Xuân, Công ty CP Năng lượng Sóc Trăng đề xuất nghiên cứu phát triển điện gió trên bờ tại một số khu vực thuộc xã vùng cao của TP Hạ Long, huyện Bình Liêu, Hải Hà và Cô Tô….
Việc phát triển điện khí LNG, khai thác tiềm năng điện gió rất to lớn, vô tận trên đất liền và ngoài khơi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang “xanh" của tỉnh Quảng Ninh và phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, nhất là theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị.
Thùy Linh
Liên kết website
Ý kiến ()