Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:30 (GMT +7)
Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con
Thứ 5, 17/06/2021 | 14:25:25 [GMT +7] A A
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2-6%, thậm chí là 0%. Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn với bác sĩ CKI Vũ Văn Hiền, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (ảnh).
- Thưa bác sĩ, thời điểm nào có thể lây truyền HIV từ mẹ sang con?
+ Lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra ở 3 thời điểm: Thời kỳ mang thai; khi chuyển dạ và đẻ; thời kỳ sau sinh. Ở thời kỳ mang thai, virus HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua nhau thai để vào cơ thể thai nhi. Sự lây truyền HIV trong thời kỳ mang thai có thể xảy ra sớm ngay khi thai nhi mới được 8 tuần tuổi và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Khoảng 20-30% số trẻ em bị lây truyền HIV từ mẹ, được cho là lây truyền qua bánh nhau.
Có khoảng 50- 60% số trẻ em bị lây truyền HIV từ mẹ sang trong giai đoạn mẹ chuyển dạ và đẻ. Do trẻ bị phơi nhiễm với các dịch sinh học của người mẹ như máu, nước ối, dịch sinh dục và do các can thiệp trong cuộc đẻ. Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn...
Cho dù nồng độ virus HIV không cao trong sữa mẹ, nhưng vẫn có khoảng 20-30% số trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ được cho là bị lây qua bú sữa mẹ.
- Trẻ sinh ra bị lây truyền HIV từ mẹ thường có những biểu hiện gì, thưa bác sĩ?
+ Triệu chứng nhiễm HIV ở trẻ em thay đổi khác nhau tùy theo giai đoạn và khác với người lớn. Ở giai đoạn không có triệu chứng được gọi là giai đoạn tiền triệu chứng, trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sau khi được sinh ra vẫn bình thường, hoặc chỉ có dấu hiệu nhẹ cân. Khi virus HIV đi vào máu, trẻ có thể có một số dấu hiệu giống như nhiễm virus khác, như sốt nhẹ và không có triệu chứng nào đặc hiệu.
Dấu hiệu HIV ở trẻ em trên giai đoạn lâm sàng chủ yếu là các biểu hiện của nhiễm trùng cơ hội, và các bệnh u. Các biểu hiện lâm sàng này thay đổi ở nhiều cơ quan và dễ nhầm lẫn với những bệnh khác, như nhiễm virus Herpes, nấm Candida ở miệng, hậu môn và bộ phận sinh dục hoặc các triệu chứng khác: Hạch to, gan, lách to, sụt cân, sốt kéo dài, tiêu chảy mạn tính. Giai đoạn có triệu chứng - AIDS là giai đoạn cuối cùng của nhiễm HIV.
- Bác sĩ cho biết, các giải pháp giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai tại Quảng Ninh thời gian qua?
+ Tỷ lệ người nhiễm HIV, được điều trị tại Quảng Ninh hiện đạt 90%. Điều này có ý nghĩa rất lớn, bởi bệnh nhân được điều trị sớm sẽ giúp cải thiện được tình trạng sức khỏe. Đồng thời, ngăn chặn được sự nhân lên của virus HIV trong cơ thể, làm giảm khả năng lây nhiễm ra cộng đồng, giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Từ năm 2005 Quảng Ninh đã triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Theo đó, bằng nguồn ngân sách địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV miễn phí trong quá trình quản lý thai nghén, tại tuyến y tế cơ sở. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ngay tại các cơ sở y tế, hỗ trợ thuốc ARV điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, bên cạnh được quản lý, chăm sóc điều trị, xét nghiệm miễn phí còn được cấp sữa ăn thay thế miễn phí, cho đến khi trẻ đủ 12 tháng tuổi. Việc phát hiện sớm, điều trị đúng, đủ đã làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ.
Các biện pháp can thiệp trong chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, dù khá hiệu quả, nhưng nếu muốn sinh con, người nhiễm HIV cần có tư vấn của bác sĩ để được cung cấp đầy đủ thông tin, kiến thức cho một thai kỳ khỏe mạnh, cần được theo dõi, điều trị đầy đủ. Để sinh ra những đứa con không bị nhiễm HIV, người mẹ nhiễm HIV phải được điều trị ARV và tuân thủ điều trị tốt để tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu; cần theo dõi thai kỳ, tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm và điều trị dự phòng ngay cho trẻ từ lúc lọt lòng.
- Trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Nguyễn Hoa (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()