Tất cả chuyên mục

Trong 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường giao ban, đối thoại định kỳ của cấp ủy với đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn khu, trưởng ban công tác mặt trận cơ sở nhằm phát huy vai trò đội ngũ cán bộ cơ sở trong công tác nắm tình hình nhân dân, hiến kế giải quyết những vấn đề nổi cộm của nhân dân tại cơ sở; Quyết định phê duyệt Đề án tăng cường vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh ban hành quy định lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cán bộ, đảng viên làm việc ở các trung tâm hành chính công, một cửa cấp xã; các cấp ủy địa phương ban hành quy chế tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
Từ năm 2017, trên cơ sở sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo đổi mới công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội theo hướng mở rộng chủ thể và phạm vi giám sát đối với lĩnh vực quản lý của các cơ quan nhà nước, hoạt động của công chức, công vụ liên quan đến giải quyết công việc với công dân - doanh nghiệp; chú trọng giám sát thường xuyên, trực tiếp gắn với tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp ý với chính quyền về các công việc giải quyết với nhân dân; tổ chức các đoàn khảo sát, nắm tình hình thực hiện Quy chế dân chủ gắn với việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại cơ sở; chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền khảo sát, đánh giá, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng.
![]() |
Ủy ban MTTQ tỉnh tập huấn công tác giám sát cho hơn 100 CB,CC,VC thuộc cơ quan Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh (tháng 3/2017). Ảnh: Kim Cương (Uỷ ban MTTQ tỉnh) |
Từ năm 2014 đến nay, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ trì tổ chức 3.928 cuộc giám sát tập trung vào các lĩnh vực: Chương trình “Giúp đỡ hộ nghèo có địa chỉ”, thực hiện Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở cơ sở, lồng ghép với giám sát hoạt động của các Trung tâm hành chính công cấp huyện; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, người lao động trong doanh nghiệp… Các đơn vị cũng phối hợp và cử đại diện tham gia các đoàn giám sát, kiểm tra, thanh tra của HĐND, các sở, ban, ngành về lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động tư pháp có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Sau các cuộc giám sát đoàn đã có báo cáo kiến nghị, đề xuất cấp ủy chỉ đạo khắc phục những tồn tại hạn chế. Ban Thanh tra nhân dân đã tổ chức 1.723 cuộc giám sát, Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã tổ chức giám sát 2.258 công trình, dự án; đã phát hiện và kiến nghị 870 vụ việc, tiến hành xác minh 53 vụ việc liên quan đến việc chấp hành các quy định của chủ đầu tư và các nhà thầu trong đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, chấp hành các quy định và quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch, quản lý đầu tư; phẩm chất đạo đức của cán bộ địa phương; xử lý các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư; giám sát theo dõi chất lượng thi công các công trình xã hội hóa trong nhân dân...
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cụ thể hóa việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân thông qua việc tăng cường chỉ đạo, nâng cao chất lượng các hoạt động tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân theo đúng pháp luật. Đồng thời, tham gia phối hợp tiếp công dân thường kỳ của UBND tỉnh, phối hợp nắm tình hình và đối thoại với đại diện các hộ dân ở những địa bàn có điểm nóng khiếu kiện đông người. Từ năm 2017 đến nay, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã trực tiếp nhận 20 vụ việc khiếu kiện kéo dài để trực tiếp nghiên cứu, phản biện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân; đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc. Đối với những vụ việc cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện đúng quy trình, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội tiếp thu, phân loại đối tượng để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc những chủ trương của tỉnh; đối với những vụ việc xét thấy còn vấn đề chưa phù hợp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng có liên quan rà soát và thực hiện giám sát đúng quy trình.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý vào 37 dự thảo luật và đề án của tỉnh. Điển hình như Tỉnh Đoàn đã tổ chức tham gia góp ý vào các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, thanh thiếu niên, cụ thể: Luật Dân sự, Luật Hình sự sửa đổi, tham gia góp ý 24 văn bản của các cấp ủy Đảng, Trung ương Đoàn, các sở, ban, ngành. Hội LHPN các cấp đã tham gia góp ý vào 26 văn bản dự thảo quy phạm pháp luật, nghị quyết, quy chế, quy định của cấp ủy, chính quyền, tham gia ý kiến vào dự thảo các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Hàng năm, các cấp ủy, tổ chức Đảng đều yêu cầu lấy ý kiến nhận xét của nhân dân nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên; chỉ đạo đặt hòm thư góp ý công khai tại trụ sở và phân công bộ phận tiếp nhận các thư góp ý của nhân dân gửi đến cơ quan, đơn vị. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động xây dựng kế hoạch đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy ở địa phương với nhân dân mỗi năm một lần; UBND tỉnh duy trì tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa từ tỉnh đến cơ sở. Trong 5 năm qua đã có 5 cuộc đối thoại của đồng chí bí thư, chủ tịch UBND tỉnh với doanh nghiệp và nhân dân; triển khai 2 hội nghị tiếp xúc với trên 2.000 doanh nghiệp và nhà đầu tư; tiếp nhận và tháo gỡ trên 400 đề xuất kiến nghị; 14/14 địa phương đã tổ chức 37 hội nghị tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách của tỉnh. Cấp ủy các cấp mỗi năm đã tổ chức gần 200 cuộc giao ban, đối thoại với đội ngũ cán bộ cơ sở. MTTQ đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý với 7 chức danh công chức xã, phường, thị trấn, đã có nhiều ý kiến góp ý với đội ngũ cán bộ công chức cấp xã về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm trong phục vụ nhân dân; triển khai lấy phiếu khảo sát, đánh giá của người dân về Chỉ số hiệu quả quản trị, hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trên địa bàn tỉnh; tổ chức 5.494 hội nghị lấy ý kiến của 163.880 lượt cán bộ, nhân dân tham gia đóng góp 63.183 ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng các cấp và dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV.
Nguyễn Thị Thu Hà
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy
Ý kiến ()