Tất cả chuyên mục

Đây là giải pháp của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, một trong những đơn vị tham gia sớm nhất Hội thi lần này. Ông Trịnh Văn Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, trưởng nhóm tác giả của giải pháp, cho biết: Năm nay giải pháp của Công ty chọn tham gia Hội thi là “Số hoá mạng lưới cấp nước” áp dụng trong toàn Công ty từ bản đồ thực địa lên bản đồ google map, kiểm soát tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin trên các tuyến ống qua mạng internet. Cùng tham gia nghiên cứu, xây dựng giải pháp còn có các tác giả Trần Đức Chiến và Phạm Hùng Mạnh, cũng là cán bộ của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh.
![]() |
Ông Trịnh Văn Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, trưởng nhóm giải pháp, đang kiểm tra các thông số kỹ thuật mạng lưới cấp nước của đơn vị trên máy vi tính. |
Giới thiệu với chúng tôi về giải pháp, ông Bình cho biết, trước đây, các sơ đồ mạng lưới cấp nước, các bản vẽ hệ thống mạng lưới cấp nước tại các đơn vị trực thuộc Công ty đều sử dụng các bản vẽ autocad lưu trên nhiều máy tính cá nhân đơn lẻ, nhiều thư mục, công trình, nên khó quản lý, theo dõi. Hơn nữa, các máy tính này lại không tích hợp, liên kết kiểm soát nhận biết được các hệ thống cấp nước, mạng lưới cấp nước trong vùng, khu vực, đơn vị cấp nước chưa thường xuyên được cập nhật, nên khi có sự thay đổi tuyến ống, thiết bị trên tuyến, khách hàng... phải truy xuất, tìm kiếm rất nhiều hồ sơ, gây khó khăn trong công tác quản lý. Vì vậy, khi áp dụng giải pháp số hoá hệ thống quản lý mạng lưới cấp nước trên máy chủ web tập trung của Công ty, sơ đồ mạng lưới được công khai, hiện thực hoá và tập trung; các cán bộ kỹ thuật, công nhân, ngay cả những công nhân mới vào làm đều có thể nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt toàn bộ, chi tiết hệ thống mạng lưới cấp nước mà mình được giao quản lý bằng các thiết bị smart có truy cập internet.
Để có được kết quả này, nhóm tác giả đã có một quá trình nghiên cứu say mê, tâm huyết, cùng sự vào cuộc tích cực của các đơn vị trực thuộc trong việc khảo sát thực địa, tổng hợp các tuyến ống ngoài hiện trường; sử dụng phần mềm google earth để vẽ mô phỏng các tuyến ống đã khảo sát; lập trình phần mềm số hoá tích hợp các thông tin liên quan đến mạng lưới tuyến ống, khách hàng tại các tuyến đã khảo sát lên bản đồ google earth và cuối cùng là liên kết các phần mềm, cơ sở dữ liệu hiện có của Công ty lên phần mềm số hoá.
Ý tưởng này được nhóm tác giả ấp ủ từ năm 2013. Sau một thời gian nghiên cứu, xây dựng giải pháp, nhóm đã chọn Xí nghiệp Nước Bãi Cháy là đơn vị áp dụng thí điểm, thời điểm tháng 3-2014. Qua áp dụng cho thấy, giải pháp đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác quản lý mạng lưới cấp nước của đơn vị. Ngay sau đó, việc số hoá các thông tin tuyến ống cấp I, II, III của các mạng lưới cấp nước tại các đơn vị trực thuộc Công ty đều được áp dụng; đến nay đã có 3.161/3.320 tuyến ống của Công ty được số hoá, đạt tỷ lệ trên 95%.
Anh Phạm Hùng Mạnh, đồng tác giả cho biết thêm: Giải pháp được xây dựng trên hệ thống kết hợp ứng dụng đang hiện hành google earth, tích hợp các thông tin về khách hàng, thiết bị máy móc đã có trước đây mà Công ty đã xây dựng và hệ thống của mạng lưới Scada, với mục đích cung cấp dữ liệu tại các mạng lưới cung cấp nước theo thời gian thực cho phép điều phối, giám sát, quản lý mạng lưới cấp nước hiệu quả nhất, nhanh nhất ở mọi nơi, mọi lúc khi có các thiết bị vào mạng như máy tính, smartphone có sử dụng internet. Vì vậy, từ khi bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng, đến khi áp dụng vào vận hành và đạt kết quả tại các đơn vị, về cơ bản không tốn kinh phí của Công ty. Một giải pháp quản lý tương tự như giải pháp của Công ty nếu do các công ty phần mềm cung cấp phải có giá khoảng 1 tỷ đồng.
Thông qua áp dụng giải pháp số hoá mạng lưới cấp nước của toàn Công ty, hiện CBCNV đơn vị chỉ cần có máy tính hay điện thoại di động kết nối internet là có thể truy cập và nhận biết được thông tin tuyến ống cấp I, II, III với các thông số kỹ thuật, như vị trí tuyến ống trên thực địa, chiều dài tuyến, tiết diện ống và các thiết bị trên tuyến. Giải pháp cũng giúp nhận biết được tổng số khách hàng, số lượng khách hàng mới phát triển, tỷ lệ thất thoát trên các tuyến và quá trình chống thất thoát các tuyến ống; nhận biết được thông tin về lưu lượng, áp lực, nhu cầu sử dụng nước của khách hàng trên mạng lưới cấp nước tức thời; mức sử dụng bình quân để đánh giá tuyến sử dụng nước hiệu quả hay không... Từ đó, đơn vị có kế hoạch quản lý, vận hành sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Việc áp dụng giải pháp mới đã góp phần đổi mới phương thức quản lý mạng lưới cấp nước của Công ty một cách hiệu quả nhất, nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của khách hàng tốt nhất. Qua đó, phát huy, khuyến khích phong trào thi đua, sáng tạo trong CBCNV đơn vị.
Phạm Hoạch
Ý kiến ()