Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:33 (GMT +7)
Hướng phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh sống chung với COVID-19
Thứ 4, 03/11/2021 | 08:27:05 [GMT +7] A A
Việc mở cửa được tiến hành sau khi các quốc gia đã đạt được những tiến bộ nhất định trong chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19, cùng với đó là quy trình chuẩn bị và những điều kiện đi kèm.
Ngày 1/11 đánh dấu thời điểm nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu mở cửa trở lại một loạt lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là đón du khách quốc tế trong tâm lý thận trọng sau nhiều tháng đóng cửa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Việc mở cửa được tiến hành sau khi các quốc gia đã đạt được những tiến bộ nhất định trong chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19, cùng với đó là quy trình chuẩn bị và những điều kiện đi kèm để giảm thiểu nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh khi mở cửa trở lại.
Từ ngày 1/11, Thái Lan cho phép du khách quốc tế đã tiêm vaccine phòng COVID-19 từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập cảnh mà không cần cách ly. Thủ tướng Campuchia Samdec Techo Hun Sen tuyên bố quốc gia này mở cửa trở lại hoàn toàn trong mọi lĩnh vực từ ngày 1/11 và đã sẵn sàng cho một cách sống mới.
Campuchia sẽ áp dụng mô hình thử nghiệm mở cửa du lịch "cơ chế hộp cát” - cho phép du khách đến thành phố Sihanoukville, đảo Koh Rong (tỉnh Sihanoukville) và Dara Sakor (tỉnh Koh Kong) kể từ ngày 30/11 tới mà không cần cách ly, như là bước đi đầu tiên trong chiến lược tổng thể từng bước mở cửa trở lại đón khách quốc tế.
Chính phủ Hàn Quốc lấy thời điểm ngày 1/11 để bắt đầu thực hiện kế hoạch 3 giai đoạn nhằm khôi phục hoàn toàn cuộc sống thường nhật. Theo đó, giai đoạn một sẽ nới lỏng hạn chế thời gian hoạt động của các cơ sở kinh doanh. Giai đoạn hai, chính phủ sẽ cho phép tổ chức sự kiện quy mô lớn, và tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế số người tụ tập trong giai đoạn ba.
Cùng ngày, người dân Australia cũng trải qua những cảm xúc đặc biệt khi nước này mở lại biên giới quốc tế sau gần 600 ngày đóng cửa. Sau hơn 18 tháng tuân thủ những biện pháp bảo vệ biên giới nghiêm ngặt nhất, hàng triệu người dân Australia hiện có thể tự do đi lại mà không cần giấy phép hoặc cần phải cách ly khi đến nước này.
Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định đây là một ngày đặc biệt, đồng thời khẳng định nước này đã "sẵn sàng để cất cánh". Kế hoạch này ban đầu sẽ giới hạn với công dân Australia, các thường trú nhân và gia đình trước khi mở rộng ra với du khách và lao động quốc tế.
Ở Trung Đông, Israel, một trong những quốc gia tiêm phòng sớm và nhanh nhất trên thế giới, từ ngày 1/11 cũng mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch đã tiêm vaccine, với điều kiện những du khách đó không đến từ các quốc gia thuộc nhóm "đỏ" về dịch bệnh trong vòng 2 tuần trước khi tới Israel. Đây là ngày đầu tiên Israel mở cửa đón du khách đã tiêm phòng kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 3/2020.
Du khách phải được tiêm phòng đầy đủ với 1 trong 8 loại vaccine mà Israel phê chuẩn gồm vaccine của các hãng Sinopharm, Sinovac, Moderna, Pfizer, Janssen, AstraZeneca, vaccine Covishield (Vaccine của AstraZeneca được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ) và Sputnik-V của Nga.
Những người đã hồi phục cũng được phép nhập cảnh Israel nếu có chứng nhận kỹ thuật số về tình trạng bệnh. Ngoài ra, mọi du khách đều phải cung cấp giấy xét nghiệm âm tính thực hiện trong 72 giờ trước khi đến Israel và được xét nghiệm khi đến, cách ly trong vòng 24 giờ chờ đợi kết quả.
Những diễn biến trên là một phần trong nỗ lực của các nước nhằm khôi phục kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành gần 2 năm qua đã đẩy ngành du lịch toàn cầu rơi vào khủng hoảng. Ước tính đến cuối năm nay, hoạt động du lịch đình trệ sẽ dẫn tới tổn thất hơn 4.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới và hơn 100 triệu lao động trực tiếp trong ngành này đứng trước nguy cơ mất việc.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là châu Á-Thái Bình Dương. Năm ngoái, đóng góp của ngành du lịch vào GDP khu vực giảm đến 53,7%, cao hơn mức giảm toàn cầu (49,1%). Chi tiêu của du khách quốc tế tại khu vực giảm 74,4%, của du khách nội địa cũng giảm gần 50%%, số việc làm giảm 18,4% (tương đương 34,1 triệu việc làm) so với năm 2019.
Ngoài các quốc gia bắt đầu mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ ngày 1/11, hàng loạt quốc gia khác đã thực hiện hoặc đang chuẩn bị các biện pháp để chuyển đổi và khởi động lại ngành du lịch một cách an toàn. Tại Đông Nam Á, Singapore đã bắt đầu mở hành lang du lịch miễn cách ly với du khách đã tiêm phòng đầy đủ đến từ 10 quốc gia và sẽ sớm bổ sung danh sách.
Indonesia đã mở cửa trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng Bali cho khách du lịch từ một số quốc gia nhất định, mặc dù du khách vẫn phải thực hiện quy định cách ly 5 ngày khi nhập cảnh. Lào vừa công bố lộ trình phục hồi ngành du lịch hậu COVID-19 giai đoạn 2021-2025, gồm 3 mục tiêu chính: hỗ trợ thúc đẩy du lịch trong nước; thiết lập bong bóng du lịch với các quốc gia có nguy cơ dịch bệnh thấp và tập trung chính sách du lịch xanh, bền vững.
Tại Việt Nam, trên cơ sở đề xuất và tình hình thực tế của từng địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất lộ trình mở lại hoạt động du lịch quốc tế gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021) - thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến và chuyến bay thương mại tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Nam, Đà Nẵng.
Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022) - mở rộng phạm vi đón khách quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê bao chuyển và quốc tế thường lệ. Giai đoạn 3 (từ quý II/2022) - dự kiến mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế với điều kiện đảm bảo các phương án phòng, chống dịch theo quy định.
Một số quốc gia châu Á cũng đã mở cửa đón du khách với những quy định đi kèm. Ấn Độ đã mở cửa trở lại với khách du lịch nước ngoài đến nước này bằng các chuyến bay thuê riêng từ tháng 10 và sẽ chào đón du khách trên tất cả các chuyến bay từ giữa tháng 11.
Du khách đã tiêm đầy đủ không phải cách ly tại nhà nếu sử dụng vaccine ngừa COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận. Nepal cũng bắt đầu cấp thị thực nhập cảnh cho hành khách đã tiêm phòng, đồng thời bỏ quy định cách ly bắt buộc nhằm tìm cách thu hút những nhà leo núi nước ngoài trở lại dãy Himalaya. Sri Lanka mở cửa đón khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ mà không có bất kỳ yêu cầu kiểm dịch nào.
Trong khi đó, Pakistan cho phép du khách nước ngoài nhập cảnh nếu có giấy chứng nhận tiêm phòng và xét nghiệm COVID-19 âm tính. Quốc gia Nam Thái Bình Dương Fiji, nơi có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch, sẽ cho phép du khách đã tiêm chủng từ các quốc gia trên khắp châu Âu và châu Á được nhập cảnh mà không cần kiểm dịch từ ngày 1/12.
Một điểm chung là hầu hết các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đều mở đón khách quốc tế theo lộ trình từng bước, ưu tiên cho du khách từ những nước có tỷ lệ tiêm phòng cao. Thái Lan ban đầu mở cửa chỉ với 10 nước, chủ yếu là các nước châu Âu. Đảo Bali của Indonesia cũng chào đón du khách từ 19 quốc gia, trong đó có đến 50% là từ châu Âu và không có khu vực Đông Nam Á.
Singapore cũng chào đón du khách từ khoảng hơn 10 quốc gia, hầu hết là từ châu Âu. Các giải pháp phục hồi du lịch như bong bóng du lịch, tuyến đường xanh và hộ chiếu vaccine đã và đang được áp dụng ngày càng phổ biến.
Trên thực tế, càng phụ thuộc vào du lịch thì các nước sẽ càng phải cẩn trọng hơn. Việc mở cửa ban đầu là để người lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là người dân ở các địa điểm du lịch trong nước dần làm quen với thời kỳ bình thường mới, tránh những cú sốc vì đón lượng du khách quá đông một cách đột ngột.
Trong khi đó, lực lượng chuyên trách dịch bệnh của các chính phủ sẽ có thêm thời gian để quan sát và đánh giá tình hình dịch bệnh sau mở cửa, từ đó có các biện pháp thích ứng với thực tiễn.
Tuy nhiên, việc hồi phục ngành du lịch khu vực không phải là dễ dàng sau gần 2 năm gián đoạn. Một mặt, vấn đề bất bình đẳng vaccine khiến tiến độ tiêm phòng ở nhiều nước thu nhập thấp ở khu vực còn chậm chạp, khiến nhiều lao động trong ngành du lịch không sẵn sàng trở lại làm việc, ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp dịch vụ. Các lao động tại những quốc gia đang phát triển, trong đó có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng có ngành du lịch là xương sống, đặc biệt chịu nguy cơ cao.
Mặt khác, các biến thể mới liên tục xuất hiện khiến du khách quốc tế lo ngại. Bên cạnh đó, du khách cũng chưa thực sự sẵn sàng do còn lo ngại các vấn đề như chi phí xét nghiệm, thiếu sự phối hợp và rõ ràng về các quy định phòng chống dịch bệnh tại điểm đến, hạn chế hợp tác quốc tế, hủy hoặc điều chỉnh lịch các chuyến bay và chưa chắc chắn về tình hình dịch bệnh chung.
Tổng thư ký Tổ chức Du lịch quốc tế thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) Zurab Pololikashvili nhận định nhu cầu khôi phục du lịch quốc tế là rất rõ ràng nhưng việc khởi động sao cho đúng và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người vẫn còn là bài toán khó khi các quy định chưa được triển khai đồng bộ giữa các quốc gia và tỷ lệ tiêm phòng không đồng đều tiếp tục tác động tới tâm lý khách hàng.
Để nhanh chóng phục hồi ngành du lịch, theo UNTACD, điều quan trọng nhất là cần phải đảm bảo rằng việc tiêm phòng được tiến hành đồng đều trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, các nước cần tăng cường phối hợp và kết nối để tạo thuận lợi cho hành khách và các doanh nghiệp.
Đây là chìa khóa giúp các nước thực hiện mục tiêu phục hồi du lịch theo hướng thích ứng an toàn, phát triển bền vững để xây dựng ngành du lịch mang lại lợi ích đồng đều cho tất cả mọi người./.
Theo vietnamplus.vn
- Chính phủ đồng ý chủ trương về lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế
- Khám phá 5 điểm du lịch nổi tiếng ở Vĩnh Phúc khiến du khách quên lối về
- Chủ tịch xã chỉ đạo rút tiền hỗ trợ thiên tai để chi tham quan, du lịch
- Du lịch an toàn
- Những nơi ấm áp để du lịch trong tháng 11
- Một tháng hồi sinh của du lịch Việt Nam
Liên kết website
Ý kiến ()