Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:59 (GMT +7)
Hướng phát triển cho cây dổi xanh Ba Chẽ
Thứ 4, 29/09/2021 | 12:19:22 [GMT +7] A A
Nhận thấy tiềm năng còn đang bỏ ngỏ của cây dổi xanh bản địa, Công ty CP Phát triển rừng bền vững (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) đã trở thành doanh nghiệp tiên phong nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế từ loại cây này tại địa phương.
Cây dổi xanh có giá trị kinh tế cao bởi là loại gỗ quý, có mùi thơm, thớ mịn, ít bị cong vênh, mối mọt; thường được dùng nhiều trong xây dựng và chế tác đồ mỹ nghệ. Trong quá trình sinh trưởng, cây dổi cho thu hoạch hạt, là một mặt hàng giá trị với nhiều công dụng, vừa để chiết xuất tinh dầu, vừa dùng làm gia vị, xuất hiện trong những bài thuốc dân gian. Cây dổi có khả năng phòng hộ, chống xói mòn, tăng cường khả năng giữ nước, bảo vệ đất... Lợi ích là vậy, nhưng diện tích trồng cây dổi xanh ở huyện Ba Chẽ thời gian qua còn khá khiêm tốn, chưa được quy hoạch, chủ yếu là trồng tự phát trong một số hộ dân.
Năm 2018, huyện Ba Chẽ đã xây dựng Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2019-2025; đặt ra mục tiêu hình thành và phát triển ổn định được vùng gỗ lớn quy mô 5.000ha. Một số đơn vị, hợp tác xã trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ trong việc nghiên cứu, chuẩn bị cây giống bản địa, đáp ứng sẵn sàng nhu cầu cây giống cho người dân khi tiến hành trồng rừng. Trong đó, Công ty CP Phát triển rừng bền vững đã tập trung nghiên cứu, thử nghiệm mô hình phát triển phù hợp nhất cho giống cây dổi xanh. Việc có được mô hình đúng, nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc hiệu quả, tạo được nguồn giống tốt... sẽ là cơ sở để nhanh chóng đưa loại cây đầy tiềm năng này vào phát triển sản xuất rộng rãi, hứa hẹn mở thêm hướng thoát nghèo, làm giàu cho người dân.
Ông Nguyễn Xuân Tĩnh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển rừng bền vững, cho biết: Nếu trồng dổi bằng cách gieo hạt truyền thống, cây phải từ 10 năm mới cho quả với sản lượng ổn định. Công ty đã tham khảo và áp dụng phương pháp trồng bằng cây ghép. Lợi ích của phương pháp này là có thể giảm được thời gian sinh trưởng của cây từ 40 năm còn 30 năm; chủ động chọn lọc những cây khỏe mạnh, sai quả để làm vật liệu ghép, giúp lứa cây con ra hoa và quả bói chỉ sau 3 năm trồng, cho thu hoạch ổn định chỉ sau 5 năm trồng và có thể cho sản lượng tới 10kg hạt/năm. Loại cây bản địa này rất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tự nhiên, tỷ lệ sống cao; nếu được áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc đúng cách, hoàn toàn có thể mang lại lợi ích kinh tế gấp nhiều lần so với rừng của nhiều người dân đang trồng.
Công ty CP Phát triển rừng bền vững đã tự nhân giống dổi xanh, hiện trồng được gần 3ha. Qua thử nghiệm nhận thấy, dưới tán cây dổi có thể trồng thêm một số loại cây nông sản, dược liệu ưa bóng râm, vừa tận dụng tối đa hiệu quả diện tích, vừa để giữ ẩm, hạn chế cỏ dại cho gốc cây, Công ty đã chọn trồng cây ba kích, cũng là một loài cây bản địa của Ba Chẽ, có giá trị kinh tế cao. Mô hình này đang sinh trưởng tốt, dự kiến khoảng 2 năm tới, cả cây ba kích và cây dổi xanh đều cho thu hoạch.
Huyện Ba Chẽ hiện có 16.400ha rừng sản xuất, chiếm 1/3 diện tích rừng toàn tỉnh; tỷ lệ che phủ rừng đạt 72%. Từ năm 2018, huyện xây dựng Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2019-2025; tập trung khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng các loài cây bản địa, cây có chu kỳ kinh doanh dài, như lim, lát, thông mã vĩ, thông nhựa, sa mộc... Đặc biệt là ưu tiên vốn hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn tại các khu vực rừng đầu nguồn sông suối, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt... để duy trì nguồn sinh thủy, phòng chống sạt lở, lũ quét.
|
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()