Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:24 (GMT +7)
Hướng phát triển bền vững
Chủ nhật, 31/07/2022 | 07:11:13 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, du lịch tới các vùng nông thôn đã không còn là điều xa lạ với du khách Việt và nước ngoài. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được coi là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo, là hướng phát triển bền vững cho du lịch.
Du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang ngày càng trở nên quen thuộc với du khách. Những điểm du lịch, mô hình du lịch gắn với nông nghiệp hầu như phát triển ở các địa phương trong nước, kể cả các tỉnh vùng cao. Có thể kể những sản phẩm du lịch điển hình như: Tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Căng Chải (Yên Bái), hái vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang), làm ngư dân trồng rau ở làng rau Trà Quế (Quảng Nam), hái nho ở Ninh Thuận, làm nông dân trồng hoa ở Đà Lạt (Lâm Đồng), du lịch miệt vườn, chợ nổi, cù lao ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; thưởng thức văn hóa, đàn ca tài tử ở Bạc Liêu...
Quảng Ninh cũng đã xuất hiện mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, tiêu biểu là khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều). Tới đây, du khách được trải nghiệm trồng lúa, trồng rau, tát nước gàu dây, bắt cá, xay lúa, giã gạo. Gần đây, tại Quảng Yên có Công ty CP Đầu tư Song Hành, tại xã Tiền An là địa chỉ được các công ty lữ hành chọn làm tour cho các trường học trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Đến đây, các em học sinh sẽ được tham quan quá trình trồng và nhân giống các loại rau, củ, quả sạch, tham gia trồng rau mầm, trồng rau trên giá thể, thu hoạch rau...
Tại Vân Đồn, mùa cam chín, du khách có thể vào vườn cam các hộ dân ở Vạn Yên tham quan, chụp ảnh, hái quả. Tương tự Vân Đồn, tại Hạ Long, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Sơn Dương cũng bắt đầu tiếp cận mô hình kinh tế mới như trên dựa vào khai thác lợi thế vườn ổi, cam, bưởi sẵn có.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều mô hình du lịch nông nghiệp khác cũng là điểm đến của du khách trong và ngoài tỉnh mỗi dịp cuối tuần, lễ, tết. Tiêu biểu như: Đồi chè xã Quảng Long (huyện Hải Hà); vườn hoa Cao Sơn (Bình Liêu), trang trại hoa lan Đồng Ho, khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ, xã Thống Nhất, cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi (TP Hạ Long); trang trại trồng rau của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại 188 (Đông Triều)...
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, trên bình diện cả nước, lượng khách tham gia vào hoạt động nông nghiệp ngày một tăng. Chi tiêu, thu nhập từ hoạt động du lịch nông nghiệp đem lại nguồn thu ổn định cho người nông dân, cho doanh nghiệp và đóng góp cho kinh tế địa phương. Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch cũng nhìn nhận, dù Việt Nam có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch nông nghiệp nhưng trên thực tế, những khu vực có đủ khả năng khai thác chuyên nghiệp không nhiều. Hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp.
Với Quảng Ninh, các khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh có nhiều mô hình phát triển kinh tế, đều có thế mạnh về thiên nhiên, cảnh quan môi trường, khí hậu, cùng với đó là những nét đẹp về văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Đây chính là những tiềm năng sẵn có để Quảng Ninh phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, sinh thái. Dù vậy, hiện các mô hình du lịch nông nghiệp hầu hết đang ở dạng tự phát, còn nhỏ lẻ, trùng lặp, chưa có sự đầu tư bài bản, chuyên sâu, nên lượng khách du lịch còn ít.
Với sự cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là sản phẩm du lịch nên việc đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp ở Quảng Ninh là hết sức cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn của chương trình du lịch, nâng cao đời sống người dân và tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút khách.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()