Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:40 (GMT +7)
Hướng nghiệp cho học sinh THCS
Thứ 3, 14/03/2023 | 07:04:04 [GMT +7] A A
Từ năm học 2022-2023, học sinh vào lớp 10 THPT áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Với việc phân ban mạnh theo chương trình mới đòi hỏi ngay từ khi học lớp 9, thậm chí lớp 8, đã phải xác định rõ năng lực, sở trường của học sinh cũng như ngành, nghề tương lai để lựa chọn các tổ hợp học cho phù hợp. Bởi vậy, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhất là học sinh lớp 9 hiện nay rất cần thiết.
Theo chương trình GDPT mới, học sinh THPT học 8 môn bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Cùng với đó, học sinh chọn các tổ hợp, trong các tổ hợp sẽ có 4 trong 9 môn học tự chọn: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Với 58 trường THPT trên địa bàn tỉnh, trong 9 môn học tự chọn thì môn Mỹ thuật, Âm nhạc, hầu hết các trường chưa có giáo viên dạy, nên nếu để học sinh tự lựa chọn tổ hợp môn sẽ rất khó trong bố trí, sắp xếp. Bởi vậy, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các trường tùy điều kiện về cơ cấu đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị... chủ động xây dựng tổ hợp các môn học lựa chọn để học sinh đăng ký phù hợp.
Như vậy, ngay từ cuối cấp THCS, học sinh và gia đình đã phải xác định rõ tương lai sau này, học sinh đó sẽ theo học những trường đại học, cao đẳng nào hay theo trường giáo dục nghề nghiệp…, từ đó lựa chọn các tổ hợp học khi bước vào cấp THPT cho phù hợp. Bởi lẽ các tổ hợp học đó sẽ theo học sinh trong suốt cả 3 năm THPT; đồng nghĩa, có những học sinh không phải học Toán, Vật lý hoặc không phải học môn Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật… Sau học THPT, học sinh chỉ được lựa chọn những trường đại học hoặc các khoa có quy định với những môn đã được học.
Điều này đòi hỏi gia đình, học sinh cần được tư vấn nghề nghiệp ngay từ cuối cấp THCS để phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh và phù hợp với xu thể phát triển của xã hội. Theo Trưởng Phòng Giáo dục huyện Hải Hà Đặng Thị Hạnh, trên địa bàn huyện có 13 trường THCS với 921 học sinh khối lớp 9. Phòng đã chỉ đạo các trường THCS thông qua các buổi họp phụ huynh học sinh triển khai định hướng, phân luồng tới các bậc phụ huynh sao cho phù hợp với tính cách, năng lực, sở thích của học sinh và điều kiện, hoàn cảnh của gia đình, tình hình thực tế phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tổ chức cho học sinh đến trải nghiệm tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn; mời các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên về trao đổi, trò truyện với học sinh khối lớp 9.
Tư vấn nghề nghiệp cho học sinh THCS hiện nay ở nhiều địa phương còn ít được chú trọng, mặc dù hiện đã vào giữa kỳ II của năm học 2022-2023. Ngay như TP Hạ Long, nhiều phụ huynh có con học lớp 9 cũng chưa nắm được tình hình về phân tổ hợp học của cấp THPT. Chị N.T.H (khu 4, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) có con đang học lớp 9 Trường THPT Trần Quốc Toản (TP Hạ Long), cho biết: "Hiện gia đình mới chỉ nghĩ đến việc chuẩn bị tốt để con thi được vào trường THPT, chứ chưa tìm hiểu về các tổ hợp học và cũng không nắm được việc phải lựa chọn các môn học tự chọn. Đến nay cũng chưa thấy nhà trường giới thiệu, tư vấn đến phụ huynh về phân tổ hợp đối với cấp THPT".
Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT TX Đông Triều Hoàng Quang Phong, để hướng nghiệp cho học sinh THCS cần sự phối hợp đồng bộ từ đại học, cao đẳng đến các trường THPT và sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Các trường đại học, cao đẳng cần công bố rộng rãi lộ trình nhiều năm về ngành nghề đào tạo với nhu cầu xét tuyển môn học cụ thể của từng ngành nghề, tránh thay đổi nhiều. Các trường THPT phải công bố cụ thể các tổ hợp môn học tự chọn do trường mình xây dựng và phối hợp cùng các trường THCS trên địa bàn để tư vấn cho học sinh, phụ huynh. Học sinh, gia đình học sinh cũng phải tìm hiểu, tự xác định năng lực cũng như định hướng nghề nghiệp, nghiên cứu kỹ nhu cầu những trường đại học để lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp khi bước vào cấp THPT, tránh tình trạng theo học tổ hợp này được vài tháng thấy không phù hợp lại chuyển tổ hợp khác; như vậy, học sinh lại phải học lại từ đầu những môn tự chọn chưa được học.
Qua trao đổi với nhiều phụ huynh và học sinh khối lớp 9 trên địa bàn tỉnh cho thấy, phần lớn học sinh chưa nghĩ đến theo học ngành nghề nào ở các trường đại học, cao đẳng, nên cũng chưa xác định được sẽ theo những tổ hợp nào để phù hợp.
Thời gian tới, các trường THCS, THPT cần tăng cường phối hợp tư vấn giúp học sinh, gia đình học sinh thấy rõ hơn sở trường, năng lực của học sinh, các ngành nghề phát triển của địa phương cần tuyển dụng nhân lực, phương án thi tốt nghiệp, phương án xét tuyển đại học của các trường… Qua đó giúp học sinh lựa chọn được các môn học phù hợp khi vào cấp THPT.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()