Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:26 (GMT +7)
Hướng nghiệp cho học sinh là câu chuyện dài hơi
Thứ 2, 19/10/2020 | 14:27:02 [GMT +7] A A
Môn học hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông trước đây đã bị “tụt hạng” trở thành hoạt động, chỉ thực hiện chứ không kiểm tra, đánh giá. Trong khi hướng nghiệp là câu chuyện dài hơi, cần có sự chuẩn bị từ sớm.
Hướng nghiệp, tư vấn việc làm sẽ áp dụng xuyên suốt từ tiểu học đến đại học. Ảnh minh họa |
Cả bố mẹ và anh trai làm trong ngành Y, nhưng một sinh viên ngành Y năm thứ 3 đã bày tỏ mong muốn chuyển hướng vì chỉ thích vẽ và nhìn thấy máu là ngất xỉu.
Chia sẻ câu chuyện này, TS. Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, nhiều học sinh tốt nghiệp lớp 12 vẫn chưa biết mình muốn làm nghề gì, việc chọn lựa ngành chủ yếu vì “nghe nói” có thu nhập cao.
Kết quả của một khảo sát trực tuyến 1.700 học sinh ở 63 tỉnh, thành phố do TS. Phương thực hiện cho thấy, hầu hết các em ưa thích ngành nghề công an, quân đội, sau đó là bác sĩ, giáo viên.
Đáng chú ý, có tới 2% học sinh Việt Nam bày tỏ mong muốn làm nghề ca sĩ. Đây là một tỉ lệ khá lớn, trong khi danh mục nghề Việt Nam có tới 900 nghề. Với 900 nghề, để có thể giới thiệu tới học sinh, trong 1-2 năm khó có thể hoàn thành.
Theo TS. Phương, do không được giới thiệu đầy đủ, nên có tới 90% học sinh chỉ nghĩ tới một số nghề. Có những nghề các em không hề nghĩ đến, thậm chí không biết đó là nghề. Một trong những nguyên do là từ nhỏ, các con chỉ làm quen một vài nghề mà người trong gia đình đang làm, dẫn tới ấn tượng về mặt tâm lý.
Cho rằng hiện còn có những nhầm lẫn khi đồng nhất ngành và nghề, học gì làm nấy, TS. Phương khẳng định, học một ngành có thể làm nhiều nghề và muốn làm một nghề có thể học từ nhiều ngành.
Từ góc độ nhà nghiên cứu, qua tiếp xúc với giáo viên, học sinh, ông Lê Đông Phương nhận định, có lẽ bản thân nhiều gia đình đang nặng về “học gì để sau này kiếm nhiều tiền”. Có những trường hợp tuy sở thích nghề nghiệp rõ ràng nhưng gia đình định hướng theo nghề khác.
Với các nhà giáo, thế hệ trước đây được chỉ định nghề nghiệp, được giao nhiệm vụ nào cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đó. Sau này đất nước chuyển sang kinh tế thị trường, chọn ngành nghề trở thành trách nhiệm cá nhân, vì vậy đến những năm 80 mới nghĩ đến hướng nghiệp, năm 2000 mới thành môn hướng nghiệp.
Tuy vậy, các nghiên cứu hướng nghiệp của Việt Nam vẫn còn đi theo hướng xác định ngành nghề theo năng khiếu. Thực tế, ham muốn nghề nghiệp và năng khiếu có khi không giống nhau.
“Vì vậy, đang có khoảng trống trong giáo dục nghề nghiệp cho học sinh từ tiểu học trở lên. Tôi không muốn 27 điểm vẫn trượt đại học do học sinh định hướng nghề và chọn ngành, trường chưa phù hợp”, TS. Phương nói.
TS. Phương đánh giá, môn học hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông trước đây đã bị “tụt hạng” trở thành hoạt động, chỉ thực hiện chứ không kiểm tra, đánh giá. Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 cũng có hoạt động hướng nghiệp, nhưng đặt trong hoạt động trải nghiệm. Hướng nghiệp là câu chuyện dài hơi, cần có sự chuẩn bị từ sớm.
Sẽ giới thiệu một số nghề từ tiểu học
Những vấn đề mà TS. Lê Đông Phương nêu cho thấy sự cần thiết đưa hoạt động hướng nghiệp, việc làm tới gần hơn với học sinh, sinh viên.
Qua thực tiễn, các yêu cầu của luật và tham vấn nhiều chuyên gia trong và ngoài nước về những bất cập, giải pháp, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Thông tư Quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Đáng chú ý, những nội dung này sẽ được áp dụng cho tất cả các bậc học.
Trao đổi về một số băn khoăn liên quan đến việc liệu hướng nghiệp cho học sinh tiểu học có quá sớm, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Công tác chính trị và học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết, Thông tư được xây dựng trên nguyên tắc, nội dung, hoạt động đảm bảo phù hợp với nhận thức, trình độ và nhu cầu người học ở từng cấp học, bậc học, sẽ không gây quá tải hay quá sức đối với người học.
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, hai mảng công tác chính được quy định trong dự thảo là hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, sẽ áp dụng xuyên suốt từ tiểu học đến đại học.
Ông Linh khẳng định, hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng được quy định tại Thông tư này không làm ảnh hưởng đến khung chương trình GD&ĐT của các cơ sở giáo dục.
Ở từng lĩnh vực công tác, Thông tư quy định cụ thể về nhiệm vụ, các hình thức triển khai, điều kiện đảm bảo triển khai đối với mỗi cấp học. Nhìn vào đó, các cơ sở đào tạo có thể hoạch định kế hoạch, chương trình hoạt động của mình.
Cụ thể, trong công tác hướng nghiệp, việc làm, cấp tiểu học sẽ thực hiện 4 hoạt động chính ở mức độ sơ khai, đơn giản.
Trước tiên là giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội.
Tiếp đến, học sinh tiểu học được hướng dẫn tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường. Các em rèn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng cơ bản như tìm hiểu về gia đình, cộng đồng, quản lý bản thân...
Từ đây, năng khiếu của học sinh sẽ được chú trọng phát hiện, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển cho các em.
Trong công tác này, ông Linh cho biết, mục tiêu quan trọng nhất là giúp học sinh nhận diện năng lực bản thân, phát hiện sở trường để được phát huy và điều chỉnh, giảm thiểu sở đoản.
Hướng nghiệp, tư vấn việc làm còn trực tiếp giúp công tác phân luồng của THCS tốt hơn. Bộ luật Lao động thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội cùng nghiên cứu điều kiện làm thêm cho học sinh, sinh viên phù hợp với Bộ luật Lao động.
Chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cao hơn của công việc sẽ giúp nâng cao chất lượng việc làm, giảm thất nghiệp, đảm bảo làm việc đúng sở trường, đồng thời thúc đẩy dịch chuyển lao động trong khu vực và thế giới. “Hướng nghiệp, tư vấn việc làm tốt sẽ cân đối được ngành nghề trong xã hội tốt hơn”, ông Bùi Văn Linh khẳng định.
Trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp, học sinh tiểu học được giáo dục để sớm nhận biết vai trò của đổi mới sáng tạo trong học tập, rèn luyện. Các em cũng được cung cấp các kiến thức, kỹ năng cơ bản về đổi mới sáng tạo, liên quan đến công dân tích cực, đổi mới sáng tạo, công nghệ, tư duy tài chính.
Riêng hoạt động dạy kỹ năng quản lý tài chính, dạy học sinh biết trân trọng đồng tiền do World Bank tài trợ, là một nội dung rất quan trọng của Thông tư, ông Linh nhấn mạnh.
Các em cũng từng bước được hướng dẫn sử dụng các kỹ năng đổi mới sáng tạo trong học tập, rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực bản thân và vận dụng trong học tập, hoạt động trải nghiệm, hoạt động cộng đồng phù hợp nhận thức, hiểu biết của học sinh.
Chuẩn bị cho quá trình này, ông Bùi Văn Linh chia sẻ, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai đề án khởi nghiệp cho học sinh sinh viên, triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động giáo dục tuyên truyền tinh thần đổi mới, sáng tạo cho học sinh từ thấp lên cao. Ở bậc ĐH, hiện đã có nhiều dự án, nhiều nhóm đề tài liên lớp, liên trường. Trong 2 năm qua, nhiều đề tài, dự án của sinh viên đạt giải cao, thu hút được nhiều nhà đầu tư. Điều quan trọng, các em đã nhận thức và lan toả tâm thế khởi nghiệp, dứt khoát không chịu nghèo khổ, không chịu đứng yên.
“Trường nào không nhận thức được tầm quan trọng trong việc đưa ra thiết chế khích lệ đổi mới, sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên thì sẽ bị thụt lùi”, ông Linh nhận định.
Để lộ trình hướng nghiệp, tư vấn việc làm và khởi nghiệp của Thông tư được triển khai hiệu quả, rất cần sự tham gia của các đối tác, là tất cả các đơn vị có tham gia công tác này. Theo ông Linh, dự thảo sau hơn 1 tháng đăng mạng công khai đã tiếp nhận nhiều ý kiến góp ý. Thời gian góp ý đến hết ngày 11/11/2020.
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()