Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:33 (GMT +7)
Hướng đi nào để phố đi bộ trở thành sản phẩm du lịch bền vững?
Thứ 3, 29/08/2023 | 10:05:46 [GMT +7] A A
Phố đi bộ đã trở thành sản phẩm du lịch phổ biến tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại Quảng Ninh, các tuyến phố đã được hình thành, khai trương và đưa vào hoạt động tại nhiều địa phương mang màu sắc riêng. Tuy nhiên, để phố đi bộ hoạt động thực sự hiệu quả, hấp dẫn du khách, trở thành sản phẩm đặc trưng thì các cấp, ngành và địa phương cần có những định hướng cụ thể, bài bản, đồng bộ.
Nhiều địa phương đưa vào hoạt động
Tháng 5/2015, phố đi bộ Trần Phú (TP Móng Cái) được đưa vào hoạt động đã đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của phố đi bộ tại Quảng Ninh. Sau 8 năm khai trương, phố đi bộ Trần Phú luôn vận hành tốt, thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế ghé thăm.
Đến tháng 8/2017, phố đi bộ Tiên Yên đi vào hoạt động. Phố đi bộ Tiên Yên được bố trí không gian hợp lý với 3 khu chính, gồm: Khu văn hóa dân gian, khu phố chợ và phố ẩm thực. Với chủ đề “Hồn xưa, nét cũ, Tiên Yên phố”, phố đi bộ Tiên Yên không chỉ là nơi vui chơi, giải trí đối với nhân dân, du khách mà còn là nơi lưu truyền nhiều nét đẹp văn hóa, truyền thống đặc trưng của huyện Tiên Yên. Tại đây, du khách sẽ khám phá nét văn hóa độc đáo của vùng đất miền Đông Bắc của Quảng Ninh. Đồng thời, trải nghiệm các hoạt động văn hóa thú vị như: Trò chơi dân gian, trang phục dân tộc, vẽ tranh, tô tượng, đọc sách miễn phí, góc thư pháp hay góc âm nhạc, khiêu vũ đường phố… Theo thống kê, trong 6 năm qua, lượng khách đến với phố đi bộ Tiên Yên khoảng 800.000 lượt người. Trong đó, khách ngoài huyện là khoảng 400.000 lượt người và khách quốc tế khoảng 6.000 lượt.
Chị Lê Thị Bích Hạnh, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, chia sẻ: Gia đình tôi sống trong khu vực phố đi bộ. Hằng ngày, phố đi bộ đón hàng nghìn lượt du khách mỗi ngày. Nhờ đó, chúng tôi không chỉ có dịp quảng bá văn hóa, ẩm thực, vẻ đẹp địa phương, mà còn góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương.
Nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh (Hà Nội): "Phố đi bộ Tiên Yên mang nét riêng, mộc mạc, bình dị. Điều quan trọng nhất là tất cả người dân ở Tiên Yên tham gia phố đi bộ như một ngày hội văn hoá cuối tuần sau những giờ lao động. Vì vậy, mỗi lần được về biểu diễn ở Tiên Yên, tôi cảm thấy mình được về quê hương".
Sau những thành công của các tuyến phố đi bộ ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, tháng 5/2022, TP Cẩm Phả đã đưa “Phố đêm thợ mỏ” vào hoạt động. Tuyến phố đi bộ này xuất phát từ Nhà văn hoá Công nhân thành phố, đi dọc theo đường Trần Phú và điểm nhấn cuối cùng là Quảng trường 12/11 (phường Cẩm Tây). Hằng tuần, vào tối thứ 7, chủ nhật, thời gian từ 19-22h diễn ra một không gian mang tính cộng đồng, với âm hưởng hiện đại, nhộn nhịp, hấp dẫn; đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của nhân dân địa phương và du khách tham quan.
Cuối tháng 6 vừa qua, phố đi bộ Bài Thơ (TP Hạ Long) chính thức khai trương hứa hẹn mang đến một sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn tại thành phố bên bờ di sản. Phố đi bộ Bài Thơ hoạt động từ 18-24h tối ngày thứ 6, thứ 7 hằng tuần. Tuyến phố có vị trí đắc địa nằm dưới chân núi Bài Thơ, nơi có chùa Long Tiên cổ kính, kết nối rất gần với cụm Di tích lịch sử văn hóa núi Bài Thơ và nhiều di tích được xếp hạng quốc gia. Đồng thời, kết nối thuận lợi với chợ Hạ Long 1, Vincom, Công viên Hạ Long và đường bao biển Trần Quốc Nghiễn. Phố đi bộ Bài Thơ được duy trì với các hoạt động đặc sắc như: Biểu diễn âm nhạc, vẽ ký họa, thư pháp, nhảy hiện đại, ẩm thực, quán bar…
Ngoài ra, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã đưa vào hoạt động các tuyến phố đi bộ như: Phố đi bộ thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà), phố đi bộ xã Minh Châu (huyện Vân Đồn), phố đi bộ xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn), phố đi bộ Ký Con (huyện Cô Tô)...
Đìu hiu phố đi bộ
Phố đi bộ gắn liền với địa danh, văn hóa, con người của mỗi địa phương được đưa vào hoạt động kỳ vọng tạo ra sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng, hấp dẫn du khách. Sau một thời gian đi vào hoạt động, một số tuyến phố đi bộ đã trở nên vắng vẻ.
Trái lại với sự tấp nập của những ngày đầu đi vào hoạt động, phố đi bộ đìu hiu. Theo ghi nhận của phóng viên, dù mới 21h30, phố đi bộ Bài Thơ đã vắng bóng cả du khách và người kinh doanh. Cả con phố chỉ còn “đếm trên tay” vài quầy hàng kinh doanh chủ yếu là đồ chơi trẻ em, ăn vặt, giải khát… Nhiều quầy hàng di động đã được người kinh doanh khóa chặt từ lâu.
Chị Hà Thị Kim Oanh, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long cho biết: Hoạt động văn hóa tại phố đi bộ Bài Thơ mỗi tối chủ yếu là ca nhạc, nhảy hiện đại… nên không đặc sắc để thu hút du khách. Thêm vào đó, các gian hàng ăn uống ở phố đi bộ chủ yếu quy mô nhỏ, đặt ở lòng đường, có tính chất di động. Chiếm con số áp đảo là các quầy thức ăn vặt phổ biến như đồ xiên, viên chiên, trà – nước giải khát, kem khói… nên sơ sài, trùng lặp, chất lượng chưa cao. Vấn đề về an toàn thực phẩm là yếu tố khiến nhiều người e ngại bởi không gian nhỏ, đông đúc qua lại, thực phẩm không được che đậy. Đặc biệt, phố đi bộ chưa có hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm hấp dẫn cho trẻ em.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa - thông tin TP Hạ Long, cho biết: Trên cơ sở triển khai thí điểm, phòng sẽ tham mưu cho thành phố đánh giá lại hiệu quả của phố đi bộ, từ đó, tháo gỡ những vướng mắc, khắc phục tồn tại, nâng cao chất lượng. Trong đó, tập trung triển khai hoạt động văn hóa đặc sắc mang tính đặc trưng riêng, vận động người dân xung quanh tham gia kinh doanh, thay đổi cách tổ chức phố đi bộ. Về lâu dài, thành phố sẽ nghiên cứu kết nối, mở rộng tuyến phố đi bộ ra khu vực chợ Hạ Long và đền Trần Quốc Nghiễn.
Cũng bởi vắng khách, sau 10 tháng thí điểm, phố đêm thợ mỏ của TP Cẩm Phả đã dừng hoạt động từ ngày 18/3/2023. Bên cạnh những kết quả đạt được, phố đêm thợ mỏ tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, quy mô tuyến phố quá dài, các hộ kinh doanh chưa tích cực tham gia chuyển đổi mô hình mới, ẩm thực chưa có điểm khác biệt, sản phẩm không phong phú, thiếu điểm vui chơi có chất lượng cho trẻ em. Thêm vào đó, các hoạt động văn hóa chưa diễn ra thường xuyên, không khí tại tuyến phố có phần lắng xuống, không tạo được điểm nhấn. Một số gian hàng do hộ kinh doanh tự lắp dựng không đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Tình trạng gây gổ, tranh giành, mâu thuẫn dẫn đến mất an ninh trật tự vẫn còn diễn ra.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do đề án xây dựng tuyến phố đi bộ kết hợp với phát triển không gian thương mại trên địa bàn phường Cẩm Tây chưa được phê duyệt chính thức nên thiếu cơ sở đầu tư, hình thức vận hành, phương án hoạt động. Đồng thời, chưa có sự thống nhất giữa đơn vị quản lý mặt bằng Quảng trường 12-11 và đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường là Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV. Cơ chế đầu tư nguồn lực chưa rõ ràng, quy chế quản lý phối hợp giữa đơn vị chủ quản và đơn vị tổ chức chưa thống nhất. Các mặt hàng kinh doanh không có gì đặc sắc, tiêu biểu, mang tính tự phát.
Theo lãnh đạo TP Cẩm Phả, thời gian tới, thành phố sẽ hoàn thiện đề án xây dựng tuyến phố đi bộ kết hợp với phát triển không gian thương mại trên địa bàn phường Cẩm Tây, cân đối ngân sách để đầu tư hạ tầng hạng mục trong đề án, xây dựng quy chế phối hợp liên quan đến tài sản hình thành sau đầu tư, đẩy mạnh hoạt động mang tính cộng đồng tạo không khí vui tươi sôi nổi, thu hút đơn vị tham gia đầu tư nhằm sớm đưa tuyến phố thành sản phẩm du lịch đặc trưng.
Theo ông Trần Nhuận Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Nam Phong, để phố đi bộ trở thành sản phẩm du lịch mang tính bền vững thì con phố đó phải được hình thành tự nhiên, xuất phát từ cung cầu, thu hút rất đông người có nhu cầu vào đó, ăn uống, mua sắm, vui chơi. Mỗi hộ dân trong con phố tự mở các sản phẩm dịch vụ hoặc cho thuê trong căn nhà họ đang ở, biến mỗi căn nhà là một điểm dịch vụ có sự thu hút, một điểm kinh doanh có tính hấp dẫn. Khi đó, chính quyền địa phương chỉ đóng vai trò quản lý, đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ vững an ninh trật tự, đầu tư hạ tầng, quảng bá sản phẩm.
Việc phát huy tốt hiệu quả các phố đi bộ không chỉ tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, mà còn là xây dựng nếp sống văn minh tại địa phương, khẳng định thương hiệu điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện của Quảng Ninh. Do đó, các cấp ngành và địa phương cần có định hướng cụ thể để triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động và duy trì phố đi bộ bền vững, hiệu quả, phù hợp.
Cao Quỳnh - Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()