Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:25 (GMT +7)
Hướng đến xanh hóa sản xuất
Thứ 3, 25/01/2022 | 11:12:37 [GMT +7] A A
Giai đoạn 2021 – 2025, ngành Công Thương đặt mục tiêu cơ bản: Giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất; 50 - 70% cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện kiểm kê và có kế hoạch giảm phát thải… nhằm thúc đẩy mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững.
Thúc đẩy tiêu dùng bền vững
Doanh nghiệp (DN) ngành Công Thương với đặc thù sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại - những lĩnh vực quan trọng của đất nước song cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) – cho biết: Giai đoạn vừa qua, toàn ngành đã nỗ lực, kiên trì đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng về DN và người dân để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Theo Bộ Công Thương, để triển khai nhiệm vụ xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Thông qua các hoạt động của Chiến lược quốc gia về sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thị trường hàng hóa và hệ thống phân phối trên cả nước đã có những thay đổi tích cực. Trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng có nhiều gian hàng phục vụ sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường như: Thiết bị điện tử được dán nhãn hiệu suất năng lượng, các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm xanh, phát thải carbon thấp ngày càng được người tiêu dùng quan tâm... Điều này góp phần thay đổi nhận thức tiêu dùng xanh đối với người dân. Qua đó, tạo động lực cho nhà sản xuất chuyển đổi, đầu tư sang công nghệ xanh, giảm dấu vết carbon đối với hàng hóa cung cấp ra thị trường.
Được biết, ở Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020, đã có 68,5% DN nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn (tính đến năm 2019), tăng 20,5% so với năm 2010; 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng sản xuất sạch hơn, tăng 35,9% so năm 2010, trong đó 12% cơ sở đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm.
Cơ cấu lại nền kinh tế
Thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục có những hành động cụ thể, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Cụ thể, giai đoạn 2021- 2025, ngành Công Thương đặt mục tiêu giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất như: Dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu bia, nước giải khát, giấy...; 50 - 70% cơ sở thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính và có kế hoạch giảm phát thải; 85% siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững...
Giai đoạn 2026-2030, đặt mục tiêu giảm 7 - 10% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu các ngành sản xuất chính như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu bia, nước giải khát, giấy và một số ngành sản xuất khác; 100% siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Công Thương sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ trong sản xuất công nghiệp, tăng cường sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm tối đa chất thải ra môi trường… |
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()