Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 22/01/2025 14:06 (GMT +7)
Hướng đến nông thôn hiện đại, văn minh, giàu đẹp
Thứ 4, 22/01/2025 | 09:47:09 [GMT +7] A A
Năm 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, gắn với đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Để thực hiện mục tiêu đó, nhiều địa phương của tỉnh đặt mục tiêu phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa, góp phần xây dựng NTM theo hướng văn minh, hiện đại.
Huy động sức dân
Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, những năm qua, cả hệ thống chính trị của Quảng Ninh đã vào cuộc tuyên truyền, vận động, tạo được phong trào sôi nổi trong xây dựng NTM. Từ chỗ người dân và cán bộ cấp xã, huyện coi đây là một chương trình đầu tư của Nhà nước cho vùng nông thôn, đến nay tất cả đã chủ động tham gia, xóa bỏ tâm thế ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, vào chính quyền.
Người dân không những tự vươn lên làm chủ trong xây dựng NTM, thoát nghèo bền vững, mà còn đóng góp tiền của, công sức để xây dựng các công trình công cộng, làm đường giao thông… Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011-2023, nhân dân, cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã đóng góp 17.973 tỷ đồng; chiếm 8,1% tổng kinh phí xây dựng NTM của tỉnh ở giai đoạn này.
Để huy động sức dân trong xây dựng NTM, tỉnh đã phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn chặt với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ủy ban MTTQ tỉnh cũng phối hợp với UBND tỉnh xây dựng chương trình phối hợp công tác để triển khai có hiệu quả các phong trào này.
Đặc biệt, nhờ các giải pháp hiệu quả, nhất là công tác tuyên truyền từ tỉnh, địa phương đến cơ sở, người dân đã hiểu được giá trị của chương trình xây dựng NTM. Từ đó, nhiều người dân đã đồng lòng, chung sức cùng các cấp chính quyền xây dựng NTM, điển hình là tham gia đóng góp ngày công, hiến đất, tài sản trên đất để xây dựng những công trình NTM.
Anh Trần Văn Kim (thôn Khe Lục, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) chia sẻ: Khi có chủ trương xây dựng Trường TH&THCS Đại Dực trên địa bàn thôn, gia đình tôi đã tự nguyện hiến 2.000m2 đất để xây trường học, tiếp đó tôi còn hiến 3.600m2 đất để xây dựng nhà văn hóa thôn... Việc tôi hiến đất để xây dựng trường học và nhà văn hoá là mong muốn các cháu có địa điểm học tốt hơn, bà con thì có nơi để sinh hoạt cộng đồng, tổ chức hội nghị, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của mọi người dân trong thôn.
Cũng từ chương trình xây dựng NTM, người dân đã biết vươn lên làm giàu chính đáng; đổi mới tư duy để xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Nối tiếp thành quả đạt được
Một trong những dấu ấn năm 2024 của Quảng Ninh là đã hoàn thành sớm hơn 2 năm chương trình xây dựng NTM ở cả 3 cấp từ tỉnh đến xã. Trong đó, Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM; Tiên Yên, Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021-2025.
Có được những kết quả đó chính là nhờ những chủ trương, chính sách kịp thời của tỉnh cũng như sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân tại các địa phương trong tỉnh mà đích đến của mọi nỗ lực chính là vì hạnh phúc, vì cuộc sống ấm no của nhân dân.
Trong đó, tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền; đổi mới, gắn kết chặt chẽ, hài hoà phát triển giữa đô thị với xây dựng NTM, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, giữa phát triển công nghiệp - dịch vụ với phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, chính là phát huy được sức mạnh của nhân dân, ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo và luôn đề cao vai trò của người đứng đầu của các địa phương cấp huyện, cấp xã.
Tiếp nối những thành quả đã đạt được, năm 2025, tỉnh sẽ phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là xã Hòa Bình (TP Hạ Long) và xã Vĩnh Trung (TP Móng Cái), nâng tổng số lên thành 55 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là xã Cái Chiên (huyện Hải Hà) và xã Lương Minh (huyện Ba Chẽ), nâng tổng số lên thành 27 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có thêm 29 thôn đạt chuẩn NTM, trong đó có thêm 27 thôn thuộc các xã khu vực biên giới, vùng núi đạt chuẩn NTM.
Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh tiếp tục kiên định quan điểm xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, với việc tập trung triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược trong xây dựng NTM về hạ tầng KT-XH, GD&ĐT, nâng cao năng lực lãnh, chỉ đạo trong tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở đối với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tiến tới xây dựng NTM thông minh.
Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức hiệu quả phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng NTM” gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện phong trào thi đua vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau; phát huy tối đa vai trò chủ thể của nhân dân, lấy phục vụ lợi ích cho nhân dân là động lực xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu…
Vân Anh
- Niềm vui đón Xuân trên những cung đường nông thôn mới
- Xây dựng nông thôn mới - hành trình không điểm dừng
- Dấu ấn những miền quê nông thôn mới
- Rộng mở những con đường nông thôn mới
- Chuyển đổi số xây dựng nông thôn mới thông minh
- Huyện Đầm Hà: Dồn sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
- Huy động tổng lực xây dựng nông thôn mới
- Sức dân tạo nên sự bền vững trong xây dựng nông thôn mới
Liên kết website
Ý kiến ()