Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:18 (GMT +7)
Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong mùa dịch COVID-19
Thứ 4, 27/10/2021 | 14:36:27 [GMT +7] A A
Trong giai đoạn dịch bệnh, sức khỏe của người cao tuổi cần được quan tâm hơn bao giờ hết, bởi đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch. Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong mùa dịch COVID-19 giúp người cao tuổi phòng tránh được nguy cơ mắc bệnh và giải quyết các vấn đề sức khỏe tinh thần do dịch bệnh gây ra.
Theo thống kê, trung bình người cao tuổi ở Việt Nam gồm nhóm trên 60 tuổi mắc trung bình 2,6 bệnh lý nền; nhóm người trên 80 tuổi mắc 6,8 bệnh lý nền. Do vậy đây là đối tượng dễ bị tổn thương do đại dịch và nguy cơ nhiễm Covid-19 là rất cao. Việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong mùa dịch covid-19 là việc làm cần thiết giúp người già tránh được nguy cơ mắc bệnh cũng như khỏe mạnh, lạc quan hơn trong mùa dịch.
Ngoài những lưu ý về dinh dưỡng, hạn chế đi ra ngoài, phòng dịch theo nguyên tắc 5K thì việc sinh hoạt, dinh dưỡng, nghỉ ngơi cũng cần được lưu ý điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu và sức khỏe của người cao tuổi.
1. Về vấn đề tập luyện của người cao tuổi trong giai đoạn mùa dịch covid-19
Hiện tại, nước tai có khoảng gần 12 triệu người cao tuổi, đa số mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tập luyện có những lợi ích lớn cho sức khỏe, mang lại sức mạnh về tinh thần, giảm căng thẳng, lo lắng, do vậy người cao tuổi đừng quên tập thể dục ngay cả khi không thể ra ngoài.
Tuy nhiên trong thời điểm dịch bệnh, đa số người cao tuổi phải ở nhà và việc vận động ngoài trời là rất khó và hạn chế. Do vậy, con cái, người thân có thể sắp xếp không gian cho người cao tuổi tập luyện, nếu khuôn viên rộng có thể tập ngoài ban công, sân thượng đủ ánh sáng và nhiều không khí. Nếu gia đình nhỏ có thể tập luyện chính trong ngôi nhà bằng máy chạy bộ...
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong giai đoạn dịch bệnh cần chú ý duy trì thói quen tập hít thở thường xuyên. Việc hít thở không đòi hỏi không gian rộng, cho nên những gia đình ở thành phố bị giới hạn diện tích nên khuyến cáo cha mẹ, ông bà tập hít thở sâu thường xuyên, mỗi lần 15 phút để tăng cường chức năng của phổi.
Gia đình có người cao tuổi cần chú ý, nếu ông bà càng ít vận đồng thì việc suy giảm và lão hóa càng nhanh. Điều này sẽ diễn ra rất nhanh nếu như người cao tuổi ngồi và nằm nhiều, nhất là với người đang mắc bệnh mãn tính. Lợi ích của việc vận động không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe trong mùa dịch mà còn giúp hạn chế mắc các bệnh tim mạch, loãng xương, cải thiện chức năng xương khớp và sức khỏe tinh thần.
Người cao tuổi trong giai đoạn dịch bệnh nên tập luyện đều đặn, mỗi ngày nên duy trì từ 20-60 phút, nên tập vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều, nếu không gian thoáng, có thể phơi nắng trong thời điểm từ 7h đến 8h sáng để tăng cường vitamin D giúp xương khớp khỏe mạnh hơn.
Tùy vào sức khỏe của mỗi người và khả năng vận động mà mức độ tập luyện khác nhau. Người cao tuổi không nên tập luyện gắng sức, không cố tập những bài tập phức tạp và cần nghỉ ngơi nếu thấy mệt hoặc khó thở.
Theo tài liệu Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của Bộ Y tế, có rất nhiều bài tập dễ thực hiện, thuận tiện và không tốn kém cho người cao tuổi như
- Nâng tạ với các động tác gập/duỗi khuỷu tay, dạng vai từ 7-15 lần cho mỗi động tác, lặp lại 3 hiệp
- Đứng lên ngồi xuống 7-15 lần tùy theo sức khỏe, đứng trên mũi chân, đứng trên gót chân, có ghế/thanh vịn phía trước để đảm bảo an toàn;
- Các bài tập duy trì sức bền: đạp xe lực kế, bước tại chỗ; Các bài tập thăng bằng: đứng mũi chân chạm gót, đứng chụm chân, đứng trên 1 chân hoặc tập thái cực quyền… Tập duy trì 30 phút/ngày, 5 ngày/ tuần đối với tập sức bền (đạp xe, đi bộ).
- Tập hít thở theo hướng dẫn của Bộ Y Tế nhằm nâng cao sức khỏe của phổi, tăng cường sự trao đổi chất và cải thiện sức khỏe tinh thần.
2. Về vấn đề dinh dưỡng
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong mùa dịch COVID-19 cũng cần chú ý đến vấn đề dinh dưỡng bởi dinh dưỡng góp phần nâng cao thể trạng cho người cao tuổi, phòng tránh các vấn đề suy nhược sức khỏe do thiếu chất hay làm tăng nặng tình trạng bệnh khi ăn uống không điều độ với người đang bị bệnh mãn tính.
- Bước vào giai đoạn cao tuổi, cần cắt giảm khẩu phần ăn so với thời trẻ, đặc biệt là tinh bột
Giải thích điều này, các chuyên gia Viện dinh dưỡng cho rằng, nhu cầu năng lượng ở người 60 tuổi giảm đi 20%, ở người trên 70 tuổi giảm đi 30% so với người 25 tuổi. Theo nhu cầu khuyến nghị của người Việt Nam, với người cao tuổi nhu cầu về năng lượng là từ 1700-1900 kcal/người/ngày.
Cụ thể năng lượng từ ngũ cốc khoảng 68%; chất béo 18% và đạm 14% tổng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày. Người cao tuổi cần giữ cân nặng ổn định, chỉ số BIM cần duy trì từ 18,5 đến 22.9
- Chia nhỏ bữa ăn, tạo không khí ăn uống thoải mái
Khi lớn tuổi, chức năng tiêu hóa bị hạn chế, do vậy việc chia nhỏ thành nhiều bữa ăn giúp giảm áp lực lên đường tiêu hóa, hạn chế tình trạng đầy hơi chướng bụng. Khi ăn, cần nhai chậm nhai kỹ thức ăn.
- Tăng cường các chất đạm từ thực vật
Trong giai đoạn này, người cao tuổi nên tăng cường các loại đạm từ thực vật thay vì đạm động vật như vừng, lạc, các loại đỗ hoặc rau xanh. Ăn ít thịt, đặc biệt là thịt đỏ, thay vào đó là cá, tôm, cua.
- Lưu ý về cách chế biến
Trong giai đoạn dịch bệnh, nên cho người cao tuổi ăn các món ăn được chế biến mềm, nhừ, nên ăn nóng, ăn chín, uống sôi. Nếu người cao tuổi nhiễm Covid-19, cần cho người bệnh uống thật nhiều nước, ăn các món súp, cháo, canh nóng,
Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối, sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút sẽ giúp dạ dày nhào trộn thức ăn và dễ tiêu.
- Ăn giảm thịt, giảm chất béo và giảm muối
Về chất đạm, nhu cầu chất đạm của người cao tuổi theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng là từ 60-70 gram một ngày, nên thay thế đạm động vật bằng các loại thực phẩm giàu canxi như cá, tôm, cua (100 g tép chứa 910 mg can xi, 100 g cua chứa 5040 mg can xi). Hạn chế tiêu thụ các loại protein từ nội tạng động vật, óc lợn...
- Đảm bảo chất xơ, vitamin và hoa quả tươi
Nhu cầu chất xơ của người cao tuổi chiếm khoảng 25g/ngày, các loại chất xơ hòa tan có tác dụng làm giảm cholesterol xấu trong máu và giảm đường trong máu, rất tốt đối với những người cao tuổi bị tiểu đường huyết áp. Cần ăn các loại rau xanh hoa quả giàu vitamin và khoáng chất, mỗi ngày nên ăn 300g rau xanh và 100g hoa quả. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong giai đoạn dịch bệnh cần chú ý cho cha mẹ, ông bà uống thêm cái loại vitamin, đặc biệt là vitamin C để tăng cường sức đề kháng tuy nhiên nếu đang mắc các bệnh lý nền, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung vitamin đúng cách.
- Uống đủ nước theo nhu cầu
Người cao tuổi thường thường uống ít nước do sợ đi tiểu nhiều, mất ngủ. Tuy nhiên nên uống duy trì 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày, uống chia thành ngụm nhỏ, nên để nước ở trong phòng ngủ, phòng khách, bếp để người cao tuổi tiện uống bất kỳ lúc nào. Nên uống nước trà xanh tốt cho tim mạch và các loại thức uống có tác dụng an thần như hạt sen, chè ngó sen...
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()