Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:43 (GMT +7)
Hư cấu trong nghệ thuật điện ảnh cũng cần giới hạn
Thứ 3, 05/07/2022 | 07:48:17 [GMT +7] A A
Hai bộ phim "Em và Trịnh" và "Trịnh Công Sơn" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã gây xôn xao dư luận những ngày qua, đặc biệt từ khi có sự lên tiếng của các nguyên mẫu ca sĩ nổi tiếng về yếu tố hư cấu trong phim được cho là có nhiều sai lệch so với thực tế các câu chuyện, nhân vật.
Đây không phải lần đầu hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được khai thác trên màn ảnh. Năm 1992, bộ phim "Em còn nhớ hay em đã quên" do đạo diễn Nguyễn Hữu Phần biên kịch và đồng đạo diễn với Phi Tiến Sơn đã tạo dấu ấn đẹp trong lòng khán giả. Ngoài doanh thu cao, phim còn đoạt nhiều giải thưởng tại các Liên hoan phim thời đó. Dù lấy cảm hứng từ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các ca khúc nổi tiếng của ông, song, các nhân vật chính đều được đổi tên, nội dung phim cũng được hư cấu theo câu chuyện, diễn biến mới.
"Em và Trịnh" và "Trịnh Công Sơn" thuộc trường hợp khác. Ðó là những bộ phim thể loại tiểu sử chân dung mà một trong những thách thức lớn đối với thể loại này là phải giải quyết được ranh giới mong manh giữa các nhân vật, tình huống đã được nhiều người biết rõ, với sự sáng tạo của điện ảnh, nhằm tạo ra những chân dung, câu chuyện thuyết phục. Hai bộ phim chọn khai thác hai giai đoạn mang tính dấu ấn trong sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn, đó là thập niên 60 và thập niên 90 của thế kỷ 20. Một chân dung nhạc sĩ thời trẻ với nguồn cảm hứng bất tận về tình yêu, tuổi trẻ và biến động. Một chân dung nhạc sĩ tuổi trung niên đã trải qua nhiều mất mát của cuộc đời.
Cùng đạo diễn, cùng ê-kíp phim, nhưng đã là hai phim khác nhau thì chắc chắn phải có sự khác biệt cơ bản. Tuy nhiên, khi hai bộ phim này ra rạp cùng thời điểm, khán giả bỏ tiền mua vé bỗng có cảm giác... bị lừa, vì chi tiết trong hai phim trùng nhau tới khoảng 70%-80% về nội dung cảnh quay, diễn biến. Phim "Em và Trịnh" dài hơn bởi có thêm phần nội dung về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở tuổi trung niên.
Chỉ riêng việc cho ra mắt hai bản phim gần giống nhau, phát hành cùng thời điểm, và ê-kíp không công bố rõ ràng với khán giả về chi tiết này đã thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp. Chưa kể, trên các phương tiện truyền thông còn quảng bá hai bộ phim theo hướng đây là hiện tượng "chấn động, lần đầu trong lịch sử phim Việt". Ðiều này đặt ra câu hỏi về cách làm nghề, quảng bá phim đang bộc lộ những yếu tố thiếu tích cực, ảnh hưởng tới khán giả và môi trường điện ảnh.
Vấn đề thứ hai, về giới hạn trong hư cấu. Trước hết, cần khẳng định, điện ảnh hay nghệ thuật nói chung đều có quyền hư cấu, cho phép người sáng tạo được mượn chất liệu về cuộc đời, tác phẩm của một nhân vật nào đó để chuyển tải góc nhìn, thông điệp riêng. Tuy nhiên, khi làm phim về các nhân vật có thật, đã trở nên khá quen thuộc với người đương thời thì đây là một thách thức và chắc chắn ê-kíp phim không phải muốn "tô vẽ" gì cũng được. Ðoàn làm phim thuyết phục được đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng sau khi phim ra rạp lại bị ca sĩ Khánh Ly và Thanh Thúy phản đối.
Theo đó, họ cho rằng hình tượng nhân vật mang tên mình bị khai thác không đúng với hiện thực vốn có, làm dấy lên cảm nhận sai lệch, mập mờ, mang chiều hướng thiếu tích cực từ phía khán giả. Chẳng hạn, ca sĩ Khánh Ly không đồng tình với các chi tiết nhân vật mang tên mình có hành động sỗ sàng, gần gũi quá mức với nhân vật đóng vai Trịnh Công Sơn, nhất là câu thoại của nhân vật nữ khi nghe xong ca khúc "Nhìn những mùa thu đi": "Hay thế! Anh thó của ông Văn Cao đấy à?". Ca sĩ Thanh Thúy hồi tưởng, thời điểm ấy bà đi hát chỉ mặc áo dài, có giai đoạn chỉ áo dài đen và trắng vì gia đình gặp chuyện buồn, nhưng trên màn ảnh lại là một Thanh Thúy gợi cảm, mặc xường xám, có nhiều thanh niên vây quanh.
Hư cấu vẫn cần chừng mực và mục đích cuối cùng là giúp công chúng cảm nhận một cách gần rõ nét hơn cá tính, giá trị của nhân vật, chứ không phải để "dìm" nhân vật xuống bằng góc nhìn sai lệch. Hai diễn viên chính đóng vai Trịnh Công Sơn là Avin Lu và Trần Lực cũng nhận nhiều ý kiến đa chiều. Dù vậy, đó là vai diễn mà nguyên mẫu đã qua đời, không còn cơ hội bày tỏ thái độ. Còn với các nguyên mẫu đang sinh sống, làm việc, có cuộc sống riêng tư..., họ hoàn toàn có quyền lên tiếng, thậm chí là khởi kiện nếu tác phẩm điện ảnh gây ảnh hưởng xấu tới bản thân mình.
Với điện ảnh thế giới, nhiều bộ phim tiểu sử đã thành công khi tập trung vào một khoảng thời gian hẹp của nhân vật, thay vì ôm đồm cả cuộc đời họ. Chẳng hạn như việc ghi âm một album mang tính biểu tượng hay một khoảnh khắc cụ thể trong lịch sử, từ đó tìm ra những góc nhìn sáng tạo khác biệt hoặc đào sâu hơn vào thế giới nội tâm của nhân vật. Có thể kể đến phim "Spencer" (2021) về công nương Diana, "Nowhere Boy" (2009) về John Lennon thời niên thiếu... Những nguyên mẫu nêu trên dù đã qua đời hay còn sống, thì sức ảnh hưởng và "quyền lực" về hình ảnh của họ vẫn được bảo vệ và nếu ê-kíp phim đi quá giới hạn về sự hư cấu, thì có thể phải đối diện với rất nhiều hệ lụy.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()