Dự báo mới cao hơn mức cũ 2 điểm phần trăm, nhưng vẫn nằm dưới mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Nguyên nhân nhà băng này nâng dự báo là do đà lạm phát đã tăng nhanh trong hai tháng qua, được xem là rủi ro gia tăng đáng kể.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ đã tăng nhanh từ mức 2% của tháng 6 lên 3,66% vào tháng 9. Áp lực tăng đến từ đợt tăng giá liên tục trên thị trường dầu và gạo, vốn chiếm phần lớn trong rổ CPI của Việt Nam.
Trong cùng giai đoạn, lạm phát cơ bản có xu hướng đi xuống, từ 4,33% vào tháng 6 còn 3,8% vào tháng 9, nhưng bình quân 9 tháng vẫn cao, tăng 4,49% so với cùng kỳ 2022, và cao hơn mức tăng CPI bình quân chung.
Theo nhà băng này, trong khi thương mại của Việt Nam được hưởng lợi từ giá gạo cao hơn, thì giá cả quốc tế cũng đã đẩy giá hàng hóa thiết yếu trong nước tăng. Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động gần đây trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Không chỉ chi phí vận tải đã lần đầu tiên ngưng giảm trong 12 tháng qua mà giá gas cũng tăng đáng kể.
Với sự phục hồi kinh tế liên tục, lạm phát gia tăng và rủi ro ngoại tệ xuất hiện trở lại, HSBC cho rằng các điều kiện không còn đảm bảo cho việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản như họ từng dự báo. Do vậy, ngân hàng này hiện cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% trong suốt năm 2024, trừ khi có cú sốc lớn từ bên ngoài.
Ý kiến ()