Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:33 (GMT +7)
Hot girl nóng cùng World Cup: Nhà đài hãy lắng nghe ý kiến của khán giả!
Thứ 5, 24/11/2022 | 22:02:11 [GMT +7] A A
Ông Trần Đăng Tuấn, cựu phó tổng giám đốc VTV, hiểu việc mời hot girl 'nóng cùng World Cup' là để thêm vui và sinh động nhưng việc này đã thành gánh nặng cho chương trình. Ông khuyên đài 'mạnh dạn thôi mảng đó đi'.
Xung quanh câu chuyện "Có nên để hot girl bình luận World Cup?", ngày càng có nhiều nhân vật uy tín lên tiếng.
Ông Trần Đăng Tuấn, tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, fanpage Nhà Nhiều Cột, fanpage Hoán đổi giới tính, nhà văn trẻ Trúc Thiên... nêu ý kiến. Họ cho rằng nhà đài nên lắng nghe ý kiến của khán giả.
Hot girl đang thành 'gánh nặng'?
Ông Trần Đăng Tuấn viết trên trang cá nhân, góp ý với các bình luận viên World Cup năm nay: "Tôi hiểu các bạn cũng muốn có một không khí vui và sinh động. Nhưng giờ đây việc có đội các bạn nữ "nóng cùng" giải đấu này thành gánh nặng cho các bạn rồi. Mạnh dạn thôi mảng đó đi.
Không nhất định đã làm rồi thì cứ phải giữ. Muốn có không khí đến các trận cuối "triệu tập" lại cho vui cũng được. Chứ giữ mảng này là ôm rơm rặm bụng, không nên đâu!".
Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, người quan tâm đến bình đẳng giới, đề nghị: "Ước gì chương trình "Nóng cùng World Cup" thay vì chọn 32 cô gái xinh đẹp đại diện cho 32 quốc gia, thì mời 32 nữ tuyển thủ Việt Nam, rồi thiết kế những nội dung tương tác phù hợp với tài năng của họ...
Đưa họ lên chương trình quốc gia vừa văn minh, vừa có ý nghĩa, vừa tôn vinh tài năng của các tuyển thủ, vừa góp phần phá bỏ khuôn mẫu định kiến về phụ nữ và thể thao, vừa tạo niềm cảm hứng cho những cô gái nhỏ khác vươn lên theo đuổi đam mê sở thích của bản thân".
Bên cạnh đó, tiến sĩ Phương Mai chỉ ra việc đưa các cô gái thiếu kiến thức về bóng đá lên "Nóng cùng World Cup" là biểu hiện "coi sắc đẹp phụ nữ như thứ trang trí cho bóng đá và hấp dẫn đàn ông", đồng thời "hạ thấp bản lĩnh đàn ông, đưa bản năng dục tính làm mồi nhử".
Độc giả Linh Khánh Linh bổ sung dưới bài đăng của tiến sĩ Phương Mai: "Đâu cần phải mời cầu thủ nữ về, chỉ cần mời những bạn nữ đam mê thể thao thật sự, có kiến thức thật".
Ở chiều ngược lại, phản bác tiến sĩ Phương Mai, một độc giả viết: "Mỗi người có một vai trò. Bình luận chuyên môn đã có các chuyên gia, màu giải trí của chương trình có các nhân vật giải trí (ca sĩ, diễn viên, hot girl...). Cáo buộc một chương trình chỉ vì cho gái xinh vào là vô lý, vậy thì chúng ta phải chấm dứt mọi hoạt động có gái xinh".
Một độc giả khác không đồng tình với độc giả trên: "Tùy mỗi chương trình mà mục đích khác nhau chứ. Làm PG quảng cáo chỉ cần người đẹp, không cần nói. Làm MC thì cần vừa xinh vừa có chuyên môn. Còn đây là chương trình bình luận bóng đá, cần hiểu biết về bóng đá".
Mảnh đất màu mỡ cho lời đùa khiếm nhã, tục tĩu?
Nhà văn trẻ Trúc Thiên viết: "Đài truyền hình quốc gia nên lắng nghe tiếng nói của người dân, chí ít người hâm mộ bóng đá đang theo dõi World Cup 2022. Mọi người hoàn toàn không thích mấy hot girl phát biểu linh tinh về bóng đá".
Fanpage Nhà Nhiều Cột, chiến dịch xã hội về bình đẳng giới, phân tích những điểm không ổn trong "Nóng cùng World Cup 2022".
Trang này cho rằng các cô gái thường mặc trang phục bó sát, tập vũ đạo hoặc hình thể, được xếp ngồi riêng một khu trong chương trình, vai trò chỉ dừng lại ở dự đoán tỉ số và bình luận ngắn, thường bị cười cợt vì nói sai, nói ngô nghê hoặc quá đơn giản.
"Vấn đề với sự sắp xếp này nằm ở chỗ nó tiếp diễn những khuôn mẫu đã quá cũ kỹ về thể thao. Sắc đẹp của nữ giới mang tính chất tiêu khiển cho hoạt động thể thao của nam giới" - Nhà Nhiều Cột phân tích.
Trang này đề cập đến hệ lụy ngoài màn ảnh, đó là trên mạng xã hội, danh sách Facebook của các cô gái bị lan truyền: "Phần bình luận của những bài đăng ấy là mảnh đất màu mỡ cho sự tục tĩu, quấy rối tình dục bằng lời nói và tư duy vật hóa phụ nữ.
Nghiêm trọng hơn, giá trị của họ được tùy tiện quyết định bằng những câu đùa vui về tình dục và ngành công nghiệp mại dâm".
Trang Nhà Nhiều Cột nhắc đến chia sẻ của Huỳnh Như, đội trưởng tuyển bóng đá nữ Việt Nam, với Tuổi Trẻ Cuối Tuần mới đây. Đó là thiệt thòi của phụ nữ trong lĩnh vực thể thao: tình yêu thể thao của phụ nữ khó được nhìn thấy và tạo điều kiện, nỗ lực thi đấu và cống hiến của họ ít khi được xã hội quan tâm. Đừng tô đậm thêm những thiệt thòi này. |
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()