Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:25 (GMT +7)
Họp Quốc hội: Đơn giản hóa thủ tục khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp
Thứ 3, 05/11/2024 | 20:00:06 [GMT +7] A A
Liên quan đến quản lý đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp (nhóm IV), Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất theo hướng vẫn quy định cấp phép nhưng đơn giản hóa quy trình, thủ tục.
Chiều 5/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Khơi thông nguồn lực
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết về nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, dự thảo Luật kế thừa quy định về số lượng giấy phép thăm dò của Luật hiện hành để hạn chế việc đầu cơ, giữ mỏ, trong quá trình thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 không có vướng mắc.
Việc loại trừ quy định đối với khoáng sản than/khoáng sản năng lượng là không phù hợp giữa các nhóm, loại khoáng sản trong hoạt động cấp giấy phép thăm dò khoáng sản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất chỉnh lý theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với trường hợp tổ chức đề nghị vượt quá 5 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản.
Liên quan đến quản lý đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp (nhóm IV), Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất theo hướng vẫn quy định cấp phép nhưng đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với khoáng sản nhóm IV nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đối với đề nghị bỏ nội dung thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đồng thời xem xét tăng mức thu thuế tài nguyên khoáng sản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy qua 13 năm thực hiện, chính sách “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” đã góp phần hạn chế đầu cơ, giữ mỏ để chuyển nhượng, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, đồng thời cũng là một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Để giải quyết hạn chế, vướng mắc hiện nay, dự thảo Luật đã quy định theo hướng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế. Với quy định nêu trên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ không bị ảnh hưởng bởi trữ lượng địa chất, trữ lượng không được khai thác, không thể khai thác hết hoặc vì lý do khách quan chưa thể đưa mỏ vào khai thác.
Về thuế tài nguyên, tổ chức, cá nhân tự kê khai sản lượng khai thác thực tế và nộp theo tháng và được quyết toán theo năm. Đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, dự thảo Luật đang quy định theo hướng cơ quan quản lý nhà nước sẽ phê duyệt theo trữ lượng khoáng sản, tổ chức, cá nhân sẽ nộp 1 lần vào đầu năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế theo thời kỳ (có thể 1 năm, 3 năm hoặc 5 năm). Số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nộp thừa sẽ được chuyển sang kỳ nộp tiếp theo, trường hợp nộp thiếu thì nộp bổ sung.
Đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, trên cơ sở quyết định phê duyệt và quyết toán thuế tài nguyên, tổ chức, cá nhân chỉ phải nộp 1 năm 1 lần, không làm phát sinh thủ tục hành chính trong việc kê khai, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Bảo đảm tiến độ
Cho ý kiến về thực hiện dự án đầu tư công trình tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng trên thực tế có các công trình nhỏ như điện, đường, trường, trạm, cống thoát nước hay hạ tầng viễn thông... và các công trình cấp bách phải thực hiện ngay nhưng phải chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ mới triển khai, sẽ rất khó khăn và kéo dài thời gian không cần thiết, nhất là các địa phương có quy hoạch khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia như Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Nông...
"Nếu quy định như vậy, sau khi luật có hiệu lực sẽ phát sinh rất nhiều công việc của Thủ tướng Chính phủ và không phù hợp với xu hướng phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Do đó, không cần thiết phải quy định, được Thủ tướng Chính phủ cho phép mới triển khai các dự án, công trình như dự thảo," đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói; đồng thời đề nghị chỉ nên quy định đối với những công trình, dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội và khai thác khoáng sản không thuộc đối tượng dự trữ, mới phải đánh giá mức độ ảnh hưởng.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân về cấp, gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về cách thức giải quyết đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ và đáp ứng đầy đủ các điều kiện gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản nhưng do điều kiện khách quan như đợi quy hoạch được phê duyệt, chờ cơ quan chức năng thẩm định hồ sơ mà cơ quan nhà nước chưa xem xét giải quyết, nhằm bảo đảm tiến độ cấp, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Lan (tỉnh Quảng Ninh) cho rằng quy định về thời hạn khai thác và gia hạn khai thác khoáng sản như dự thảo Luật chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương và chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng như chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp; chưa phù hợp với quy định của Luật đầu tư.
Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra nghiên cứu quy định thời gian cấp phép khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản và điều kiện địa chất khoáng sản của dự án, điều chỉnh thời hạn khai thác không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm tại dự thảo Luật.
"Nếu nội dung này không được Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan thẩm tra nghiên cứu sửa đổi, cần xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến để có thêm cơ sở quy định phù hợp," đại biểu Đỗ Thị Lan đề xuất./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()