Đúng 10h ngày 2/11 (sau 545 ngày thi công trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19) những mẻ bê tông cuối cùng đã được rót xuống để hợp long cầu Cửa Lục I. Công trình đầu tiên khẳng định quyết tâm xây dựng Hạ Long là một đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc và sự đa dạng độc đáo “có một, không hai” về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch, là hạt nhân thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Cầu hợp long cũng đồng nghĩa với việc đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ quan trọng là nối đôi bờ vịnh Cửa Lục, để Hạ Long bước lên tâm thế phát triển mới sau gần 700 ngày được mở rộng không gian địa lý, không gian phát triển, không gian lòng người.
Năm 2019, khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 18- NQ/TU về mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ, nhân dân tỉnh Quảng Ninh tin tưởng quyết sách này mở ra không gian phát triển mới rộng lớn với tầm nhìn dài hạn cho thành phố thủ phủ của tỉnh trong vị thế của một đơn vị hành chính đủ mạnh để nhân lên sức mạnh về tiềm năng và lợi thế, tối ưu hóa công tác quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn lực, nhất là về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa… thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh. Từ đây sẽ quy hoạch phát triển được một đô thị tầm cỡ quốc tế phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng liên kết vùng và liên vùng; đột phá phát triển không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Hạ Long sẽ thực sự là đòn bẩy cho phát triển nhanh và bền vững, giảm áp lực quỹ đất phát triển của thành phố để bảo vệ cảnh quan vùng Di sản, tăng cường quản lý thống nhất về môi trường ven biển, di sản vịnh Hạ Long theo đúng quan điểm quản lý hệ thống, thúc đẩy nhanh quá trình giải quyết cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm…
Điều đặc biệt với sự hợp nhất này sẽ kết nối, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, dịch vụ rừng - biển, khai thác các giá trị văn hóa bản địa giàu bản sắc, cảnh quan sinh thái đa dạng của các xã vùng cao, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có sức cạnh tranh và thương hiệu để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch. Về chung "một nhà" để vùng có điều kiện nâng đỡ, hỗ trợ cho vùng khó thì sẽ giải quyết tốt hơn vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống người dân, tạo chuyển biến căn bản trong công tác đảm bảo an ninh vùng đồng bào dân tộc.
Thời điểm đó, Hạ Long – Hoành Bồ vẫn đang là 2 vùng tương đối độc lập bên đôi bờ vịnh Cửa Lục. Vẫn còn có những ngăn cách, cách trở bởi hạ tầng chưa đồng bộ, liên thông, kết nối.
Đồng chí Phạm Nho, nguyên Bí thư Huyện ủy Hoành Bồ cho biết: Khi tỉnh quyết định nhập Hoành Bồ vào TP Hạ Long, nhân dân đôi bờ vịnh Cửa Lục đã bày tỏ mong muốn sớm có sự kết nối bằng hệ thống hạ tầng thực sự đồng bộ để cơ hội khai thác quỹ đất rộng lớn của vùng đất phía bên bờ nam Cửa Lục được thực hiện thực sự hiệu quả, bền vững. Với việc tỉnh quyết định đầu tư ngay cầu Cửa Lục I và tới đây là Cửa Lục III không chỉ là sự giải tỏa về tâm lý cho người dân phía bên bờ nam này mà đó là minh chứng về việc thực hiện lời hứa trước nhân dân, đưa vùng khó thoát khỏi cái khó, đưa vùng khó tiệm cận với các vùng phát triển của tỉnh.
Dù trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp nhưng với quyết tâm không để đứt gãy sự phát triển, để dịch bệnh làm “đứt gãy” niềm tin, ngày 25/4/2020, lễ khởi công xây dựng cầu Cửa Lục I được diễn ra trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân đôi bờ vịnh Cửa Lục. Cầu và đường dẫn có tổng chiều dài toàn tuyến 4.265m, điểm đầu giao với tuyến đường nối Khu công nghiệp Cái Lân - Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn tại phường Giếng Đáy; điểm cuối đấu nối với QL279 tại Km24+750, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long. Trong đó, cầu chính được thiết kế dạng vòm ống thép nhồi bê tông với 6 làn xe cơ giới, rộng 33,1 m, dài 290 m, tĩnh không thông thuyền 40x7 m; phần cầu dẫn dài 565m, đường dẫn dài 3.380 m với 6 làn xe cơ giới; vận tốc thiết kế 60 km/h. Tổng mức đầu tư của công trình là 2.109 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh. Thời gian thi công dự kiến hoàn thành trong 20 tháng.
Sau đúng một năm thi công, tháng 4/2021, các hạng mục hạ bộ cầu Cửa Lục I đã hoàn thành. Cả công trường bước vào giai đoạn thi công 5 nhịp vòm và mặt cầu. Trong đó, nhịp chính dài 90 m đã tiến hành hợp long vào tháng 5/2021; tháng 9/2021 thi công xong dầm chính của cầu chính; tháng 10/2021, hoàn thiện bê tông nhồi vòm thép và lắp đặt cáp treo; các hạng mục khác như cầu trên tuyến và đường dẫn sẽ tiến hành song song với đường găng chính của cầu chính, hoàn thành vào tháng 11/2021.
Xúc những mẻ bê tông cuối cùng thực hiện hợp long cầu Cửa Lục I vào sáng 2/11, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh xúc động chia sẻ: Việc thực hiện hợp long một câu cầu đó chỉ là công việc về mặt kỹ thuật nhưng đối với cầu Cửa Lục, hôm nay, mỗi mẻ bê tông được đổ xuống để hợp long là một khối bê tông vững chãi của niềm tin. Niềm tin mà nhân dân huyện Hoành Bồ đã trao gửi khi 100% cử tri đồng thuận, nhất trí thực hiện việc hợp nhất vào TP Hạ Long, đến hôm nay chúng ta đền đáp bằng những công trình được khẩn trương đầu tư xây dựng như cầu Cửa Lục I, Cửa Lục III, những cây cầu nối đôi bờ vịnh Cửa Lục, nối liền một dải đất Hạ Long, hợp nhất không gian lòng người trong không gian địa giới hành chính chung.
Gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, tỉnh Quảng Ninh đã, đang dần hiện thực hóa mục tiêu mở rộng địa giới hành chính và không gian phát triển để xây dựng thành phố Hạ Long có tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh vượt trội, thu hút và phát huy mọi nguồn lực tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững với tầm nhìn dài hạn, nâng cao đáng kể đời sống nhân dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; làm hạt nhân thúc đẩy xây dựng tỉnh Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và vùng duyên hải Bắc Bộ. Đồng thời, qua đó góp phần hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Sức mạnh niềm tin được hợp nhất từ đôi bờ Cửa Lục không chỉ là những dự án được khẩn trương thực hiện như đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cầu Cửa Lục I, cầu Cửa Lục III mà một Hạ Long phát triển đột phá mới đang hiện hữu về không gian phát triển, về tầm vóc đô thị. Khẳng định quan điểm xuyên suốt, nhất quán của tỉnh Quảng Ninh là mỗi nấc thang của tăng trưởng kinh tế tạo ra bước phát triển mới về văn hóa, phát triển văn hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân gắn với bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, giảm chênh lệch khoảng cách phát triển, chất lượng cuộc sống vùng miền, mọi người dân đều phải được thụ hưởng thành quả phát triển chung của tỉnh. Người dân trên xã vùng cao Kỳ Thượng hay người dân ở phường trung tâm đô thị Hòn Gai đều phải được đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất thụ hưởng ngang bằng nhau.
Thực hiện: Đỗ Phương
Kỹ thuật đồ họa: Mạnh Hà
,