Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:17 (GMT +7)
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4
Thứ 6, 29/04/2022 | 23:35:57 [GMT +7] A A
Những vụ việc nóng được dư luận quan tâm thời gian qua như một số trường "ép" học sinh học lực yếu không thi vào cấp 3, tiến độ điều tra các vụ án điểm (Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh), việc xử lý lưu hành MV mới của Sơn Tùng M-TP... được báo chí đặt ra với các cơ quan chức năng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 chiều 29/4.
Chiều 29/4, Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng các bộ, ngành tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 để cung cấp nhiều thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022. Tại họp báo, nhiều vấn đề nóng đã được các phóng viên nêu ra và được đại diện các bộ, ngành chức năng giải đáp, làm rõ.
Việt Nam đang ở giai đoạn giữa đại dịch và bệnh lưu hành
PV Vũ Tuân (báo Vnexpress): Hiện nay, Việt Nam cơ bản đã phủ đủ liều vaccine cho nhóm dân số từ 12 tuổi trở lên, đang tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng như tiêm mũi 3, số ca nhiễm hàng ngày giảm rất sâu. Đề nghị Bộ Y tế cho biết hiện nay việc cách ly và thực hiện 5K có còn phù hợp nữa hay không? Sắp tới Bộ Y tế dự tính sẽ thay đổi như thế nào? Đã đến lúc xem COVID-19 là bệnh lưu hành hoặc cúm mùa hay chưa?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Nước ta là 1 trong 6 nước đứng ở top đầu tốc độ phủ vaccine. Việt Nam cũng đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Tính đến hết ngày 28/4, đã có gần 1,2 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi được tiêm.
Về áp dụng 5K, ngay từ đầu Bộ Y tế đưa ra không cứng nhắc, rất linh hoạt, để bảo đảm hiệu quả. Thứ hai, trước hết chúng ta thường xuyên đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khẩu, xà phòng. Đây là 2K chúng ta thực hiện thường xuyên. 3K còn lại linh hoạt hơn, ví dụ như khai báo y tế, không tập trung đông người. Do vậy trong từng hoạt động cụ thể, đặc thù của từng địa phương, từng đơn vị, từng lĩnh vực, từng bộ, ngành, chúng ta thực hiện cho phù hợp.
Hiện nay, Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa, đã cho học sinh đến trường; tại doanh nghiệp, công nhân đã trở lại làm việc, du lịch và lễ hội bắt đầu hoạt động. Đặc biệt, chúng ta đã cho phép các chuyến bay thương mại hoạt động trở lại.
Ngoài những biện pháp 5K như vừa nói thì chúng ta vẫn duy trì, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Bộ Y tế đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đến hết ngày 28/4, đối tượng này mới tiêm được xấp xỉ 60% trong khi theo chỉ đạo của Thủ tướng là phải hoàn thành trong quý II này.
Bộ Y tế đang giao cho Hội đồng vaccine họp và chuẩn bị hướng dẫn để tiêm mũi 4 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, hoàn thành tiêm cho các đối tượng trẻ em từ 5 đến 11 tuổi chưa bị nhiễm SARS-CoV-2, cơ bản xong mũi 1, mũi 2 trong quý II.
Chúng tôi trân trọng đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền, vận động các đối tượng đi tiêm vaccine mũi 3 và mũi 4 (sau khi có hướng dẫn tiêm mũi 4), và đặc biệt là tuyên truyền vận động để các bậc phụ huynh tiếp tục đồng hành cùng ngành y tế đưa trẻ em đến các điểm tiêm như Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn, để chúng ta đẩy nhanh tiến độ tiêm nhanh nhất và độ phủ nhanh nhất. Hiện nay tình hình dịch đã được kiểm soát, một số người dân hoặc phụ huynh có tư tưởng chủ quan, lơ là, chưa tích cực tham gia tiêm chủng. Nên hạn chế tập trung đông người không cần thiết.
Vấn đề thứ hai là Việt Nam đã coi COVID-19 là bệnh lưu hành chưa? Trên thế giới chưa có quốc gia nào coi COVID-19 là bệnh lưu hành, nhưng có một số nước nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, không bắt buộc cách ly đối với người tiếp xúc gần hoặc không đeo khẩu trang nơi công cộng, như ở Anh, Đan Mạch, Thuỵ Điển. Hoặc một số nước thông báo dần dần coi COVID-19 trở thành bệnh lưu hành như Thái Lan, Australia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,. Họ căn cứ trên cơ sở và chỉ số tử vong thấp, hoặc tỉ lệ bệnh nặng phải nhập viện và đặc biệt là độ bao phủ vaccine cao.
Ở nước ta dịch được kiểm soát rất tốt, tuy nhiên theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo vẫn có thể xuất hiện các biến chủng mới. Chúng ta đang trong giai đoạn giữa đại dịch và bệnh lưu hành. Căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ đã ban hành chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đang xây dựng phương án ứng phó để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp như điều chỉnh định nghĩa các ca bệnh, hướng dẫn biện pháp cách ly với người tiếp xúc gần. Bộ cũng đã có hướng dẫn tạm dừng không áp dụng khai báo y tế tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu hàng không.
Như vậy dù dịch của chúng ta đã được kiểm soát tốt nhưng trong bối cảnh nước ta có độ bao phủ vaccine lớn nhưng độ mở cửa của chúng ta cũng rất lớn, trân trọng đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền, vận động người dân không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.
Tung tin thất thiệt: Bộ Công an đã tập trung lực lượng, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát và xử lý
PV Trần Quốc (báo Nhà báo và Công luận): Xin đại diện Bộ Công an cho biết tiến độ và kết quả điều tra của một số vụ án nổi cộm gần đây như vụ án tại Công ty CP TNHH Việt Á, vụ án thao túng thị trường chứng khoán tại Tập đoàn FLC, vụ án lừa đảo và chiếm đoạt tài sản tại tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng với đó là vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Trí Việt và Louis Holdings?
Thời gian qua có các đối tượng tung tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và môi trường đầu tư kinh doanh. Bộ Công an đã triển khai nhiều biện pháp để hạn chế hiện tượng này. Xin đại diện Bộ cho biết kết quả bước đầu xử lý các đối tượng tung tin đồn thất thiệt này?
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt các cơ quan tố tụng, đã khởi tố các vụ án được dư luận quan tâm. Tất cả các vụ án này đều được Bộ Công an thông tin nhanh chóng, cởi mở trong điều kiện cho phép để đáp ứng nhu cầu của người dân. Chi tiết điều tra, chúng tôi chưa thể thông tin được, khi có kết quả sẽ thông báo sớm.
Với việc tung tin thất thiệt, nhiều chuyên gia đã đề cập, những thông tin này không chỉ gây thất thiệt trên thị trường chứng khoán mà cả trên mạng xã hội. Trong khi đó, mạng xã hội hiện nay như một xã hội thực, rất phức tạp. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị như an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao, an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế… tập trung lực lượng áp dụng các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát và răn đe, truy tố các cá nhân tung tin thất thiệt. Chúng tôi không thể cung cấp thông tin chi tiết như gọi hỏi bao nhiêu người, răn đe bao nhiêu người…
Các cảnh báo, biện pháp được đưa ra từ hành chính đến hình sự theo từng cấp độ. Chúng tôi có nhiều biện pháp giáo dục và răn đe. Các biện pháp cảnh báo chúng tôi cũng đã thông tin đầy đủ trên các phương tiện như Cổng TTĐT Bộ Công an, VTV, An ninh TV… để những ai quan tâm có thể tham khảo.
PV Hiếu Công (Zing News): Xin hỏi Bộ Tài chính, sau các vụ việc thao túng cổ phiếu và phát hành trái phiếu gần đây ở FLC, Tân Hoàng Minh và Louis Holding, Bộ Tài chính có biện pháp nào để lành mạnh hóa, minh bạch hóa thị trường chứng khoán và trái phiếu? Bộ sẽ có chỉ đạo như thế nào để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong chứng khoán và trái phiếu?
Cách đây vài tháng khi trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có nói dự trữ xăng dầu Việt Nam không được lâu. Xin hỏi tình hình dự trữ xăng dầu Việt Nam hiện tại như thế nào, đặc biệt khi xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp? Ngoài ra, nhiều chuyên gia có nói Việt Nam có nhiều dư địa để hạ giá xăng dầu xin hỏi liên Bộ Tài chính-Công Thương có đề xuất gì để hạ giá xăng dầu?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Những vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây như chúng ta đều biết, cơ quan quản lý và cơ quan bảo vệ pháp luật đang xem xét, điều tra, xử lý và sẽ có kết luận cuối cùng thỏa đáng trong thời gian tới.
Về trách nhiệm tổ chức việc giám sát thị trường chứng khoán, pháp luật đã quy định rõ. Trước năm 2019, theo Luật Chứng khoán cũ thì giám sát TTCK theo 2 lớp: Thứ nhất là Sở Giao dịch chứng khoán và thứ hai là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Từ năm 2019, Luật Chứng khoán sửa đổi có tăng cường thêm lớp rà soát trực tiếp của công ty chứng khoán ngay từ đầu tham gia thị trường.
Đối với những việc thao túng chứng khoán thị trường thì thời gian vừa qua, các Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM và Hà Nội đã giám sát và thực hiện cảnh báo, xử lý các vụ vi phạm theo phạm vi thẩm quyền. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng thường xuyên, chủ động yêu cầu 2 Sở tăng cường giám sát chặt chẽ các mã giao dịch chứng khoán của các tổ chức niêm yết có kinh doanh thua lỗ nhưng giá cổ phiếu lại tăng phiên liên tiếp; các giao dịch có khối lượng lớn, có dấu hiệu bất thường thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức kiểm tra, chủ động và chuyển cơ quan công an xử lý theo thẩm quyền, đối với các vụ việc vi phạm pháp luật như FLC, Tân Hoàng Minh…
Nhằm bảo đảm TTCK được phát triển minh bạch, bền vững, tại Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì cách đây 1 tuần về "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế", Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn thị trường tài chính tiền tệ, không để xảy ra các vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu và đến việc phát triển kinh tế đất nước. Những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý, nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.
Về phía Bộ Tài chính đưa ra một số giải pháp như sau: Trước hết, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tổ chức điều hành thị trường. Đối với thị trường cổ phiếu, chúng ta cần tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường tính tuân thủ của các DN trên thị trường. Đối với thị trường trái phiếu DN, cần phát triển theo hướng bền vững, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát ngay những quy định pháp luật trong Luật Chứng khoán, Luật DN và rất sớm sẽ báo cáo Chính phủ để sửa đổi quy định của Nghị định 153 về phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, bảo đảm những quy định pháp luật về TTCK và trái phiếu phù hợp với điều kiện và yêu cầu điều tiết của thị trường, tránh việc DN, nhóm nhà đầu tư thu lợi nhuận phi pháp.
Thứ hai, triển khai công tác tái cấu trúc TTCK theo 4 trụ cột, đó là tăng cường chất lượng của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; tăng cơ sở các nhà đầu tư, tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường và cơ cấu lại thị trường.
Đối với các tổ chức trung gian: Tập trung nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lương nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; công ty kiểm toán độc lập, công ty định mức tín nhiệm. Khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên TTCK triển khai ứng dụng CNTT phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và thị trường.
Thứ ba, sẽ phát triển các nhà đầu tư, thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, định chế đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển các nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, DN bảo hiểm…; tăng cường đào tạo và phát triển các nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia TTCK; tuyên truyền tăng cường công tác thông tin chính thống giúp nhận thức về kỹ năng tài chính của các nhà đầu tư.
Thứ tư là nâng cao hiệu quả công tác giám sát. Việc này chúng tôi hết sức coi trọng, giám sát từ 3 cấp, đó là Công ty chứng khoán, Sở GDCK và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; tăng tần suất giám sát thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả giám sát, cưỡng chế thực thi; kịp thời phát hiện và cưỡng chế rủi ro trên TTCK.
Trong giai đoạn tới sẽ thanh kiểm tra các công ty đại chúng và công ty không đại chúng khi huy động vốn; tăng cường giám sát hiện tượng thao túng và làm giá nhằm phát triển TTCK theo hướng an toàn, công khai và minh bạch.
Đối với thị trường trái phiếu DN thì giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm, đặc biệt sai phạm về công bố thông tin, sai phạm về sử dụng vốn; sai phạm về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Đồng thời trực tiếp kiểm tra, kiểm toán Báo cáo tài chính tại các đơn vị phát hành DN. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, kể cả các đơn vị kiểm toán độc lập thiếu trách nhiệm để xảy ra những sai sót trong việc kiểm toán báo cáo tài chính của những DN phát hành trái phiếu.
Thứ năm, sẽ tăng cường phối hợp công tác giữa các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan trong công tác điều hành, quản lý giám sát TTCK, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng, bảo hiểm, bảo đảm công khai minh bạch trên thị trường vốn, ổn định thị trường tài chính; qua đó góp phần ổn định kinh vĩ mô.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để kịp thời đưa các thông tin chính thống về phát triển thị trường, tình hình DN… giúp thị trường được minh bạch, chính xác. Trên cơ sở đó, đấu tranh với những tin đồn thất thiệt nhằm trục lợi của các tổ chức, cá nhân.
Với sự đồng lòng của cơ quan Nhà nước, các định chế trên thị trường và các nhà đầu tư, chúng ta sẽ sớm thiết lập được TTCK, thị trường vốn phát triển minh bạch, ổn định, phục vụ thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Trước hết, trong thời gian gần đây, vấn đề năng lượng nói chung và xăng dầu, khí đốt nói riêng có sự xáo trộn lớn do tình hình chính trị, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine. Tại Việt Nam hiện nay, việc cung ứng từ nguồn trong nước tại 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bỉm Sơn chiếm 70-75%. Như vậy chúng ta chỉ nhập khẩu 25-35%.
Tuy nhiên thị trường xăng dầu trong nước quý I/2022 có nhiều biến động bởi nguồn cung ứng xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng bởi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị chiếm 35-40% thị phần cung bảo đảm cho thị trường trong nước nhưng đã phải giảm mạnh công suất sản xuất trong tháng 1 và đầu tháng 2, từ 100% xuống 85%, 60% rồi 55%, thậm chí có thời điêm phải dừng sản xuất. Trong khi đó, tình hình địa chính trị như tôi đã nói khiến nguồn cung nhập khẩu gặp khó khăn, giá cả tăng, đặc biệt là chi phí về logistics, kể cả các nguồn cung bị hạn chế. Trong bối cảnh đó, liên Bộ Công Thương-Tài chính đã yêu cầu các DN đầu mối chủ động nhập khẩu, cũng đã tính đến việc giảm công suất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và như vậy trong quý I, không xảy ra hiện tượng không đủ nguồn cung xăng dầu, vẫn bảo đảm xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh,.
Đến quý II/2022, sau khi làm việc với nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, xem xét quá trình sản xuất của Nhà máy và việc chưa bảo đảm cung ứng xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 242 ngày 24/2/2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II cho 10 tư nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bổ sung nguồn thiếu hụt từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Như vậy trong quý II, chúng ta không tính đến lượng xăng dầu do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cung cấp mà chúng ta vẫn bảo đảm nguồn cung. Đây cũng là nỗ lực cố gắng của Chính phủ và trực tiếp sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ cũng như liên Bộ Công Thương-Tài chính, các sở ngành cũng như các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Quý III và IV sắp tới, Bộ đã làm việc lại với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, trên căn cứ cam kết của Nhà máy về việc cung ứng ở mức độ nào, chúng tôi sẽ ưu tiên mức độ đó để tiêu thụ trong nước. Phần còn lại nếu còn thiếu sẽ tiếp tục phân giao cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu để nhập khẩu bù vào lượng thiếu hụt của Nhà máy.
Trong điều hành giá xăng dầu, hiện nay chúng ta phải bám vào Nghị định 83 ngày 3/9/2014 của Chính phủ cũng như Nghị định 95 ngày 1/11/2021 của Chính phủ.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giảm giá xăng dầu? Như các bạn đã biết, theo công thức tính toán để tính ra giá xăng dầu hiện nay thì một là phụ thuộc vào giá thế giới. Hiện nay kinh doanh xăng dầu cũng tiến tới tiệm cận thị trường, nghĩa là giá thế giới tăng, điều hành tăng và nhập khẩu; giá thế giới giảm thì chúng ta cũng phải điều hành giảm để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.
Trong suốt thời gian qua, liên Bộ Công Thương-Tài chính đã sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ POJ) liên tục. Do đó mặc dù giá thế giới liên tục tăng nhưng mức tăng của chúng ta so với thế giới thấp hơn. Ví dụ trong kỳ điều hành gần đây nhất, ngày 21/4/2022, so với đầu năm 2022 giá xăng dầu có biến động tăng, nhưng giá trong nước vì sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu nên chỉ tăng 17,16% đến 39,04%, tùy từng loại xăng dầu.
Bên cạnh đó, cần điều chỉnh về thuế. Vừa qua theo đề xuất của Quốc hội đã giảm thuế môi trường từ 1/4/2022 đến hết năm nay, đối với xăng giảm thuế này 2.000 đồng/lít, dầu 1.000 đồng/ lít.
Hiện nay, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, liên ngành Bộ Công Thương-Tài chính tiếp tục nghiên cứu và rà soát xem giảm được thêm thuế nào để phù hợp với tình hình chung, quan trọng là bảo đảm cho các DN sử dụng xăng dầu đầu vào cũng như nhu cầu người dân.
Liên quan dự trữ xăng dầu, có 2 dự trữ: Dự trữ thứ nhất là trong DN. Đây là yêu cầu bắt buộc trong Nghị định 83 và Nghị định 95, có nghĩa là xăng dầu đầu mối dự trữ 20 ngày trong các kho, còn các DN cung ứng dự trữ 5 ngày.
Thứ hai là dự trữ Nhà nước. Hiện nay do khả năng và NSNN còn hạn chế nên liên Bộ Công Thương-Tài chính đang bàn với các bộ ngành liên quan để đề xuất những giải pháp phù hợp nhất với tình hình thực tế Việt Nam và NSNN để bảo đảm mức tối đa cho dự trữ xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Không có việc ép học sinh thành tích kém phải chuyển trường hoặc không đăng ký thi vào lớp 10
PV Hoàng Lê (VOV): Liên quan đến việc ép học sinh lớp 9 thành tích kém phải chuyển trường hoặc không đăng ký thi vào lớp 10, xin hỏi Bộ GD&ĐT có giải pháp nào để xử lý việc này nhằm ổn định tâm lý cho học sinh trong giai đoạn chuyển cấp cũng như giải toả bức xúc cho phụ huynh học sinh?
Liên quan đến video mới của Sơn Tùng đã bị Bộ TT&TT kết luận là gây tác động xấu tới giới trẻ và yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ video này. Xin hỏi Bộ VHTT&DL có hướng xử lý như thế nào để kiểm soát những video như này?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Ngay sau khi được biết thông tin việc một số trường ở Hà Nội ép học sinh lớp 9 thành tích kém phải chuyển trường hoặc không đăng ký thi vào lớp 10, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo ngay Sở GD&ĐT rà soát, làm rõ thông tin này. Sở đã yêu cầu Phòng GD&ĐT xuống các trường này rà soát, làm việc với trường và phụ huynh học sinh liên quan. Sau khi xác minh, Phòng GD&ĐT đã kết luận là không có sự việc này. Những thông tin này có thể xuất phát từ việc tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh cuối cấp.
Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2022-2023 đảm bảo chặt chẽ nghiêm túc, nếu phát hiện ra sai phạm sẽ xử lý kịp thời.
Về phía Bộ GD&ĐT, từ 28/12/2017, Bộ đã ban hành Công văn 6122 khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, tăng cường quản lý thi cử. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục ban hành các văn bản, đặc biệt sẽ triển khai nghiêm túc việc chống bệnh thành tích trong giáo dục.
Bộ cũng sẽ chỉ đạo các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ, tổ chức thực chất các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, xét tuyển vào THCS, THPT cũng như vấn đề thi tốt nghiệp. Đồng thời, Bộ GD&ĐT tiếp tục làm tốt công tác hướng nghiệp trong nhà trường, tránh không thực chất, làm hình thức dẫn đến việc thấy học sinh có thể chưa có kết quả tốt mà tư vấn chuyển trường này trường khác như sự việc vừa qua. Việc hướng nghiệp thực hiện theo Nghị quyết 29/TƯ sau năm 2020 hướng tới giáo dục bắt buộc 9 năm, đến lớp 10 sẽ phân bổ hướng nghiệp.
Cuối cùng, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.
Liên quan đến video của ca sĩ Sơn Tùng, chúng tôi cũng nắm được việc này. Thời gian vừa qua, các em học sinh phải học trực tuyến do dịch bệnh COVID-19 nhưng các em cũng vừa được đến trường, mới ổn định nề nếp. Có thể nói, công tác tư vấn trong nhà trường đã và đang được triển khai rất mạnh. Bộ đã chỉ đạo rà soát việc học tập trực tuyến của các em học sinh trong thời gian vừa qua, đồng thời, phát hiện những em học sinh có điều kiện học tập chưa thật tốt để tư vấn cho các em có điều kiện học tập tốt hơn. Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác hướng nghiệp, tư vấn giáo dục tư tưởng cho các em để các em có đủ hiểu biết, không bị ảnh hưởng bởi những video clip kể trên.
Theo Baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()