Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:14 (GMT +7)
Hỏng mắt, cụt tay vì chế pháo nổ
Thứ 7, 14/12/2024 | 08:40:21 [GMT +7] A A
Chưa đến tết Nguyên đán nhưng nhiều bệnh viện đã ghi nhận nhiều ca tai nạn do tự chế pháo nổ gây ra. Phần lớn nạn nhân đều đa tổn thương vùng tay, ngực, đầu mặt, có trường hợp phải cắt cụt tay khi tuổi đời còn rất trẻ.
Trả giá đắt vì học chế pháo trên mạng
Cấp cứu tại BV Việt Đức với hai bàn tay thấm nhiều máu, gương mặt bé N.K (13 tuổi) và N.T.A (14 tuổi, đều trú tại Vĩnh Phúc) không khỏi sợ hãi.
K cho hay: "Chúng cháu học cách làm pháo qua hướng dẫn trên YouTube. Sau khi đổ thuốc pháo, cả hai đang cuộn chặt lại vỏ giấy thì pháo nổ".
Riêng với K, do vết thương dập nát quá nặng nên không thể bảo tồn ngón cái hai bên. Bác sĩ đã phẫu thuật làm mỏm cụt ngón, cố gắng bảo tồn những ngón tay còn lại.
TS Phạm Hồng Vân, Bệnh viện Mắt Trung ương thông tin, trong đêm 8/12, bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu hai nam bệnh nhân bị chấn thương mắt nặng do pháo tự chế.
Trong đó, C.V.P (16 tuổi, trú tại Lạng Sơn) được chuyển đến trong tình trạng mắt trái chấn thương vỡ nát nhãn cầu, mất hoàn toàn thị lực. Người nhà cho biết, P đang tự chế pháo (loại pháo cối được cuốn bằng giấy) thì pháo phát nổ gây tai nạn.
"Tuy đã được kíp mổ cấp cứu ngay trong đêm, hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định nhưng nguy cơ cao là mất thị lực vĩnh viễn", TS Vân nhận định.
Còn N.B.M (22 tuổi, trú tại Nghệ An) nhập viện trong tình trạng vết thương mắt trái xuyên rách củng mạc rộng, phức tạp. Được biết, quá trình cho thuốc nổ vào ống nhựa để chế pháo thì pháo phát nổ làm ống nhựa nổ tung, các mảnh nhựa găm thẳng vào mặt và mắt bệnh nhân.
Có thể đe dọa tính mạng
PGS.BS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc BV Việt Đức cho biết, vào mỗi dịp Tết và cận Tết, số ca tai nạn do nổ pháo tự chế luôn gia tăng. Những tai nạn này không chỉ gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất mà còn để lại hậu quả nặng nề về tâm lý và tài chính cho người bệnh và gia đình.
Ông Khánh thông tin thêm, việc tự chế pháo có nguy cơ gây bỏng nghiêm trọng, tổn thương cơ thể và thậm chí đe dọa tính mạng nếu phát nổ. Các tổn thương thường gặp bao gồm bỏng mặt, cổ, tay, chân và có thể gây bỏng hô hấp, thậm chí có trường hợp phải cắt cụt tay.
Bỏng do pháo nếu chăm sóc không tốt và bỏng sâu sẽ để lại sẹo xấu, co rút, điều trị dài, nguy hiểm tính mạng, ảnh hưởng đến chức năng vận động và chức năng sống về sau.
Đại tá Nguyễn Trọng Toản, Cục Cảnh sản quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an nhìn nhận, dù thuốc pháo bị cấm nhưng các nguyên liệu hợp thành thuốc pháo là loại hóa chất lưỡng dụng, dùng cho nhiều mục đích sản xuất khác nên không thể cấm hoàn toàn.
Do vậy, mục tiêu là đấu tranh phòng ngừa những hành vi lợi dụng hóa chất sai mục đích, nhất là để làm thuốc pháo, sản xuất pháo trái phép.
"Tất cả mọi hành vi chế tạo, sản xuất, tàng trữ, đốt pháo đều là trái phép, có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Vì vậy, người dân cần nghiêm chỉnh thực hiện theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường tăng cường quản lý, tuyên truyền, giáo dục để trẻ nhận diện hành vi sai phạm", ông Toản nhấn mạnh,.
Cùng quan điểm, BS Mạnh Khánh khuyến cáo: "Trẻ em và thanh, thiếu niên không nên tự tìm hiểu và thực hiện theo các hướng dẫn chế tạo pháo trên mạng, tránh gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.
Việc tự chế pháo nổ không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn nguy cơ cao gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng".
Hiện nay, trên mạng xã hội tràn lan các video hướng dẫn cách chế tạo pháo nổ, thu hút hàng nghìn lượt xem. Việc mua nguyên liệu để làm pháo nổ cũng rất dễ dàng, với nhiều tài khoản cá nhân rao bán công khai.
Dù lực lượng chức năng đã vào cuộc xử lý một số đối tượng và trang mạng vi phạm, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến. Các video hướng dẫn cách chế tạo pháo nổ vẫn tồn tại tràn lan, bất chấp các biện pháp xử phạt.
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()