Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:54 (GMT +7)
Hơn 73% dân số Việt Nam sử dụng Internet
Thứ 4, 07/12/2022 | 21:00:00 [GMT +7] A A
Sau 25 năm kết nối Internet toàn cầu, Việt Nam có hơn 73% dân số sử dụng Internet và hơn 72% hộ gia đình sử dụng cáp quang.
Khi mới kết nối với Internet vào năm 1997, Việt Nam có khoảng hơn 500 tên miền “.vn”, một tài nguyên Internet quốc gia giúp người sử dụng dễ tiếp cận với mạng thay vì phải ghi nhớ dãy địa chỉ IP. Sau 25 năm, con số này tăng hơn 1.000 lần, lên hơn 560.000 tên miền. “.vn” cũng là tên miền quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng lớn nhất khu vực Đông Nam Á và nằm trong top 10 châu Á Thái Bình Dương.
“Tuy bắt đầu chậm so với tiến trình toàn cầu, Việt Nam đã bắt kịp các nước trong khu vực và trên thế giới, đạt mức phổ cập Internet cao”, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), cho biết tại hội thảo 25 năm khai trương Dịch vụ Internet Việt Nam.
Số lượng địa chỉ Internet, hay IP, một tài nguyên Internet khác định danh thiết bị trong hạ tầng mạng, cũng cho thấy tốc độ phát triển của Internet Việt Nam. Lượng địa chỉ IPv4 Việt Nam đã tăng trưởng lên tới hơn 16 triệu địa chỉ, đứng thứ 8 khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và đứng thứ 29 toàn cầu về IPv4.
“Thậm chí sự phát triển của Internet đã làm cạn kiệt địa chỉ IPv4”, bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), cho biết. Về giao thức mới hơn, IPv6, tỷ lệ ứng dụng tại Việt Nam cũng đạt khoảng 53%, đứng thứ 2 ASEAN và thứ 8 toàn cầu, theo đại diện VNNIC.
Theo Bộ TTTT, Việt Nam có hơn 72 triệu người Việt sử dụng Internet trong cuộc sống hàng ngày, đứng thứ 13 trên thế giới. 19,79 triệu hộ gia đình, tương đương với hơn 72%, có cáp quang.
Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản. Về mạng di động, số thuê bao băng rộng là 82,2 triệu, tương đương hơn 74% dân số.
Dù vậy, trong bảng xếp hạng của Speedtest, tốc độ Internet di động và băng rộng cố định tại Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 58 và 59 trên toàn cầu. Tốc độ tải xuống trung bình của Internet di động tại Việt Nam đạt 42,46 Mbps, thấp hơn mức trung bình thế giới 55,07 Mbps. Tốc độ này của Internet băng rộng cố định là 78,43 Mbps, thấp hơn mức trung bình thế giới 107,50 Mbps.
“Các doanh nghiệp viễn thông trong thời gian tới phải tiếp tục phát triển hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, hạ tầng Internet phủ rộng khắp và tự chủ, đây là nền tảng cho chuyển đổi số”, theo Thứ trưởng Phạm Đức Long.
Nhằm hỗ trợ việc tiếp tục phát triển hạ tầng Internet đến từng địa phương, đại diện VNNIC cho biết sẽ thực hiện vai trò vai trò đo lường chất lượng và công bố để doanh nghiệp và các cơ quan quản lý có thể thấy tốc độ mạng đã đáp ứng nhu cầu của người dùng hay chưa, một trong những yếu tố quan trọng khi phát triển hạ tầng.
Phản hồi về hạ tầng và tốc độ truy cập, Viettel, một trong các nhà cung cấp dịch vụ Internet dẫn đầu ở Việt Nam, đặt mục tiêu đưa tốc độ truy cập Internet di động vào top 20 thế giới và mở rộng số thuê bao băng rộng cố định lên 17 triệu vào năm 2025, theo ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Viettel IDC.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()