Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:57 (GMT +7)
Hơn 50 quốc gia cận kề vỡ nợ
Thứ 3, 18/07/2023 | 17:47:09 [GMT +7] A A
Liên Hợp Quốc cảnh báo, hơn 50 quốc gia trên toàn cầu cận kề vỡ nợ. Trong khi đó, các cuộc đàm phán với G20 về hỗ trợ cho những quốc gia này “không hề có chút tiến triển nào”.
Các bộ trưởng tài chính G20 gặp nhau ngày 17/7 tại Gandhinagar, Gujarat, Ấn Độ nhưng không đạt được tiến triển nào trong cuộc thảo luận về việc tái cấu trúc khoản nợ của các quốc gia đang phát triển, AP đưa tin.
Khi cuộc đàm phán của G20 ở Ấn Độ về giảm nợ bị ngưng trệ, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoàn cảnh khó khăn của các nước đang phát triển.
“Tôi nghĩ, điểm mấu chốt là, kể từ tháng 7.2023, vấn đề tái cơ cấu nợ thực sự không tiến triển chút nào ở mức độ cần thực hiện" - Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc Achim Steiner chia sẻ với Reuters. Ông Steiner gọi tình hình là rất đáng quan ngại.
Những diễn biến trên diễn ra sau báo cáo của Liên Hợp Quốc vào tuần trước về mức độ nghiêm trọng của nợ công với thế giới. Khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, 52 quốc gia không có cách nào giảm bớt gánh nặng nợ và đang tiến gần đến tình trạng vỡ nợ.
Ông Guterres chỉ ra, 3,3 tỉ người sống ở các quốc gia đang chi cho các khoản trả lãi vay nhiều hơn là cho y tế hoặc giáo dục. "Đây không chỉ là một rủi ro hệ thống mà là một lỗi hệ thống” - ông Guterres nói.
Báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) chỉ rõ, ít nhất 19 quốc gia đang phát triển đã chi trả lãi vay nhiều hơn cho giáo dục và ở 45 quốc gia khác, số tiền chi trả lãi vay nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe. Cơ quan của Liên Hợp Quốc chỉ ra, gần 40% thế giới đang gặp rắc rối nghiêm trọng về nợ nần.
UNCTAD cho hay, điều đặc biệt đáng báo động là “sự bất bình đẳng cố hữu trong hệ thống tài chính quốc tế, tạo gánh nặng cho các nước đang phát triển một cách không tương xứng”, các nước châu Phi đang trả lãi vay cao gấp 4 lần so với Mỹ và gấp 8 lần so với các quốc gia giàu nhất châu Âu.
Việc tái cấu trúc khoản nợ này được xem là khó khăn vì 62% khoản nợ hiện do các chủ nợ tư nhân nắm giữ. Một thập kỷ trước, có 47% khoản nợ của các chủ nợ tư nhân.
Tuần trước, ông Guterres cảnh báo, nợ công toàn cầu đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 92 nghìn tỉ USD vào năm 2022, tăng gấp 5 lần kể từ năm 2000.
UNDP cho rằng, nợ công toàn cầu tăng vọt là do đại dịch COVID-19, lạm phát và lãi suất gia tăng.
Cơ quan của Liên Hợp Quốc ước tính, hơn 20% dân số thế giới - khoảng 1,65 tỉ người - đang phải vật lộn để có thực phẩm nuôi sống bản thân và sống với mức dưới 3,65 USD/ngày.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()