Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:25 (GMT +7)
Hơn 40 nước quan tâm gia nhập khối BRICS do Trung Quốc, Nga dẫn đầu
Thứ 3, 22/08/2023 | 16:33:56 [GMT +7] A A
Các nhà lãnh đạo BRICS gặp nhau tại Nam Phi, khi các nền kinh tế mới nổi tìm cách khẳng định tiếng nói của mình như một đối trọng trước sự thống trị của phương Tây trong các vấn đề toàn cầu.
"BRICS mở rộng sẽ đại diện cho một nhóm đa dạng các quốc gia có hệ thống chính trị khác nhau, có chung mong muốn có một trật tự toàn cầu cân bằng hơn", Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu trước cuộc họp thượng đỉnh của khối này ngày 22-8.
Các quan chức Nam Phi cho biết hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Trong số đó, khoảng 20 nước đã chính thức xin gia nhập.
Dù vậy, ông Ramaphosa khẳng định Nam Phi sẽ "không bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc toàn cầu".
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: "Chúng tôi sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế tái tập trung vào các vấn đề phát triển, phát huy vai trò lớn hơn của cơ chế hợp tác BRICS trong quản trị toàn cầu và làm cho tiếng nói của BRICS mạnh mẽ hơn".
Tờ Financial Times mới đây đưa tin Trung Quốc muốn thúc đẩy khối BRICS trở thành đối thủ chính thức của G7.
Tờ này dẫn các nguồn tin cho biết đã xảy ra tranh cãi giữa Bắc Kinh và Ấn Độ về việc kết nạp thêm thành viên. Theo đó, Bắc Kinh và New Delhi bất đồng trong việc liệu BRICS nên là một câu lạc bộ kinh tế không liên kết hay một phe chính trị công khai thách thức phương Tây.
“Nếu chúng ta mở rộng BRICS để chiếm một phần GDP thế giới tương tự như G7, tiếng nói chung của chúng ta trên thế giới sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn” - một quan chức Trung Quốc giấu tên nói với Financial Times.
BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, bao phủ 1/4 nền kinh tế toàn cầu và ngày càng nhiều nước muốn tham gia khối này.
Tại Johannesburg, ông Ramaphosa tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và khoảng 50 nhà lãnh đạo khác. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không trực tiếp tham dự. Thay mặt ông là Ngoại trưởng Sergei Lavrov.
Đại diện cho 40% dân số thế giới trên khắp ba châu lục, BRICS muốn thúc đẩy một trật tự toàn cầu phản ánh tốt hơn lợi ích và ảnh hưởng ngày càng tăng của khối.
Tình hình căng thẳng toàn cầu gia tăng do cuộc chiến Ukraine và sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ càng thôi thúc BRICS củng cố khối, dù có thông tin đã xảy ra chia rẽ trong nội bộ và thiếu tầm nhìn cho việc mở rộng.
Tuy nhiên, việc mở rộng BRICS còn nhiều tranh cãi. Nga và Trung Quốc muốn kết nạp thêm các thành viên mới và Nam Phi cũng ủng hộ.
Trong khi đó, giới quan sát nói rằng Ấn Độ lo ngại việc bành trướng quá nhanh chóng sẽ gây căng thẳng tại khu vực.
Còn Brazil cho rằng BRICS đang phát triển sẽ làm giảm ảnh hưởng của nước này.
Theo Hãng tin Reuters, việc tăng cường sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên cũng nằm trong chương trình nghị sự.
Tuy nhiên, các nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh cho biết sẽ không có cuộc thảo luận nào về đồng tiền chung BRICS, một ý tưởng được Brazil đưa ra hồi đầu năm nay như một giải pháp thay thế cho sự phụ thuộc vào đồng USD.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()