Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 12:47 (GMT +7)
Hơn 200 triệu người mắc COVID-19 trên thế giới, số ca nhiễm mới ở hàng loạt nước châu Á tăng mạnh
Thứ 4, 04/08/2021 | 08:18:32 [GMT +7] A A
Đến sáng 4/8, thế giới có trên 200 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,25 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 36 triệu ca mắc và hơn 630.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 93.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Một số bang phía Nam nước Mỹ đang chứng kiến làn sóng lây lan nguy hiểm với số ca nhập viện ở mức cao nhất từ trước tới nay. Bang Louisiana đã phải tái áp đặt lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà. Bang Florida có 1/4 ca nhập viện mới vì COVID-19 của toàn nước Mỹ. Chính quyền các bang đang kêu gọi người dân đi tiêm chủng. Hiện Mỹ có thừa vaccine để tiêm các mũi bổ sung cho người dân, tuy nhiên có khoảng gần 30% người dân Mỹ chưa muốn tiêm.
Số ca mắc COVID-19 tại Mỹ tiếp tục gia tăng và các bệnh viện chịu sức ép lớn hơn, nhất là tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang khiến các chuyên gia khuyến cáo người dân đi tiêm chủng. Trao đổi với báo giới, Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, cho biết, trong 7 ngày qua, số ca mắc trung bình mỗi ngày tại Mỹ đã tăng hơn 40% so với tuần trước.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 3/8, nước này ghi nhận hơn 42,5 ca mắc mới COVID-19 và 561 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 31,7 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 425.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Chính phủ Ấn Độ đã gia hạn tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế theo lịch trình cho đến ngày 31/8 tới. Tuy nhiên, các chuyến bay theo chương trình "Vande Bharat Mission" và các chuyến bay khác theo thỏa thuận song phương của Ấn Độ với từng nước tiếp tục hoạt động và những người đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ có thể bay đến và đi từ Ấn Độ.
Các chuyến bay thương mại quốc tế theo lịch trình đã bị đình chỉ từ ngày 23/3/2020 do đại dịch COVID-19. Sau 17 tháng tạm dừng bay thương mại quốc tế nhưng tình hình dịch COVID-19 ở Ấn Độ chưa có dấu hiệu cải thiện, nhà chức trách nước này lo ngại, nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 có thể bùng phát bất cứ thời điểm nào nếu các biện pháp phòng dịch không được thực hiện nghiêm túc và mở cửa một cách vội vàng.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 32.300 ca mắc COVID-19 và hơn 1.000 trường hợp thiệt mạng. Đến nay, hơn 558.400 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số gần 20 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới.
Số lượng người châu Âu nhiễm virus SARS-CoV-2 từ đầu đại dịch đã vượt quá con số 60 triệu trường hợp. Tổ chức Y tế Thế giới công bố thống kê và nhấn mạnh, con số 60 triệu là tính tổng cộng tại 50 nước châu Âu, trong đó bao gồm cả Liên bang Nga và Thổ nhĩ kỳ. Trên tổng số 50 quốc gia từ Đông Âu sang Tây Âu, đã có hơn 1,2 triệu người tử vong, tương đương với hơn 1/4 tổng số ca tử vong trên toàn thế giới do con virus xuất hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán, Trung quốc, cách đây gần 2 năm.
Bộ Y tế liên bang và các bang ở Đức đã thông qua nghị quyết kêu gọi tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, đồng thời thực hiện tiêm mũi thứ 3 cho nhóm người có nguy cơ cao trong dịch COVID-19. Giới chức nước này mong muốn có càng nhiều trẻ em được tiêm chủng càng tốt nhằm hạn chế các ca lây nhiễm mới với biển thể Delta, trong bối cảnh năm học mới sắp bắt đầu trở lại. Hiện Đức có đủ lượng vaccine từ cả hai nhà sản xuất Pfizer-BioNTech và Moderna để có thể tiêm ngay cho tất cả khoảng 4,5 triệu trẻ em từ 12 - 17 tuổi ở nước này.
Còn tại Australia, biến thể Delta đang khiến tỷ lệ trẻ em mắc bệnh cao hơn. Các dữ liệu cho thấy, khoảng 1/4 trường hợp mắc mới được ghi nhận ở trẻ em và tỷ lệ trẻ em nhập viện do COVID-19 cũng cao hơn. Trước thực tế trên, nước này đã quyết định sẽ tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi từ tuần tới. Đối tượng mới được đưa vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine là những em có bệnh nền, trẻ em bản địa và trẻ em sống ở vùng sâu, vùng xa. Như vậy, sẽ có khoảng 220 nghìn trẻ em trên khắp Australia được tham gia vào chương trình này. Trước đó, Australia cũng đã cấp phép sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em từ 16 tuổi trở lên.
Giới chuyên gia y tế Australia đang chuẩn bị cho một "kịch bản tồi tệ " ở nước này bởi các dữ liệu ở cả trong và ngoài nước đều cho thấy, biến thể Delta vừa gây tác động nghiêm trọng hơn, vừa khó ngăn chặn hơn. Theo một số chuyên gia y tế Australia, với biến thể Delta, các biện pháp phòng chống từng đem lại kết quả tích cực đã "không còn tác dụng". Biến thể Delta đang thử thách các quốc gia và các khu vực đã từng kiểm soát rất tốt đại dịch trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Singapore.
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại các điểm nóng ở Đông Nam Á. Trước sự lây lan mạnh của biến thể Delta, Chính phủ nhiều nước tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát mạnh như: gia hạn lệnh phong tỏa, kéo dài các hạn chế xã hội hay lệnh giới nghiêm.
Ngày 3/8, Lào đã quyết định tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm 2 tuần, kéo dài từ ngày 4 - 18/8. Đây là lần thứ 7 Lào gia hạn lệnh phong tỏa vốn được áp dụng từ ngày 22/4 đến nay. Quyết định gia hạn lệnh phong tỏa nêu rõ, do lo ngại nguy cơ lây nhiễm từ người lao động nhập cảnh và một số ca lây nhiễm trong cộng đồng, Chính phủ Lào đã yêu cầu tăng cường truy vết người mắc COVID-19 nhằm điều trị kịp thời và thúc đẩy chương trình tiêm chủng. Từ nay đến ngày 18/8, Lào vẫn tiếp tục tăng cường quản lý khu vực biên giới và đóng cửa các tụ điểm giải trí, karaoke, cà phê Internet, spa; cấm người dân ra vào "vùng đỏ"; cấm tổ chức tiệc tùng, tụ tập đông người.
Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 250 ca mắc mới, trong đó có 13 người lây nhiễm trong cộng đồng, đánh dấu sự gia tăng trở lại của các ca lây nhiễm trong nước. Với 250 ca mắc mới, tổng số cư dân mắcCOVID-19 tại Lào tới nay đã lên tới 7.015 ca, trong đó có 7 bệnh nhân không qua khỏi.
Ngày 3/8 là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia giảm, tuy nhiên, số ca nhập cảnh mắc COVID-19 và số người tử vong vì đại dịch còn cao. Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 29 người tử vong và 577 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 224 trường hợp nhập cảnh và 353 người lây nhiễm cộng đồng. Tính đến ngày 3/8, Campuchia phát hiện tổng cộng 79.051 người mắc COVID-19, trong đó 72.145 bệnh nhân khỏi bệnh và 1.471 người thiệt mạng.
Giới chuyên gia lo ngại về thực trạng nhiều người tiếp tục vượt biên trái phép từ Thái Lan về Lào trong bối cảnh 8 tỉnh biên giới giáp Thái Lan đã phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19. Ngày 2/8, các lực lượng chức năng lào cho biết, đã có 63 lao động di cư đã bị bắt giữ khi cố vượt biên trở về Campuchia và đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng.
Bộ Y tế Thái Lan cho biết, trong ngày đầu tiên áp dụng biện pháp phong tỏa thủ đô Bangkok và 28 tỉnh thành khác, nước này có thêm 18.901 ca nhiễm mới và 147 người tử vong do COVID-19. Bộ Y tế Thái Lan kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ, nhấn mạnh chỉ cần việc này tăng thêm 5% cùng với việc đẩy nhanh tiêm vaccine cho nhóm dễ bị tổn thương, số ca nhiễm COVID-19 tại Thái Lan có thể sẽ giảm đáng kể trong những tuần tới.
Trong thời gian thực hiện phong tỏa diễn ra vào tháng 4/2020, người dân đã giảm 80% tần suất và thời gian di chuyển, trong khi đó, năm nay con số này chỉ là 70%.
Chính phủ Indonesia đã quyết định kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng cấp độ 4 ở một số tỉnh thành từ ngày 3 -9/8 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo, quyết định trên được đưa ra sau khi cân nhắc diễn tiến tình hình tại một số khu vực. Trong 5 ngày qua, số ca mắc mới tại Indonesia có dấu hiệu giảm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 10.000 ca mỗi ngày của Chính phủ nước này.
Bộ Y tế Indonesia vừa ban hành thông tư cho phép phụ nữ mang thai được tiêm vaccine ngừa COVID-19 với lý do, đây là một trong những nhóm có nguy cơ phơi nhiễm và mắc các triệu chứng nghiêm trọng. Bộ Y tế Indonesia đã chỉ đạo tất cả các cơ quan y tế tiêm vaccine ngay cho phụ nữ mang thai, nhất là tại các khu vực có mức độ lây lan dịch cao. Phụ nữ mang thai sẽ được tiêm vaccine của các hãng Pfizer-BioNTech, Moderna và Sinovac. Liều đầu tiên sẽ được tiêm trong quý thứ 2 của thai kỳ và liều thứ hai sẽ được tiêm cách quãng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Theo thông tư của Bộ Y tế Indonesia, việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai sẽ được đưa vào tiêu chí đặc biệt. Do vậy, quy trình khám sàng lọc hay tiêm chủng sẽ được thực hiện chi tiết hơn các đối tượng khác.
Chính phủ Philippines đã quyết định kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm ở thủ đô Manila sau khi nước này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh. Lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài từ 20h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, thay vì từ 20h hôm trước như hiện nay. Cảnh sát cũng được tăng cường tại các chốt chặn để hạn chế việc đi lại của người dân.
Trước đó, Tổng thống Philippines Duterte đã phê chuẩn việc áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất tại Manila từ ngày 6 - 20/8, đồng thời mở rộng chương trình tiêm chủng cho mọi người dân có nhu cầu.
Singapore vừa có sự điều chỉnh trong chương trình tiêm vaccine COVID-19. Theo đó, những người bị dị ứng khi tiêm vaccine sử dụng công nghệ mRNA có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine Sinovac và vẫn được công nhận là hoàn thành tiêm chủng.
Đại diện Chính phủ Singapore cho biết, nước này đang xem xét khả năng tiêm vaccine cho những người có visa ngắn hạn như người đau yếu và người kẹt lại ở Singapore vì COVID-19.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học quốc gia Singapore đã điều chế hỗn hợp thuốc có thể dùng để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình. Nhóm nghiên cứu trên đã sử dụng mô hình trí tuệ nhân tạo có tên IDentif.AI để nhận dạng và phân tách các chất cần thiết có trong các loại thuốc chữa trị HIV, ung thư, chống virus Họ đã thử nghiệm virus sống để tạo ra một hỗn hợp thuốc với liều lượng vừa đủ có thể điều trị COVID-19, gồm cả biến thể Beta và Delta. Hỗn hợp thuốc này sau khi uống sẽ có tác dụng ngăn chặn sự tán phát của virus trong cơ thể bệnh nhân. Dự kiến, hỗn hợp thuốc này sẽ tiếp tục được thử nghiệm tại các bệnh viện của Singapore để đánh giá thêm hiệu quả và liều lượng sử dụng đối với từng nhóm bệnh nhân khác nhau
Hiệp hội Y tế Nhật Bản kêu gọi Chính phủ nước này ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc nhằm kiềm chế sự bùng phát dịch COVID-19. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh nhiều bệnh viện lớn ở Nhật Bản đang dần kín giường bệnh, trong khi Chính phủ vừa thay đổi chính sách điều trị, đó là bệnh viện chỉ tiếp nhận bệnh nhân thể nặng, những bệnh nhân khác sẽ cách ly tại nhà.
Thủ đô Tokyo ghi nhận hơn 3.700 ca nhiễm mới trong ngày 3/8. Gần 70% giường cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng đã kín chỗ. Số ca nhiễm ở người trẻ đang tăng lên. Người từ 40 - 50 tuổi mắc triệu chứng nặng tăng nhiều.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 90 ca dương tính trong nước. Thượng Hải cũng phá vỡ chuỗi ngày dài không ca mắc khi nhân viên nhà ga, sân bay quốc tế Phố Đông bị dương tính.
Trước thực trạng nhiều sân bay phát hiện ca dương tính, nhiều địa phương đã siết mạnh các quy định về phòng dịch đối với nhân viên phục vụ, khử khuẩn tàu bay, kiểm soát nghiêm ngặt hành khách đi lại. Tại một số địa phương, người đến từ vùng có nguy cơ cao và trung bình phải bị cách ly. Với 4 ca dương tính, lãnh đạo thành phố Bắc Kinh chỉ đạo phải dùng các biện pháp mạnh để bảo vệ như không cho người từ vùng dịch vào thủ đô hay đưa ra quy định nghiêm ngặt về cách ly, xét nghiệm, siết chặt quản lý các khu dân cư, kiểm soát nghiêm mã quét sức khỏe QR. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân thủ đô không rời khỏi Bắc Kinh.
Từ ổ dịch ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, đến nay dịch đã lan ra 20 thành phố của hơn 10 tỉnh thành. Toàn Trung Quốc có 4 khu vực dịch nguy cơ cao và 91 khu vực nguy cơ trung bình. Hiện nay, hầu hết các địa phương đều đã siết chặt phòng chống dịch trước đánh giá nguy cơ lây biến thể Delta vào mùa đi du lịch này là rất cao.
Ngày 3/8, chính quyền Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) cho biết sẽ triển khai xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ cư dân của thành phố này. Thông tin được đưa ra sau khi thành phố Vũ Hán, nơi dịch COVID-19 xuất hiện đầu tiên trên thế giới, báo cáo một số trường hợp nhiễm bệnh tại địa phương sau hơn một năm qua. Thành phố 11 triệu dân này đang nhanh chóng triển khai xét nghiệm axit nucleic toàn diện đối với tất cả cư dân.
Biến thể Delta lây lan nhanh, buộc giới chức của hơn 20 thành phố và 10 tỉnh của Trung Quốc, trong đó có thủ đô Bắc Kinh, phải phong tỏa, yêu cầu hàng triệu dân ở nhà, cùng với đó là tiến hành chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng trong các khu phố, truy vết, cách ly những người tiếp xúc gần.
Hàn Quốc vừa phát hiện 2 bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến thể Delta plus có khả năng lây nhiễm cao. Đây là lần đầu tiên nước này ghi nhận sự xuất hiện biến thể Delta plus, là một dòng phụ của biến thể Delta được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ. Một trong số hai trường hợp nhiễm Delta plus là một người đàn ông ngoài 40 tuổi, chưa từng ra nước ngoài.
Biến thể Delta plus được cho là dễ lây lan hơn, có thể có khả năng lây nhiễm sang người đã được tiêm chủng đầy đủ. Cho đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận hơn 6.000 trường hợp mắc 4 biến thể chính của virus SARS-CoV2, trong đó có gần 3.000 ca thuộc biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.
Có thêm nhiều nước công bố kế hoạch tiêm mũi 3 vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Mới đây nhất, Thụy Điển cho phép ngay mùa thu này tiêm mũi tăng cường cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Những người này là người có bệnh lý nền, người cao tuổi. Các đối tượng khác sẽ được tiêm trong năm 2022. Việc tiêm bổ sung mũi 3 cho đối tượng ưu tiên được tiến hành song song với đẩy mạnh tiên mũi 2 cho toàn dân.
Đức, Israel, Campuchia cũng có chiến lược tương tự. Nhiều nước khác đang cân nhắc. Những người đã được tiêm vaccine AstraZeneca có thể tiêm vaccine cùng loại hoặc tiêm vaccine Pfizer. Người tiêm vaccine Johnson & Johnson thì tiêm kết hợp được vaccine Moderna.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()